Phụ huynh muốn con vượt cấp từ mầm non lên lớp 2: Không được chấp nhận!
(Dân trí) - Mong muốn con gái vừa học xong mầm non được vào thẳng lớp 2, không học lớp 1, phụ huynh lên Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất nguyện vọng.
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM vừa tiếp nhận trường hợp, người mẹ đưa con đến trụ sở Sở đề xuất nguyện vọng để con gái vừa kết thúc bậc học mầm non được học vượt cấp, vượt lớp lên thẳng lớp 2, không học lớp 1.
Được biết, trước khi lên Sở, phụ huynh đã đề xuất, xin kiểm tra năng lực tại Trường tiểu học bé sắp vào học và Phòng GD&ĐT tại địa bàn nhưng không được giải quyết.
Không đủ điều kiện xem xét
Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 7/8, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, căn cứ vào Điều lệ Trường tiểu học tại Điều 40, quy định học sinh (HS) 6 tuổi phải vào học lớp 1.
HS có thể vượt lớp trong phạm vi cấp học, còn đang từ mầm non, vượt cấp vào lớp 2 là không đủ điều kiện theo quy định để xem xét.
Làm việc trực tiếp với phụ huynh và cháu bé, ông Nguyễn Quang Vinh đã trao đổi để phụ huynh nắm rõ quy định, ngoài ra, động viên cháu vào học lớp 1.
Đừng ép con học trước
Không bàn và cũng không khẳng định cháu bé trong trường hợp này học trước chương trình hay không.
Nhưng qua đây, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, phụ huynh không nên dạy trước hay cho con học trước chương trình, rồi từ đó nghĩ con mình là giỏi, là thần đồng. Các con cần được giữ tuổi thơ, bố mẹ ép trẻ quá sẽ kéo theo nhiều áp lực cho trẻ.
Khi đó nếu gia đình vẫn mong muốn cho con vượt lớp thì làm đơn đề nghị, nhà trường sẽ thành lập hội động tư vấn khảo sát gồm nhiều thành viên gồm Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, Tổng phụ trách Đội.
Theo ông Vinh, cháu bé làm được một số phép tính, đọc được nhưng việc học ở vượt lớp, học với các anh chị lớn hơn cần rất nhiều yếu tố. Ngoài kiến thức còn cần thể chất, hiểu biết xã hội, nhận thức, tâm lý lứa tuổi...
Nếu không phù hợp có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, tự ti, cháu chán nản việc học ngay từ giai đoạn đầu... không hề có lợi cho con đường học tập lâu dài. Như trường hợp cháu bé, cháu rất nhỏ con, nói về thể chất, để chạy thể dục, không thể theo nổi theo các anh chị.
Cần cơ quan đặc biệt xác nhận khả năng để "vượt lớp"
Về vấn đề vượt lớp, ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất, Bộ GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.
Theo điều lệ, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được vượt lớp. Như thế nào là thể lực tốt? Như thế nào là phát triển sớm về trí tuệ? Ai xác nhận điều này? Các em cần trải qua những bài kiểm tra như thế nào? Khảo sát là khảo sát nội dung gì?
"Vấn đề này nếu giao cho nhà trường, những người khảo sát là giáo viên, nhân viên y tế... rất khó đủ chuyên môn để đánh giá. Y tế ở trường học chỉ làm công tác cộng đồng, rất khó để họ có thể đánh giá được thể lực tốt là như thế nào
Không có hướng dẫn rõ ràng nên các trường rất lúng túng, sẽ không mạnh dạn để xem xét. Không chặt chẽ nên có thể nhiều phụ huynh muốn cho con vượt lớp mà không có cơ sở sẽ kéo theo nhiều bất lợi cho trẻ", vị Trưởng phòng bày tỏ quan điểm và đề xuất, việc này cần một cơ quan đặc biệt xác nhận.
Nội dung 3 về vượt lớp trong Điều 40 tại Điều lệ Trường tiểu học:
3. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục thực hiện xem xét đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh có đơn đề nghị với nhà trường;
b) Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: các đại diện của Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, Tổng phụ trách Đội;
c) Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng tư vấn, Hiệu trưởng xem xét quyết định.