Phụ huynh “quan liêu” hay phụ huynh “thái quá”?

(Dân trí) - Đây là hai thái cực thường thấy của các bậc phụ huynh trong xã hội hiện đại. Nếu phụ huynh có trình độ thì trẻ em dễ bị hướng theo mục tiêu của phụ huynh bởi sự quan tâm thái quá, có phần gò ép. Một đằng khác thì… “trăm sự nhờ thầy cô”.

“Học sinh cần điều gì cho chính tương lai các em?” là một trong 5 vấn đề nghiên cứu của dự án “Xây dựng năng lực qua phát triển chuyên môn và hợp tác nghiên cứu trong việc thực hiện đổi mới giáo dục tại Việt Nam”, chủ trì bởi ĐH Glasgow, đã được thực hiện bởi trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Kết quả dự án được công bố tại Hội thảo Khoa học “Đổi mới giáo dục tại Việt Nam và khu vực châu Á - chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thực tiễn” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN và Đại học Glasgow (Anh) phối hợp tổ chức mới đây.

Học sinh cần gì cho tương lai cũng chính là câu hỏi mà công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện đang đi tìm. Để đổi mới giáo dục thành công, sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, nhà trường, giáo viên là chưa đủ; vai trò của gia đình không thể thiếu.


PGS.TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục chia sẻ tại hội thảo.

PGS.TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục chia sẻ tại hội thảo.

Xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Trưởng nhóm nghiên cứu dự án) đề cập đến hai thái cực phổ biến của phụ huynh.

Cụ thể, nếu phụ huynh có trình độ thì trẻ em bị hướng theo mục tiêu của phụ huynh. Nếu phụ huynh không có trình độ cao thì học sinh sẽ thường tìm hướng đi theo xu hướng/ suy nghĩ của “đám đông” mà phần lớn không tự quyết được mình làm thế nào.

Kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ dự án cho thấy, 100% cán bộ quản lý và giáo viên khẳng định, học sinh cần kiến thức; 67% phiếu cho rằng, học sinh cần kỹ năng sống. 67% cán bộ quản lý và 50% giáo viên cho rằng các em cần chuẩn mực đạo đức.

Đánh giá về kết quả trên, ông Lê Kim Long cho rằng, điều này cũng phản ánh thực tế của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, “chúng ta đang dạy theo kiến thức là chủ yếu chứ không dạy theo năng lực, chúng ta đang học mà ít hành”.

Ở tiêu chí chuẩn mực đạo đức cần cho tương lai, ông Long nhận định, chúng ta có rất nhiều tiêu chuẩn đạo đức cho học sinh, tiêu chuẩn Đoàn đội nhưng dường như không có chỉ số, chỉ báo cụ thể nào nên đang đo… mơ hồ. Nhiều trẻ em ở trường được thầy cô giáo đánh giá là ngoan ngoãn nhưng thực tế thì còn phải bàn.

Học sinh cần điều gì cho chính tương lai các em? Câu hỏi này phải được chính bản thân mỗi em học sinh trả lời và muốn vậy, các em phải sớm nhận thức được bản thân. Trong công cuộc đổi mới giáo dục, giúp học sinh tự nhận thức được bản thân và trang bị những điều cần thiết cho tương lai, gia đình cần quan tâm đúng mực.

Việc đổi mới giáo dục cốt lõi là hướng tới mục tiêu học sinh có hứng thú học tập và phát triển kỹ năng sống. “Muốn vậy, học sinh phải được học tự mình, học theo của mình, học theo năng lực và ý muốn của mình, học để trở thành người mình muốn…

Đổi mới thành công khi giáo viên có phương pháp dạy học tích cực. Học sinh có kỹ năng hơn, sáng tạo hơn, linh hoạt hơn, ham học hơn. Còn phụ huynh phải quan tâm đến con.

Nhưng đáng lo không kém tuýp phụ huynh “quan liêu”, “trăm sự nhờ thầy cô” là tuýp phụ huynh có trình độ, quan tâm thái quá và gây sức ép không tốt lên con”, PGS.TS Lê Kim Long nhận định.

Theo ông Long, muốn đổi mới giáo dục toàn diện, phải làm sao để phụ huynh thay đổi nhận thức, biết con mình ở mức nào để hỗ trợ nhà trường, thầy cô trong giáo dục, phát triển con em, đặc biệt là cho con tự chọn hướng đi.

Đồng thời, cha mẹ cũng cần quan tâm xây dựng nhân cách cho trẻ qua hành động của chính mình. Học sinh ngày nay rất dễ cáu, thiếu kiềm chế, dễ gây gỗ đều do kiểm soát bản thân không tốt. Rất có thể, nhiều nguyên nhân là trong ứng xử với con cái, cha mẹ cũng kiểm soát bản thân chưa tốt...

GS.TS Trần Công Phong – Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đồng tình, thách thức đặt ra cho nền giáo dục hiện nay là thực trạng một bộ phận cha mẹ học sinh hiện nay “quan liêu”, thiếu quan tâm tới học sinh hoặc có trình độ nhận thức hạn chế.

Theo ông, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường, thầy cô khuyến khích và tạo điều kiện cho con học tập và trải nghiệm sáng tạo, khơi gợi tiềm năng và để con trẻ được tự quyết định hướng đi theo nguyện vọng.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm