Phụ huynh Mỹ chọn trường... khác phụ huynh Việt Nam
Ở VN, đặc biệt tại các thành phố lớn, việc chọn trường cho con hầu như được gói gọn hoặc theo tuyến cư ngụ, theo kết quả thi cử của học sinh hoặc theo khả năng tài chính của phụ huynh. Ở Hoa Kỳ, các phụ huynh chọn trường cho con theo cách khác…
Ít nhất cũng có thể so sánh “lý thuyết chọn trường” của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ với “lý thuyết và thực tế” thành lập trường công lập tự hạch toán ở Trường Lê Quý Đôn (TPHCM).
Trường công lập tự hạch toán
Phụ huynh VN chọn lựa giữa ba lĩnh vực:
Lĩnh vực 1: Hoàn tất tốt nhất chương trình THPT hiện hành, bảo đảm chắc chắn thi đậu tốt nghiệp và đạt được kết quả tốt trong kỳ thi ĐH trong nước. Giá học phí 650.000 đồng/tháng (lớp 10), 820.000 đồng/tháng (lớp 11) và 930.000 đồng/tháng (lớp 12).
Lĩnh vực 2: Ngoài các yêu cầu đã đạt nói trên, các em học sinh còn được khả năng để học các trường ĐH sử dụng tiếng Anh trong và ngoài nước. Giá học phí 890.000 đồng/tháng (lớp 10), 1,1 triệu đồng/tháng (lớp 11) và 1,2 triệu đồng/tháng (lớp 12).
Lĩnh vực 3: Các em học theo chế độ lâu nay giống như học sinh lớp 11, 12 đang thực hiện cho đến khi ra trường. Giá học phí: công lập 30.000 đồng/tháng (lớp 10, 11, 12) và bán công 120.000 đồng/tháng (lớp 10, 11, 12), chưa tính các khoản đóng góp khác về cơ sở vật chất, chương trình kích cầu, học thêm...
Khác biệt lớn nhất, ám ảnh phụ huynh và đập vào mắt mọi người nhất, chính là khoảng cách tiền bạc:
- Lớp 10: 30.000 đồng/tháng - 650.000 đồng/tháng - 890.000 đồng/tháng. Khoảng cách từ xấp xỉ 25 lần đến tròm trèm 30 lần.
- Lớp 11: 30.000 đồng/tháng - 820.000 đồng/tháng - 1,1 triệu đồng/tháng. Khoảng cách từ hơn 27 lần đến hơn 33 lần.
- Lớp 12: 30.000 đồng/tháng - 930.000 đồng/tháng - 1,2 triệu đồng/tháng. Khoảng cách từ 31 lần đến 40 lần.
Phụ huynh chỉ có ba ngày để chọn lựa trên chừng đó tiêu chí, do đó họ chỉ có thể tính toán duy nhất trên cơ sở “nhân => quả” như sau:
- Đóng ít => học và thi như hiện nay, không có “bảo kê” thi đậu.
- Đóng kha khá => “bảo kê” thi đậu.
- Đóng “xộp” => “bảo kê” (?) học đại học ở nước ngoài.
Chọn trường như ở Mỹ
Năm nay, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ tiếp tục triển khai việc trao cho phụ huynh cơ hội chọn trường cho con cái bằng việc cho ấn bản miễn phí tài liệu hướng dẫn chính thức “Choosing a school for your child” (Chọn trường học cho con cái bạn) dành cho phụ huynh.
Từ lá thư của Bộ trưởng gửi phụ huynh học sinh
Để khuyến khích tinh thần đóng góp của các phụ huynh cho nền giáo dục nước nhà, đồng thời giới thiệu ấn phẩm trên, bà Bộ trưởng Margaret Spellings đích thân viết thư gửi phụ huynh học sinh:
“Kính thưa các bậc phụ huynh,
Hẳn ông bà còn nhớ lúc con mình được sinh ra, bàn tay bé bỏng của chúng đã nhanh chóng nắm lấy ngón tay của ông bà như thế nào! Con cái của ông bà sẽ còn tiếp tục nương tựa vào đôi tay cha mẹ chúng trong suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ. Ông bà chính là người thầy đầu tiên và suốt đời của con cái mình. Và với tư cách là cha mẹ, là thầy dạy, ông bà phải quyết định những điều quan trọng cho con cái. Một trong những quyết định quan trọng nhất chính là việc học hành rèn luyện của chúng”.
Trách nhiệm của phụ huynh được công nhận đầy đủ qua trang 4 của tài liệu “Choosing a school for your child”: “Không ai khác có thể quan tâm đến lợi ích của con cái ông bà hơn là chính ông bà. Không ai khác sẽ cẩn thận xem xét con cái mình có được giáo dục và đối xử tốt trong trường học hay không. Ông bà chính là người biết rõ tính cách, ưu điểm, khuyết điểm của con cái. Ông bà biết những nhu cầu ánh lên trong đôi mắt trẻ. Ông bà biết rõ những giá trị mà gia đình ông bà mong muốn nhà trường phải tôn trọng”.
Đến những chỉ dẫn cụ thể:
Phụ huynh học sinh được hướng dẫn tỉ mỉ và cẩn thận trong từng bước tìm kiếm và chọn trường cho con em mình. Phụ huynh cũng được yêu cầu viết ra năm điều cụ thể mà họ cho là quan trọng nhất khi chọn trường. Kế đến, phụ huynh phải xác định tính cách, cá tính, nhu cầu, khuynh hướng và năng lực của con em mình.
Những câu hỏi thực tế được đưa ra như: Con ông bà có cần một môi trường thúc đẩy năng lực sáng tạo? Con ông bà có cần hỗ trợ thêm hoặc thêm thời gian để hoàn tất bài tập? Con ông bà có cần nhiều bài tập mang tính thử thách? Con ông bà có cần chú ý riêng hay không?
Thậm chí còn có những câu hỏi mang tính hướng dẫn phương pháp giảng dạy cho giáo viên sẽ dạy dỗ trẻ: Con ông bà học nhanh bằng cách quan sát đồ vật hoạt động, bằng cách lắng nghe? Con ông bà có thích tham gia trò chuyện thảo luận trong học tập không? Con ông bà có năng khiếu về logic hay toán học? Còn về âm nhạc và nghệ thuật thì sao? Con ông bà thích làm việc theo nhóm? Làm việc một mình? Con ông bà đạt bao nhiêu điểm trong kỳ thi chuẩn của tiểu bang?...
Tất cả yêu cầu trên đòi hỏi phụ huynh phải nắm rõ nhân cách, cá tính và việc học hành của con cái mình. Điều đó cho thấy một mặt nhà nước khuyến khích cha mẹ quan tâm đến con cái hơn qua việc tìm hiểu và gần gũi con cái; mặt khác, đây là một hệ thống giáo dục cho phép người học chọn lựa cho mình một môi trường học tập tối ưu nhất với bản thân, nghĩa là một nền giáo dục vì người học, vì con người.
...Và đánh giá các trường học
Các tiêu chuẩn thật rõ ràng được đưa ra để phụ huynh đánh giá ngôi trường mình sắp chọn. Trường có một chương trình vững vàng với những bộ môn nền tảng như Anh ngữ, lịch sử, toán học, khoa học, nghệ thuật và ngoại ngữ hay không? Ngoài những khóa học trên, trường còn cung cấp thêm những bộ môn nào khác? Có bằng chứng nào cho thấy trường có thể dạy học sinh đọc được lưu loát? Trường có những tôn chỉ đặc biệt nào dành cho việc đào tạo và giáo dục? Trường có nhiều cơ hội dành cho học sinh?
Còn về học sinh có năng khiếu thì sao? Trường có thêm những hoạt động ngoại khóa nào để hỗ trợ lý thuyết giảng dạy? Nếu con ông bà có những nhu cầu riêng, thời khóa biểu của trường có những hỗ trợ đặc biệt nào? Cơ sở vật chất của trường có đáp ứng nhu cầu học tập của con ông bà? Trường có những phương pháp giảng dạy nào giúp con ông bà học tập? Con của ông bà có thích hợp với những phương pháp đó hay không? Kế hoạch cho bài tập về nhà của trường là gì? Kế hoạch đó có đáp ứng mong đợi của ông bà về việc làm bài tập ở nhà của con cái? Lớp học có bao nhiêu học sinh?...
Còn rất nhiều chi tiết khác để bảo đảm một trường học luôn bắt kịp với sự phát triển của thời đại. Người ta chủ trương dạy những điều căn bản (những bộ môn công cụ), đạo đức và phương pháp học tập, nghiên cứu, nghĩa là nhà trường và phụ huynh không có tham vọng nhồi nhét tất cả kiến thức cho học sinh.
Việc đánh giá trường học còn dựa trên cách thức ứng xử (behavior policy) của toàn trường (trong việc phát triển một ý thức và trách nhiệm công dân, trong khuôn phép kỷ luật nhà trường, trong việc kiểm soát sĩ số học sinh và liên lạc với phụ huynh...).
Trong đạo luật NCLB (No child left behind - Không bỏ rơi một đứa trẻ nào), các trường học bị phụ huynh đánh giá thấp hơn tiêu chuẩn do tiểu bang đề xuất sẽ có thời hạn là năm năm để điều chỉnh những khiếm khuyết của mình. Trong năm năm đó, nhà trường được ưu đãi với nhiều chính sách trợ giá, linh hoạt nguồn tài trợ và đào tạo giáo viên. Nếu sau thời hạn nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu, tiểu bang bắt buộc phải có những biện pháp đổi mới cưỡng chế.
Theo Nguyễn Đạt Ân
Tuổi trẻ