Phụ huynh nóng ruột chọn trường thi vào lớp 10 cho con
Kỳ thi vào lớp 10 đang kề cận, trước thông tin số lượng vào trường công lập năm nay có hạn do phải giảm sĩ số lớp học xuống đúng chuẩn, nhiều phụ huynh đang cân đong đo đếm sức học của con, nguyện vọng của gia đình để chọn trường cho con.
Được biết, năm học 2016-2017, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 81.500 học sinh tốt nghiệp THCS, số lượng chỉ tiêu vào hệ THPT có 67.500 học sinh. Trong đó, các trường THPT công lập tuyển 53.000 học sinh, trường ngoài công lập tuyển 14.500 học sinh, còn lại là chỉ tiêu các trường Trường chuyên nghiệp và TT Giáo dục thường xuyên. Với chỉ tiêu năm nay, nhiều phụ huynh đang ráo riết chọn trường thi vào lớp 10 cho con.
Gặp chúng tôi khi đi nộp hồ sơ xét tuyển lớp 10 cho con ở trường THPT tại Hà Nội, chị Mai Thu Thủy (Đống Đa, Hà Nội), cho biết còn hơn 2 tháng nữa là con chị sẽ thi tuyển vào lớp 10, mấy tuần nay chị đều phải dò la thông tin trên mạng, qua người quen và đồng nghiệp. Chị kể: “Lực học của con đang ở mức khá giỏi nhưng nếu được học trường P., cùng các bạn học khá hơn con sẽ có ý thức phấn đấu để trở thành học sinh giỏi. Chính vì vậy, vợ chồng tôi chấp nhận chạy vạy để cho con học trường này dù phải vất vả hơn”.
Chị Thuỷ cũng tham gia diễn đàn tập hợp nhiều ông bố bà mẹ, và chỉ cho chúng tôi xem những chủ đề nóng với nhiều hướng dẫn tỉ mỉ. Có bà mẹ còn mách nước chi tiết: "Với trường X, các mẹ nên qua hiệu trưởng cho “ăn chắc”, đừng sang hiệu phó nhé, em thử rồi mà không ăn thua đấy.”
Giống như chị Thủy, anh Nguyễn Văn Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội) với tâm trạng hoang mang, lo lắng cũng chạy tìm các trường chất lượng để “đặt chỗ” cho con. Do tài chính gia đình nên anh không cho con đi du học ngay từ năm cấp 3. Anh và vợ hằng đêm đều phải thay nhau “chiến đấu tư tưởng” với con vì cháu chả thiết tha gì học trường “xịn”. Anh than thở: “Dù cháu hơi đuối khi vào trường điểm gần nhà nhưng cả nhà đều cố gắng gom góp lo một suất. Dù gì, trường nổi tiếng vẫn tốt hơn, đắt chắc cũng phải xắt ra miếng”.
Từng là người đã trải qua cơn bão chọn trường cho con vào lớp 10 năm 2015, chị Lưu Hà Thu (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Vợ chồng tôi xác định mình phải bình tĩnh sáng suốt, không lao mình vào cuộc cạnh tranh trường điểm. Con mình thứ nhất là sức học bình thường, thứ hai là con cũng không thích bố mẹ phải chạy chọt tiền bạc. Và cuối cùng thì chọn trường nào ít phải đưa đón đi lại sẽ an toàn cho con, và tiết kiệm cả thời gian, tiền bạc cho gia đình”. Cuối cùng vợ chồng chị cùng con chọn một trường vừa sức và ngay gần nhà, dù họ hàng có chê bai “trường làng mà cũng học”.
Đồng tình với chị Thu, gia đình chị Nguyễn Như Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đứng ngoài cuộc đua điên cuồng vào các trường cấp 3 danh tiếng. Chị tin tưởng: “Việc học bây giờ khác ngày xưa nhiều rồi. Trường chuyên lớp chọn không đảm bảo cho các con thành công. Tôi mong con mình được chú tâm rèn kỹ năng sống. Học giỏi mấy mà không biết gấp cái áo cái quần, không biết tự dọn phòng thì sau này đi du học mẹ phải đi theo phục vụ, đến khi cưới vợ chắc tôi vẫn phải chăm cho từng tí một mất”. Quan điểm rõ ràng và dứt khoát, chị Lan tìm hiểu kỹ rồi quyết định cho con đi học nội trú. “Cấp 3 là thời gian bản lề. Con mà không rèn tự lập với kỹ năng sống vào lúc này thì lên đại học không còn đủ thời gian để học chuyên môn và bước ra đời”.
Hai năm trước cậu con lớn nhà chị thành học sinh nội trú của THPT FPT, đến năm nay gia đình cô cháu họ cũng cuống quýt hỏi kinh nghiệm chọn trường và “chạy trường”, chị Thu dẫn luôn vợ chồng cậu em lên thăm trường nội trú của con trai để quan sát đời sống học tập và sinh hoạt. Bứt ra ngoài những hối hả giữa các ca học thêm, giữa xúng xính ăn mặc và các trò chơi sành điệu của nhiều tụ điểm thành phố; môi trường học nội trú ở ngoại thành Hà Nội xanh mướt cây cối cùng thời gian biểu từ học kiến thức, rèn luyện sức khoẻ, hoạt động đội nhóm, cho tới lịch biểu dọn phòng và lao động tập thể đã thuyết phục được ông bố bà mẹ đang nóng ruột với kỳ thi cấp 3.
“Bố mẹ nào cũng thích con ở gần, cũng muốn con học trường top. Nhưng ngoài học kiến thức, cũng phải để con học lớn thôi. Ở nhà không dạy đủ, cho con lên trường nội trú cháu tự học thầy học bạn, sẽ cứng cáp hơn ở với bố mẹ”, em họ chị Thu tâm sự về quyết định nộp đơn cho con vào học nội trú FPT. Trông đợi của vợ chồng chị là sau 3 năm phổ thông nội trú, cô con gái không chỉ là mọt sách biết mỗi học hành, mà năng động, tự chủ và cứng cáp để bước ra cuộc sống. Đây cũng đang dần trở thành mong muốn của nhiều bậc cha mẹ theo quan điểm giáo dục kiểu mới.
Trường THPT FPT là hệ phổ thông chất lượng trực thuộc Trường Đại học FPT, hoạt động theo mô hình nội trú, có trụ sở đặt tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Theo đó học sinh sẽ học tập trung tại trường từ thứ Hai tới thứ Sáu hàng tuần.
Năm học 2016-2017, trường THPT FPT tuyển sinh 400 chỉ tiêu dành cho học sinh THCS trên cả nước.
Để biết thêm thông tin chi tiết về kì kiểm tra năng lực ngày 22/5/2016 vào trường THPT và cách thức đăng ký dự thi, phụ huynh và thí sinh có thể truy cập tại: http://thpt.fpt.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-cho-hoc-sinh-vao-lop-10-nam-hoc-2016-2017/ hoặc liên hệ số điện thoại (04) 7300 6800.
Bình Nguyên