Phụ huynh "côn đồ" xuất hiện trong trường học: Cần xử lý nghiêm!
(Dân trí) - Việc phụ huynh sử dụng bạo lực bênh vực con sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý ỷ lại, không sợ bất cứ ai ở trường và sẵn sàng gây sự, đánh nhau vì luôn nghĩ rằng đằng sau mình luôn có người "bảo kê".
Mới đây, một trường THPT ở Bạc Liêu xảy ra vụ việc phụ huynh xông vào lớp đánh một học sinh nam của trường. Được biết, hai em học sinh (một nam, một nữ) cùng khối lớp 10 của trường xảy ra xích mích, học sinh nam túm tóc học sinh nữ. Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo nhà trường cho biết 2 bên phụ huynh đã hòa giải.
Trước đó, tại Bình Dương, vào cuối tháng 2/2022, do mâu thuẫn, hai em học sinh H. và K. đã đánh nhau khiến H. bị gãy xương vai. Khi nhà trường mời phụ huynh hòa giải, phụ huynh em H. xông đến định đánh em K.
Năm 2020, dư luận không khỏi bức xúc trước vụ việc "Một bé gái 2 tuổi bị bố của bạn học hành hung". Đi đón con, phát hiện con khóc do bị bạn giành đồ chơi, ông bố này đã lao vào tát, dọa nạt, bắt bạn của con phải khoanh tay xin lỗi.
Thương con bằng… bạo lực, chẳng khác nào hại con
"Những vụ việc liên tiếp xảy ra như một hồi chuông cảnh báo vấn nạn phụ huynh "côn đồ" xuất hiện trong trường học ngày càng tiếp diễn, gia tăng. Thật khó giải thích cho hành vi mang tính bạo lực, phản cảm, thậm chí có phần ngang ngược mà nhiều bậc phụ huynh đã gây ra ngay tại môi trường giáo dục".
Đó là ý kiến của phụ huynh Trần Mạnh Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội). Theo anh Tiến, khi biết con mình bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt, tâm lý chung của hầu hết phụ huynh là thương con, thậm chí còn "giận điên người".
Tuy nhiên, trong trường học, việc học sinh vì một vài mâu thuẫn mà xảy ra tranh cãi, xô xát… là chuyện hết sức bình thường. Do đó, thay vì bực tức, xông vào trường để "dạy cho kẻ bắt nạt con mình một bài học", phụ huynh cần kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh hỏi con hoặc giáo viên về nguyên nhân xảy ra sự việc, xem đã có hậu quả gì xảy ra chưa. Nếu thấy nghiêm trọng, cha mẹ có thể gặp thầy cô phụ trách lớp, thậm chí là ban giám hiệu để tìm cách giải quyết; hoặc có thể gặp phụ huynh của bạn con để trao đổi thêm.
"Đôi lúc, con tôi đi học và về nhà trong tình trạng có vết xước trên mặt. Dù rất xót nhưng khi biết nguyên nhân là tranh giành đồ chơi với các bạn, hay trẻ cãi nhau vì mấy vấn đề nhỏ nhặt, tôi đều hiểu và bỏ qua. Một vài lần thấy con bị một bạn cào đau quá, tôi đã tìm đến phụ huynh của bạn con để nhắc nhở.
Trong môi trường giáo dục và quá trình nuôi dạy trẻ, việc dùng bạo lực, dù với mục đích răn đe cho trẻ sợ hay bảo vệ trẻ thì đều không đem lại tác động tích cực. Việc một người lớn sử dụng nắm đấm của mình để đánh một đứa trẻ, bao biện cỡ gì cũng vẫn là hèn hạ, côn đồ".
Phụ huynh Nguyễn Thị Phúc (Gia Lai) cũng đồng tình với quan điểm này. Chị cho hay, trong nhiều trường hợp, dù con mình là "nạn nhân", và đứa trẻ kia có lỗi, phụ huynh cũng không thể đường đột xuất hiện, chẳng nói chẳng rằng đã lao vào giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Trước sự chứng kiến của hàng trăm con mắt, phụ huynh này hành xử chẳng khác một kẻ côn đồ, hay có thể nhận xét thậm tệ hơn là vô văn hóa. Ngoài ra, việc phụ huynh sử dụng bạo lực như một cách bênh vực con sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý ỷ lại, không sợ bất cứ ai ở trường và sẵn sàng gây sự, đánh nhau vì luôn nghĩ rằng đằng sau mình luôn có người "bảo kê".
"Thương con theo cách đó, bố mẹ chẳng khác nào đang gián tiếp hại con" - chị Phúc chia sẻ.
Gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, nhà giáo Hải Yến (giáo viên THCS, Hải Phòng) cho hay, cô và đồng nghiệp đã nhiều lần chứng kiến việc phụ huynh xông vào trường đánh bạn của con.
"Vụ việc khiến tôi ám ảnh nhất là vụ hai học sinh lớp 6 (một nam, một nữ) trêu đùa, xô đẩy nhau. Đùa "quá trớn", bạn nam đã xô bạn nữ va vào bục giảng, khiến nữ sinh đó… gãy một chiếc răng cửa.
Nghe tin về con, bố của nữ sinh này đã xông vào tát nam sinh kia, sau đó bắt cậu quỳ và lết đi bằng đầu gối. Học sinh đó đã khóc rất nhiều, liên tục van nài xin lỗi".
Cô Yến chia sẻ, những hành vi côn đồ xảy ra ngay trong phạm vi nhà trường sẽ tạo ra sự bất an trong môi trường giáo dục; ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý của nạn nhân, đồng thời khiến những học sinh khác rơi vào trạng thái hoảng sợ.
"Nguy hiểm hơn, những hành vi bạo lực mà nhiều phụ huynh gieo rắc trong môi trường học đường còn "nhuộm đen" nhân cách của học sinh.
Khi gửi con đến trường, phụ huynh nào cũng mong con mình sẽ học được điều hay lẽ phải... Nhưng để giáo dục học sinh, cần phải có sự kết hợp, cảm thông và thấu hiểu giữa gia đình và nhà trường. Bản thân phụ huynh không chịu gương mẫu thì làm sao có thể giáo dục con mình?
Một đứa trẻ sẽ học được gì từ một ông bố, bà mẹ cư xử thô lỗ và quen với những hành vi bạo lực? "Con cái chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ". Điều đó có nghĩa, mọi lời nói, hành động của bố mẹ đều có thể được "lưu lại" và "sao chép" trong suy nghĩ của đứa trẻ, sau đó dần hình thành "mảng tối" trong nhân cách khi trưởng thành.
Gia đình là tế bào của xã hội. Để một đứa trẻ trở thành công dân tốt, bố mẹ hãy trở thành tấm gương tốt để con học hỏi, noi theo".
Xử lý nghiêm những đối tượng "côn đồ" trong trường học
Nêu quan điểm về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên tại Hà Nội) cho hay, việc phụ huynh sử dụng bạo lực với học sinh ngay tại môi trường giáo dục để lại hậu quả vô cùng lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát hiện và xử lý những hành vi này còn khá lỏng lẻo. "Ví dụ như vụ việc ở Bạc Liêu mới đây. Bố mẹ học sinh nữ xông vào đánh, lăng mạ học sinh nam, rồi hai bên giải quyết bằng câu xin lỗi. Nghe thì "dĩ hòa vi quý", song, việc giải hòa, xử lý mang tính sự vụ này lại tạo ra tiền lệ về tư tưởng "bạo lực chẳng sao; chỉ cần một lời xin lỗi là giải quyết êm ấm!".
Do đó, thầy Hiếu mong mỏi, các nhà giáo dục và các nhà lập pháp cần thiết lập quy định, xử lý nghiêm ngặt những trường hợp phụ huynh sử dụng bạo lực trong môi trường giáo dục. Cần xử lý thẳng tay, dứt khoát, tránh trường hợp khi các sự việc đáng tiếc khác xảy ra và có hậu quả nặng nề mới "rút kinh nghiệm".
Giảng dạy tại một trường THPT tại Nam Định, giáo viên Ngọc Linh cho biết, hành vi phụ huynh vào trường đánh học sinh như một cách để "trả thù" là hoàn toàn sai trái, cần sự xử lý mạnh tay của pháp luật. Tuy nhiên, để chấm dứt triệt để tình trạng này, cũng cần phải có hình thức xử lý thích đáng cho những học sinh đánh bạn, bởi đây chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng "phụ huynh bảo kê trường học".
"Với hình thức khiển trách, cảnh cáo, nặng nhất là phạt nghỉ học 1-2 tuần như hiện nay, không thể giáo dục những học sinh "cá biệt" được.
Mười tám năm đứng lớp, tôi thấy được, thực tế, với nhiều học sinh cá biệt, ham chơi, việc nghỉ học sẽ không đem lại hiệu quả tốt, thậm chí nhiều em còn "vui mừng" trước hình phạt này vì không phải đến trường, đến lớp.
Tôi nghĩ rằng, với những học sinh gây ra hậu quả nặng nề hay tái phạm nhiều lần, cần xử lý nghiêm ngặt, mạnh tay, ví dụ như cho học sinh đó đi trường giáo dưỡng… thì mới có thể đủ sức răn đe.
Ngoài ra, người lớn cũng cần chấm dứt tư duy "các em còn nhỏ, chưa hiểu chuyện gì" rồi tặc lưỡi bỏ qua mọi chuyện. Mọi hành vi "côn đồ", dù bắt nguồn từ phụ huynh hay học sinh, cũng cần xử lý tới nơi tới chốn".