Bạn đọc viết:

Phụ huynh phải “tuyên chiến” với dạy thêm, học thêm

(Dân trí) - Dạy thêm, học thêm đang là vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục. Sau một thời gian dài "vấn nạn" này gây ra nhiều hệ lụy và bức xúc trong xã hội, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành nhiều quy định nhằm siết chặt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.

Tuy nhiên, tất cả những quy định, chế tài liên quan đến việc dạy thêm, học thêm có thật sự phát huy tác dụng trong “cuộc chiến” chống tiêu cực này? Các mệnh lệnh hành chính có xoay chuyển được tình thế nhà nhà chuộng học thêm, người người ào ào đi học thêm không?

Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thì nhiều, bên cạnh nhu cầu học tập chính đáng của học sinh, chương trình học tập và thi cử nặng nề, quá tải, chế độ đối với nhà giáo còn eo hẹp buộc họ phải dạy thêm để tăng thu nhập thì một phần nguyên nhân đến từ “căn bệnh thành tích” của phụ huynh.

Chuộng thành tích, chuộng điểm số và coi trọng bằng cấp vẫn luôn là một nét tâm lý ăn sâu vào nhận thức của phụ huynh. Chu toàn cho hiện tại và vun đắp tương lai của con bằng học vấn và công việc ổn định là ước vọng đáng trân quý của bậc cha mẹ. Nhưng khá nhiều phụ huynh lại chọn phương án “ép”, “buộc” con em phải “chạy” hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác.

Học cho con và nhiều em học sinh phải học cho sĩ diện và lòng tự hào của cha mẹ nữa. Những điểm số long lanh, những thành tích học sinh giỏi lung linh và những tấm giấy khen sáng chói “tô hồng” thêm lòng kiêu hãnh của cha mẹ. Và thao tác so sánh “con nhà mình” cùng “con nhà người ta” luôn là điểm xuất phát để ngay sau đó lịch học của con dày hơn.

Mỗi khi kết thúc năm học lại là một mùa bội thu giấy khen và thành tích trên các trang mạng xã hội. Dường như người ta thích khoe con học giỏi thế nào, con đạt giải gì chứ ít khi nào khoe trẻ siêng làm việc nhà ra sao, biết quan tâm bố mẹ và giàu lòng nhân ái với người xung quanh thế nào... Từ đó mới thấy, việc học tập vẫn là số một. Áp lực thành tích vẫn hiển hiện. Và các lớp học thêm có đất sống là chuyện đương nhiên.

Việc học thêm cũng giống như một “bệnh dịch” vậy, có sức lây lan rất lớn. Chỉ cần trò chuyện cùng nhau, tâm sự việc học của con thì đề tài “con chị học thêm ở đâu”, “con anh học thêm thế nào” lại có dịp chen vào. Rất nhiều phụ huynh luôn mang tâm lý lo lắng khi thấy người ta đi học thêm lũ lượt mà con mình chỉ tự học liệu có bằng bạn bằng bè không. Rất nhiều phụ huynh khó khăn về tài chính vẫn bấm bụng cho con đi học thêm vì sợ con thua thiệt. Rất nhiều phụ huynh vẫn luôn nghe ngóng thầy hay cô giỏi để chuyển lớp dù con đã yên vị trong mấy lớp học thêm rồi…

Bên cạnh đó là một bộ phận cha mẹ quá bận rộn công việc nên “giao khoán” con cái cho thầy cô kèm cặp ngoài giờ. Hoặc chẳng bận rộn cũng “trăm sự nhờ cô” bởi “bụt nhà không thiêng”. Cứ ngồi vào bàn học là con õng ẽo, kiếm cớ nghỉ sớm làm cha mẹ bực mình. Hoặc là sự thay đổi xoành xoạch của chương trình, lúc thế này lúc thế khác làm phụ huynh không theo kịp với điểm mới, bị trẻ “chê” chỉ bài sai… Thôi thì đưa trẻ đến lớp học thêm cho thầy cô kèm cặp đỡ mất thời gian, đỡ nhọc công.

Thế là muôn vàn lí do để phụ huynh chọn con đường học thêm. Nhưng ngay sau đó cũng chính phụ huynh kêu ca đó là “vấn nạn”, là “tiêu cực”, phải bài trừ, phải chấn chỉnh. Xin thưa với quý cha mẹ, phần lớn các lớp học thêm tồn tại được là nhờ nhu cầu học tập của học sinh, phụ huynh. Còn chuyện dùng chiêu trò để ép trẻ đi học thêm chỉ là thiểu số. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, chỉ cần một mẩu tin, một video hay một tấm ảnh tố cáo trên mạng xã hội là ngay lập tức giáo viên gánh lấy tai tiếng thậm chí mất việc nên chẳng ai dại dột công khai “ép”, “đì”. Nếu có giáo viên “biến chất” đi chăng nữa thì cũng chỉ là “dọa” và đánh vào tâm lý chuộng thành tích của phụ huynh.

Nói tóm lại, đừng mong phong trào dạy thêm, học thêm bị đẩy lùi chừng nào tư duy của phụ huynh chưa thay đổi. Vậy thì bên cạnh những nỗ lực của ngành giáo dục nhằm chấm dứt và siết chặt việc dạy thêm học thêm rất cần sự chung tay từ phía phụ huynh. Phụ huynh phải “tuyên chiến” trước tiên, có như thế thì mới mong giải quyết được vấn đề.

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm