Phụ huynh ủng hộ con trải nghiệm việc làm sớm
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh ủng hộ con em mình đi làm từ khi còn là sinh viên, để có cơ hội thực hành kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ năng thực tế.
Muôn kiểu đi làm sớm
Đi làm ngay khi mới là sinh viên năm 1, năm 2 không còn là chuyện gì xa lạ với giới trẻ hiện nay. Ngọc Sơn (sinh viên ĐH FPT) tự nhủ với bản thân ngay khi đỗ ĐH sẽ tìm việc làm thêm. Cảm giác trưởng thành, mở rộng mối quan hệ, có thêm thu nhập và nhất là học hỏi được nhiều kỹ năng thực tế là những lợi ích mà Sơn nhận thấy từ việc đi làm sớm. Học hết năm nhất, trong tay có kỹ thuật lập trình căn bản, Sơn theo mấy anh chị cùng khoa nhận dự án outsourcing về làm.
"Công việc cũng khá đúng chuyên ngành đấy chứ." Sơn hóm hỉnh. Được làm việc với khách hàng cả trong và ngoài nước, không chỉ tay nghề lập trình mà khả năng nghe nói tiếng Anh của Sơn cũng cải thiện đáng kể.
Môi trường học tập đề cao tính chủ động, phát triển cá nhân ở ĐH FPT tạo điều kiện thuận lợi cho Sơn cũng như nhiều sinh viên khác sắp xếp lịch học để trải nghiệm làm thêm sớm. ĐH FPT còn có hẳn kỳ thực tập doanh nghiệp nên 100% sinh viên được tiếp cận môi trường làm việc thực tế trước khi tốt nghiệp. "Trải nghiệm việc làm sớm là một trong những trải nghiệm đem lại nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tế cho mình nhất." Sơn chia sẻ.
Hoàng Minh là sinh viên ngành tiếng Hàn Quốc. Yêu thích văn hóa xứ kim chi và những anh chàng, cô nàng "idol" khiến việc học và nói tiếng Hàn là đam mê của Minh. Ngay từ khi mới vào năm nhất, Minh đã xin đi làm phiên dịch cho một công ty nhỏ phân phối mỹ phẩm Hàn. Sắp tốt nghiệp, vốn ngôn ngữ cũng dày dạn hơn, Minh vừa làm biên phiên dịch bán thời gian cho công ty trên vừa thực tập tại một doanh nghiệp du lịch chuyên tour Hàn Quốc. Ngọc Lâm học Quản trị Kinh doanh cũng là một bạn trẻ sớm trải nghiệm việc làm. Lâm hùn vốn với vài người bạn, mở quán trà sữa. Sáng lên giảng đường, chiều về quán bưng bê, rửa cốc chén nhưng nam sinh này tự hào vì "dám khởi nghiệp" với số vốn chỉ vài triệu đồng ngay khi đang học đại học.
Con đi làm sớm, bố mẹ mừng
Trước đây, việc đi làm sớm của những sinh viên như Sơn, Minh hay Lâm dễ khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, bức tranh thực tế về thị trường lao động có nhiều thay đổi tác động đến nhận thức của phụ huynh. Thực trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vì thiếu kỹ năng thực tế và kinh nghiệm làm việc khiến các bậc cha mẹ dần có cách nhìn nhận tích cực hơn về việc con đi làm sớm.
"Đi cùng Sơn tới dự lễ khai giảng đầu tiên ở ĐH FPT, tôi ấn tượng với câu chuyện một cựu sinh viên vươn lên thành đạt nhờ ý thức được việc sớm đi làm, trải nghiệm thực tế để có thêm kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên môn. Từ chỗ ác cảm với việc con cái vừa học vừa làm thêm, tôi đã dần thay đổi cách nhìn nhận." bác Văn Lâm (phụ huynh bạn Ngọc Sơn) cho biết.
Từ khi con trai trở thành sinh viên ĐH FPT, biết con nhận việc làm thêm, bác Lâm luôn để tâm đến những thay đổi trong con người của Sơn. "Mỗi dịp Sơn về nhà, tôi lại tranh thủ hỏi han chuyện học tập, việc làm. Tôi thấy cháu suy nghĩ ngày càng chín chắn, trưởng thành, không nóng nảy như hồi trước. Hỏi thì cháu bảo rèn được sự kiên nhẫn nhờ làm việc với nhiều khách hàng khó tính, nghiêm khắc." bác Lâm vui vẻ kể.
Sắp tới, Sơn bước vào năm học cuối, thay vì chạy đôn chạy đáo tìm chỗ thực tập hay xin việc cho con, bác Lâm yên tâm khi Lâm có kinh nghiệm làm việc, được một công ty công nghệ mời thực tập và ngỏ ý tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Chia sẻ với bạn bè có con cũng đang học đại học, bác hay đúc kết kinh nghiệm: "Biết bây giờ công ty nào cũng đòi hỏi nhân viên có kỹ năng thực tế nên tôi mới ủng hộ Sơn đi làm sớm, càng trải nghiệm nhiều càng trưởng thành."
Phụ huynh của Hoàng Minh hay Ngọc Lâm cũng ủng hộ việc con cái đi làm sớm. "Bố mẹ mình hay động viên đi làm sớm cho có kinh nghiệm, sớm tự lập, bố mẹ càng được nhờ." Minh hài hước chia sẻ. Còn phụ huynh của Ngọc Lâm khá thoải mái khi không đặt nặng việc con phải học tập xuất sắc mà quan tâm đến trải nghiệm thực tế khi đi làm của Lâm hơn. "Bố mẹ mình nói thẳng, khởi nghiệp được thì được, không được phải chịu nhưng đó là bài học kinh nghiệm mà mình trải qua, không sách vở hay phụ huynh nào dạy được nên nó rất quý giá. Bố mẹ chỉ nhắc nhở mình cần biết cách sắp xếp, cân bằng giữa việc học, việc làm và sức khỏe thôi." Lâm cho biết.