Phú Thọ: Làn sóng học tập suốt đời diễn ra mạnh mẽ
(Dân trí) - UBND các cấp tỉnh Phú Thọ công nhận danh hiệu cho hơn 2.500 gia đình học tập, gần 4.000 dòng họ học tập và cộng đồng học tập, tất cả đều vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Nhân dịp kỉ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và 17 năm thành lập Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ, ngày 27/9, Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quyết định 281/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch 2577/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh và biểu dương các gia đình, dòng họ, cộng động, đơn vị học tập tiêu biểu.
Tới dự có GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hòe, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ và 70 đại biểu đại diện cho các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu trong công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Trải qua 3 năm thực hiện quyết định, kế hoạch của Thủ tướng Chỉnh phủ và UBND tỉnh, Hội Khuyến học Tỉnh Phú Thọ bước đầu đạt được những dấu mốc lớn ghi nhận sự nỗ lực cố gắng trong công tác xây dựng gia đình, dòng họ, cộng động học tập.
Hiện nay với 6.200 chi hội, ban khuyến học; 367.000 hội viên và 14.200 cán bộ khuyến học là lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Trên cơ sở xây dựng các mô hình học tập, UBND các cấp trong tỉnh đã công nhận danh hiệu cho hơn 2.500 gia đình học tập; gần 4.000 dòng họ học tập và cộng đồng học tập, tất cả đều vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Bên cạnh những con số khích lệ, cũng không ít những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong công tác xây dựng mô hình gia đình, dòng họ hiếu học, cộng động khuyến học đã trở thành "thương hiệu". Nhưng những quan niệm ấy chưa được đổi mới thường xuyên, vẫn mang tính chất "bình mới rượu cũ", nên một bộ phận người dân, cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ các tiêu chí trước bối cảnh xã hội hóa học tập và hội nhập toàn cầu.
Cần tăng cường hỗ trợ giáo dục trong nhà trường, dòng họ, khu dân cư các hoạt động gây quỹ khuyến học phong trào "Tiết kiệm nuôi lợn nhựa", "Chắp cánh ước mơ"...
Hiện nay các dòng họ dang thúc đẩy các gia đình cùng thi đua, ra sức học tập, trau dồi kiến thức, đóng góp cho xã hội, giành vinh quang về cho gia tộc mình. Đây cũng chính là phương châm của nhiều dòng họ tỉnh Phú Thọ.
Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khuyến khích: "Gia đình, dòng họ, khu phố học tập là những nhân tố nòng cốt cần nhiều mô hình hay, cách làm giỏi hơn nữa để thực sự đưa tinh thần học tập đi sâu hơn nữa vào trong toàn xã hội, xây dựng nông thôn học tập, thành thị học tập, xã hội học tập".
Bà Nguyễn Thị Doan lưu ý thêm: "Ở bất cứ địa phương nào từ đồng bằng lên miền núi cao đều sẽ có những gia đình, dòng họ và cộng đồng học tập tiêu biểu, tạo làn sóng mạnh mẽ cả xã hội học tập. Không chỉ chú trọng học ở trẻ con, mà học cả ở người lớn hơn nữa".
Nhiều gia đình tiêu biểu có truyền thống cách mạng, đi đầu trong xây dựng kinh tế, nuôi dạy con chăm ngoan học giỏi được biểu dương như gia đình ông Lên Văn Phượng (Việt Trì), ông Hà Quang Chiến (Hạ Hòa), ông Đinh Công Sơn (Tân Sơn),...
Bên cạnh đó cũng có không ít gia đình học tập thuộc diện hộ nghèo như gia đình ông Lê Xuân Ba (Thanh Sơn), gia đình chị Lê Thị Duyên (Thanh Ba). Dòng họ học tập tiêu biểu như: dòng họ Vũ (Việt Trì) có 232 gia đình học tập, 94% gia đình có con em là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước với 19 tiến sỹ, thạc sỹ và 80% trình độ cử nhân trở lên.
Hà Cường