Hà Nội:

Phụ huynh xếp hàng cả đêm ngửi mùi chuột chết, ngất xỉu tại chỗ: Lỗi ở ai?

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Cảnh tượng hàng trăm phụ huynh xếp hàng thức xuyên đêm mong giành một suất học lớp 10 cho con được chuyên gia dự báo sẽ còn trở lại trong các năm tới.

Thức trắng đêm xếp hàng giữ chỗ, đến sáng nhà trường yêu cầu "xóa đi làm lại"

Sau một đêm thức trắng kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ, 6h sáng ngày 5/7, phụ huynh ở điểm Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) nhận được số thứ tự để bước qua cổng trường vào nộp hồ sơ xét tuyển lớp 10 cho con.

11h50, vẫn còn gần 20 phụ huynh có số thứ tự nhưng chưa đến lượt làm hồ sơ. Lúc này, điểm chuẩn của nhà trường đã lên 38 điểm.

Phụ huynh xếp hàng cả đêm ngửi mùi chuột chết, ngất xỉu tại chỗ: Lỗi ở ai? - 1

Điểm chuẩn vào Trường THPT Hoàng Cầu "nhảy số" 2 lần trong sáng 5/7. Thời điểm 11h50, mức điểm chuẩn vào trường là 38 (Ảnh: H.H).

Một số phụ huynh lo lắng khi khoảng cách điểm của con so với mức điểm gắn trên bảng thông báo chỉ còn 0,25 mà vẫn chưa tới lượt được làm thủ tục.

Đêm qua, họ nằm trong số hàng trăm người đổ về đây, chịu đựng không khí oi nồng, ngột ngạt, muỗi đốt và mùi chuột chết từ dưới cống bốc lên nồng nặc mà không dám rời vị trí chỉ vì sợ mất lượt.

Thay vào đó, họ đeo khẩu trang dày, xỏ tất dày, được những người dân tốt bụng xung quanh cho mượn quạt, nước uống, vượt qua hoàn cảnh bức bối, căng thẳng.

Trường THPT Hoàng Cầu là trường công lập tự chủ tài chính, có mức học phí tương đối thấp (khoảng 2 triệu đồng/tháng). Đây được xem là sự lựa chọn lý tưởng của người lao động bình dân quanh khu vực Đống Đa khi con cái họ trượt kỳ thi vào lớp 10 công lập.

Chỉ tiêu tuyển sinh của trường này là 496, không đưa ra điều kiện điểm chuẩn, không thông báo về cách thức xét tuyển nên phụ huynh chỉ biết đến xếp hàng giữ chỗ xuyên đêm với mong muốn có mặt trong những người sớm nhất được tiếp cận với phòng tuyển sinh của trường, hòng giành lấy một cơ hội học lớp 10 cho con mình.

Phụ huynh xếp hàng cả đêm ngửi mùi chuột chết, ngất xỉu tại chỗ: Lỗi ở ai? - 2

Hình ảnh phụ huynh mệt mỏi ngủ gục bên vỉa hè để giữ chỗ chờ được nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con từ nửa đêm ngày 4/7 đến rạng sáng ngày 5/7 (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Chí ít, phụ huynh tại Trường THPT Hoàng Cầu không phải trải qua nỗi uất nghẹn đến ngất xỉu như phụ huynh tại Trường THPT Tạ Quang Bửu.

Đúng 8h sáng, giờ nhà trường công bố mở cửa tuyển sinh, cuốn sổ ghi danh theo thứ tự mà các phụ huynh xếp hàng từ 10h đêm qua chủ động viết tay bị nhà trường từ chối xác nhận.

Trường yêu cầu phụ huynh xếp hàng lại từ đầu dẫn đến "biển" người chen lấn, xô đẩy, xáo trộn trong những tiếng phản đối, phẫn nộ.

Phụ huynh xếp hàng cả đêm ngửi mùi chuột chết, ngất xỉu tại chỗ: Lỗi ở ai? - 3

Do cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu không mở, phụ huynh ngồi tràn trên dải phân cách cứng giữa lòng đường suốt đêm vì quá đông đúc (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Phụ huynh xếp hàng cả đêm ngửi mùi chuột chết, ngất xỉu tại chỗ: Lỗi ở ai? - 4

Hình ảnh phụ huynh giữ chỗ xuyên đêm trước cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Công lao thức trắng đêm chờ đợi của cả trăm người trước đó trở nên vô giá trị trong tích tắc.

Trong sự bức xúc và mệt mỏi, căng thẳng, một phụ huynh đã ngất xỉu, được người nhà đưa ra ngoài.

Trường THPT Tạ Quang Bửu năm nay tuyển sinh 450 chỉ tiêu. Tuy nhiên con số này bao gồm cả chỉ tiêu tuyển thẳng và xét tuyển học bạ. Trong sáng 5/7, bộ phận phát số đã phát đến số thứ tự 450.

Cảnh tượng xếp hàng xuyên đêm để giành một cơ hội học THPT cho con của các bậc cha mẹ Hà Nội trở thành câu chuyện lạ lùng và gây sự hiếu kỳ với những người ngoài cuộc. Nhưng một số chuyên gia trong ngành giáo dục dự báo, hiện tượng này sẽ còn kéo dài, tiếp diễn trong các mùa tuyển sinh sau.

Ba bước trong tuyển sinh có thể áp dụng ngay để phụ huynh bớt vất vả

Ông Trần Mạnh Tùng - nguyên giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh - chia sẻ sự cảm thông với những gì mà các phụ huynh có con vào lớp 10 đang phải trải qua.

Ở góc nhìn của một người làm giáo dục, từng đảm nhiệm công tác tuyển sinh, ông Tùng cho rằng các trường hoàn toàn có cách thức phù hợp để giảm thiểu những áp lực, nhọc nhằn không đáng có nói trên.

"Để xảy ra tình trạng này, lỗi đầu tiên thuộc về các trường. Họ đã không chọn được một cách thức hợp lý và nhân văn dựa trên nguyên tắc xem học sinh, phụ huynh làm trung tâm", ông Tùng nêu quan điểm.

Ông Tùng cũng đưa ra 3 cách làm gợi ý mà trường nào cũng có thể áp dụng để phụ huynh học sinh không phải thức xuyên đêm, càng không phải thức xuyên đêm xếp hàng vô ích.

Một là minh bạch và rõ ràng về thông tin. Nhà trường cần cung cấp chi tiết và đầy đủ nhất điều kiện tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, giờ phát số thứ tự, mức học phí... trên các kênh truyền thông của trường và qua các kênh liên lạc với phụ huynh đã đăng ký sớm như email, số điện thoại.

Phụ huynh cần được biết đâu là mức điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ, cần biết nhà trường xét hồ sơ dựa trên thứ tự trước sau, xét điểm từ cao xuống thấp, hay kết hợp cả hai yếu tố theo một tỷ trọng cụ thể và công khai.

Điều này sẽ hạn chế số hồ sơ không đủ điều kiện. Phụ huynh nào có con đủ điều kiện nộp hồ sơ mới đến, tránh vất vả mà không có kết quả. Đồng thời, việc công bố thông tin minh bạch cũng hạn chế số người đổ về trường tìm hiểu, giảm tải cho phòng tuyển sinh.

Hai là phân luồng, sắp xếp phụ huynh theo khung giờ. Nhà trường nên công bố cụ thể số thứ tự sẽ phát cho mỗi buổi làm việc. Ví dụ buổi sáng nhận 200 hồ sơ, buổi chiều nhận 200 hồ sơ, thời gian phát phiếu nhận hồ sơ là 30 phút đầu giờ làm việc của mỗi buổi.

Như vậy, những phụ huynh đến muộn sẽ chủ động ra về, tránh tụ tập, ùn ứ vào một khung giờ, dễ dẫn tới tình trạng chen lấn, xô đẩy cùng những bức xúc không cần thiết.

Ba là khi phụ huynh đã lựa chọn xếp hàng xuyên đêm chờ đến lượt sớm, nhà trường nên có ứng xử phù hợp, nhân văn nhưng công bằng. Trường cần chủ động kiểm soát việc phát số thứ tự thay vì để phụ huynh tự ý ghi chép danh sách.

Song, lý tưởng nhất là nhà trường truyền thông kịp thời cho phụ huynh, thuyết phục và giúp họ yên tâm rằng, việc đi từ 7h tối hôm trước để chờ tới 7h sáng hôm sau nhận số thứ tự của trường là không cần thiết.

Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Tùng khẳng định, ngay cả khi các trường làm tốt công tác tuyển sinh theo những gợi ý nêu trên thì cảnh tượng xếp hàng xuyên đêm chờ nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 sẽ còn tiếp diễn bởi nguyên nhân sâu xa của câu chuyện nằm ở quản lý nhà nước về giáo dục.

"Chuyện thiếu trường học ai cũng nhìn thấy. Trước khi giải quyết được việc này, cơ quan quản lý cần ban hành thêm những quy định, hướng dẫn chi tiết nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng. 

Cơ quan quản lý cũng nên phân bổ chỉ tiêu hợp lý hơn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tạo điều kiện cho họ tuyển sinh phù hợp với khả năng đáp ứng, giảm tải cho hệ thống công lập", ông Trần Mạnh Tùng nêu ý kiến.

Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024, thành phố có khoảng 155.600 học sinh vào lớp 1 (SN 2017), tăng khoảng 11.600 so với lứa tuổi sinh năm 2016. Số học sinh vào lớp 6 (SN 2012) là 188.400, tăng khoảng 38.000 so với lứa tuổi sinh năm 2011. Như vậy, 4 năm tới, số học sinh vào lớp 10 của Hà Nội tăng hơn 66.000 so với hiện tại. 

Năm 2023, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh lớp 9 (SN 2008). Chỉ tiêu học công lập xấp xỉ 72.000, chiếm 55,7%. Khoảng 57.000 học sinh không có chỗ học công lập.

4 năm tới, nếu Hà Nội không mở rộng được "số ghế" trường công, số học sinh bị đẩy ra ngoài hệ thống trường THPT công lập sẽ lên hơn 100.000 người.