Phụ huynh “rầu lòng” vì quà biếu Tết giáo viên

Dù bận rộn, lo các khoản chi tiêu việc Tết, nhưng với không ít phụ huynh học sinh, dù có hay không có thưởng Tết thì vẫn tìm mua quà biếu giáo viên dịp Tết. Nhiều người băn khoăn không biết mua quà gì, “phong bì” bao nhiêu để vừa lòng giáo viên cả năm dạy dỗ con em mình...

Phụ huynh “rầu lòng” vì quà biếu Tết giáo viên
Tết là dịp để phụ huynh tri ân giáo viên, nhưng nhiều người tỏ ra lúng túng trong cách thể hiện (ảnh minh họa).

Loay hoay chọn quà

Tết năm nay, trong tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều người lao động đã không được thưởng Tết, hoặc có thì cũng với khoản tiền rất tượng trưng. Chính vì vậy, những khoản chi tiêu dịp Tết đã bị hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, nhiều bậc phụ huynh dù chắt bóp chi tiêu nhưng không thể không “đi Tết” giáo viên của con.

Nói về chuyện “đi Tết” giáo viên của con, chị Dương Thị Thùy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dịp Tết này, cơ quan có chút ít gọi là tiền Tết cho mọi người, chứ không phải là khoản thưởng Tết như những cơ quan khác. Còn bên chỗ công ty chồng chị, tiền thưởng Tết cũng chỉ là tượng trưng, mang tính động viên là chính. Dịp Tết biết bao khoản chi tiêu, dù không rủng rỉnh, nhưng theo chị Thùy, Tết này vẫn phải cố mua quà đến nhà giáo viên chủ nhiệm của các con.

Cũng theo chị Thùy: “Mọi năm cũng không quan trọng lắm chuyện “đi Tết” giáo viên, nhưng năm nay đứa lớn học lớp 6, đứa bé vào lớp 1 là năm đầu cấp nên phải đặc biệt quan tâm tới cô giáo. Tôi định nhờ người ở quê gửi lên đôi gà chọi, hoặc cặp giò lụa biếu cô, tuy nhiên nghĩ lại thấy quà quê làm sao ý, nên vẫn đang loay hoay không biết mua quà gì”.

Không chỉ riêng chị Thùy, nhiều phụ huynh trong thời điểm giáp Tết đang “đau đầu” nghĩ đến chuyện mua quà Tết cho giáo viên. Chị Lê Huyền (phố Cự Lộc, Hà Nội) cho biết: “Chọn quà biếu giáo viên của con cũng là vấn đề không đơn giản. Nếu phụ huynh nào cũng mua bánh, mứt, kẹo đến nhà cô thì có mà chật nhà, nên tôi cũng đang tính đến chuyện mua món quà “độc” nào đó biếu cô dùng Tết”.

“Lì xì” bằng tiền cho gọn?

Chị Hoàng Thanh Ngân (khu đô thị Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học mẫu giáo chia sẻ: “Tôi thấy đời sống của giáo viên mầm non cũng vất vả, không có khoản thu nhập nào khác từ dạy học. Dịp Tết cũng định mua tặng các cô hộp quà bánh, song nghĩ đi nghĩ lại thì “lì xì” cho cô là thiết thực nhất”.

Vài năm trở lại đây, đối với các gia đình có con đang đi học, chuyện quà cáp cho giáo viên là điều gần như không thể thiếu vào dịp Tết. Có phụ huynh lựa chọn mua quà cho giáo viên là hộp bánh, kẹo, hoặc chai rượu ngoại kèm theo đó là phong bì khoảng 200.000 - 500.000 đồng. Cũng không ít phụ huynh đã phải lên kế hoạch tốn kém vài triệu đồng mua quà, phong bì cho giáo viên của con, một mặt cảm ơn, nhưng chủ yếu là nhằm “ghi điểm” trong mắt giáo viên, để con em mình được quan tâm, nâng đỡ trong chuyện học hành.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội, truyền thống tôn sư trọng đạo là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ nhiều đời nay. Xưa kia, vào ngày lễ, Tết các bậc phụ huynh thường đến nhà người thầy để cảm ơn công lao dạy dỗ đối với con em mình. Món quà khi đó cũng rất nhỏ như rổ khoai, nải chuối… những thứ mà của nhà trồng, nuôi được. Dù món quà nhỏ nhưng với thái độ hết sức thành kính, hiếu nghĩa, cả người biếu lẫn người nhận đều vui vẻ, hài lòng.

Tuy nhiên, cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm: “Thời nay, vào dịp lễ, Tết, chuyện Tết thầy đã bị biến tướng bởi quà cáp, phong bì để cốt lấy lòng giáo viên, để giáo viên quan tâm tới con mình... Tôi thấy, một bộ phận giáo viên vẫn nhận những món quà cáp, phong bì, thậm chí còn gợi ý, nhắc khéo học sinh, phụ huynh phải đến nhà, điều đó đáng phải lên án. Nghề giáo cái quan trọng là được học sinh, cha mẹ học sinh kính trọng, yêu mến. Nhiều nhà giáo đã không cho phụ huynh đến nhà, không nhận quà dịp lễ, Tết. Nhưng sẵn sàng chào đón học sinh tới chơi, tặng hoa vào ngày đó”.

Theo tâm sự của một số giáo viên đang đứng lớp, chuyện “đi Tết” thầy cô vốn là truyền thống, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Chế độ đãi ngộ cho giáo viên chưa được nhiều, việc các bậc phụ huynh có chút quà biếu giáo viên dịp lễ, Tết cũng không đáng bị lên án. Song, với những phụ huynh còn khó khăn, không nên quá chú trọng đến giá trị vật chất trong các món quà biếu giáo viên, bởi việc làm này cho thấy cái nhìn thiếu tôn trọng giáo viên, làm cho học sinh hiểu sai rằng dịp lễ, Tết là dịp để “hối lộ” giáo viên.

“Nghề giáo không giàu, cũng không nghèo, nên giáo viên cần tỉnh táo, khéo léo để từ chối quà Tết. Hãy chỉ đón nhận những món quà nhỏ từ tấm lòng thành của phụ huynh. Còn đối với các bậc phụ huynh, không nên làm mất đi những giá trị truyến thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp đó, nếu để con trẻ biết đến “văn hóa phong bì” từ sớm sẽ ảnh hưởng xấu tới suy nghĩ của trẻ”. - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội

 

Theo Quang Anh

Gia đình & Xã hội

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm