Phụ huynh “đau đầu” khi con chuyển cấp

Nỗi lo lắng khi con em chuyển cấp vào lớp 10 với nhiều bậc phụ huynh cũng “căng” không kém gì áp lực của kỳ thi đại học. Có hàng trăm nguyên cớ để phụ huynh “đau đầu” xung quanh việc chọn lớp, chọn trường, chuẩn bị cho con thi và ôn thi…

Vốn là một học sinh khá của lớp, nhưng chỉ vì kết quả thi khảo sát giữa kỳ bị đuối so với bạn bè mà Hải Anh - HS lớp 9 một trường cấp 2 ở Hà Nội trở nên lo sợ cuống cuồng. Cô bé vội vã tìm lớp học thêm của hai giáo viên có tiếng dạy giỏi ở tít trên khu phố trung tâm. “Em mà trượt cấp 3 thì chỉ có chết” - Hải Anh tâm sự. 

Không phải bỗng dưng Hải Anh lại có ý nghĩ ấy. Là con một, cô bé được bố mẹ chiều chuộng hết mực, nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu rất nghiêm trong việc học tập của con gái. Học kém, kết quả trung bình hay thi trượt… là những từ nhất định không được tồn tại. Năm nay Hải Anh vào lớp 10, áp lực học tập càng nặng nề hơn.

Thi vào lớp 10 là kỳ thi nhiều áp lực với cả phụ huynh và thí sinh.
Thi vào lớp 10 là kỳ thi nhiều áp lực với cả phụ huynh và thí sinh.

Bố mẹ Hải Anh không phải là những phụ huynh duy nhất lo lắng đến mức khiến con mình phát hoảng như vậy. Không ít bậc cha mẹ vì cái mốc vào cấp ba cho con mà tất tả chạy ngược chạy xuôi với đủ nỗi lo phải giải quyết: Lo tìm một chỗ học thêm tin cậy cho con; lo bố trí một lịch ôn luyện phù hợp để con tập trung học; rồi lo chọn một ngôi trường phù hợp cho con và hoàn cảnh, nguyện vọng của mình.

Tuy vậy, không phải người mẹ, người cha nào cũng mướt mồ hôi lo lắng, trăn trở đến mức “mất ăn mất ngủ” như vậy.

Chọn nộp hồ sơ thi vào trường Trung học phổ thông FPT cho cậu con trai đầu, anh Nguyễn Văn Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra khá an tâm khi nói đến việc học và thi của con. Anh đã đầu tư thời gian để tìm hiểu, khảo sát nhiều trường cấp 3 phù hợp với nguyện vọng của mình, thay vì chăm chăm yêu cầu con phải học để đạt điểm cao và đạt “chuẩn” của những trường chuyên trọng điểm quốc gia như kỳ vọng các bậc phụ huynh vẫn đặt ra khi có cậu con trai học giỏi. Cuối cùng, hai bố con anh cùng thống nhất con anh sẽ chỉ thi vào trường cấp 3 nội trú FPT.

Anh Linh tin tưởng ngôi trường này sẽ tạo cho con sự hứng thú học tập và hoạt động thể chất. Trong môi trường nội trú, con anh vừa được bảo đảm một môi trường sinh hoạt trong lành, vừa được va chạm, cọ xát để làm quen với nếp sống tập thể. “Sống xa nhà, cháu sẽ học được nhiều, trải nghiệm nhiều hơn từ cuộc sống”, anh chia sẻ.

Kỳ thi vào trường sắp tới, thay vì phải văn ôn võ luyện chật vật, anh và con cùng nhau ôn luyện kiến thức thật chắc để chuẩn bị cho bài kiểm tra năng lực hai môn Toán và Tư duy logic - điều mà anh khá tâm đắc vì cho rằng “vừa đánh giá được khả năng của học sinh, vừa không gây sức ép thi cử cho các cháu”.

Chia sẻ quan điểm về việc học cũng như lý do chọn trường cho con, người cha cho rằng: “Học là để chuẩn bị nền tảng cho tương lai của đứa trẻ. Nhưng không phải chỉ có nhồi nhét kiến thức mới là học. Tôi mong con mình học tập thành tài, nhưng hơn cả vẫn là muốn cháu được rèn luyện bản thân trở thành một người tự giác, tự lập, và những kĩ năng sống khác. Ngoài ra, một môi trường học tập hiện đại, thoải mái, nơi cháu được phát huy hết những khả năng của bản thân chứ không phải chỉ chăm chăm lo điểm số cũng vô cùng quan trọng”.

Thi vào lớp 10 là kỳ thi nhiều áp lực với cả phụ huynh và thí sinh.
Chọn trường nội trú là định hướng của nhiều bậc cha mẹ hiện đại muốn con trưởng thành và tự lập từ cấp 3.

Chung quan điểm với anh Linh, chị Hồ Thị Hòa có cậu con trai vừa giành học bổng đại học tại Mỹ chia sẻ: “3 năm cấp ba nếu chỉ để các cháu học kiến thức thì tôi thấy hơi uổng phí. Đây là quãng bản lề của con trước khi bước vào đại học, phải vừa học kiến thức vừa học cách sống độc lập nữa. Xác định con sẽ có ngày xa vòng tay mình, nên tôi quyết tâm cho cậu “quý tử” đi học nội trú. Môi trường tập thể đã rèn giũa con tốt hơn ở nhà nhiều”.

Cách đây 3 năm ở Hà Nội chưa có mô hình trường nội trú nhận học sinh nội thành, chị Hòa xoay đủ cách để cậu con trai hộ khẩu Hà Nội của mình được gửi nội trú mà không xong. Cuối cùng, chị quyết định chuyển việc kinh doanh của gia đình vào Sài Gòn vì lúc này trong Nam đã có không ít trường nội trú theo mô hình chị cần để rèn con.

“Lúc đầu xa thì nhớ con lắm. Nhưng cứ mỗi cuối tuần về nhà lại thấy con tự lập hơn nên tôi cũng yên lòng dần. Giờ con tự xin được học bổng, đi học xa nhà đến nửa vòng trái đất tôi cũng có thể hoàn toàn yên tâm”, chị kể đầy tự hào về cậu con trai duy nhất.

“Đứa cháu ngoài Hà Nội cũng đang được gia đình hướng cho thi nội trú. Giờ ở Hà Nội ít nhất đã có 2 trường nhận học sinh nội trú, mô hình lại mới và tốt, thuận lợi hơn 3 năm trước nhiều lắm. Còn nếu không, chắc bố mẹ nó cũng gửi con vào đây cho tôi đấy”, chị Hòa vừa cười vừa khoe. Nhiều bạn bè, họ hàng trước phản đối hoặc nghi ngờ định hướng rèn con của chị giờ đã dần đồng tình và ủng hộ. “Chuyển cấp là bước ngoặt để con trưởng thành, đừng biến nó thành gánh nặng đơn thuần của điểm số, học hành, làm khổ cả gia đình và các con”, chị chia sẻ.