Phụ huynh cần làm gì để tránh tâm lý "con mình không bằng con thiên hạ"?
(Dân trí) - Việc cha mẹ hiện nay thường xuyên cảm thấy lo lắng, sợ bản thân bị tụt hậu so với các phụ huynh khác, sợ con mình bị thua kém so với bạn bè là điều khá phổ biến.
Ngay cả trong thế giới phương Tây, nơi có nền giáo dục được đánh giá là lý tưởng, nơi phụ huynh được cho là có tâm lý thoải mái hơn khi đối diện với việc học tập của con, trong thực tế, phụ huynh tại Mỹ cũng vẫn thường xuyên cảm thấy lo lắng.
Theo khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), gần 50% phụ huynh Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ căng thẳng tâm lý thường xuyên vì việc nuôi dạy con.
Thực tế, phụ huynh hiện nay dành nhiều thời gian cho con hơn, quan tâm con nhiều hơn, nhưng nhiều người vẫn luôn cảm thấy lo lắng, cho rằng bản thân vẫn chưa đem lại những gì tốt nhất có thể cho con, khiến con chưa được "bằng bạn bằng bè".
Bác sĩ tâm lý người Mỹ Jenny Woo cho rằng những bậc phụ huynh biết tự giải quyết vấn đề tâm lý của bản thân là những người biết tự động viên chính mình: "Mình đã cố gắng, nỗ lực đủ rồi, đã làm mọi việc đủ tốt rồi".
"Đủ tốt rồi" là cách để phụ huynh tự nhắc bản thân nhớ về những điều quan trọng nhất đối với chính mình và các con, thay vì chạy theo những mục tiêu thiếu thực tế mà người khác đặt ra.
Nuôi con trong thời đại hiện nay, cha mẹ dễ cảm thấy áp lực, mệt nhoài. Dưới đây là 2 biện pháp giúp phụ huynh giảm bớt áp lực căng thẳng.
Tự xác định chuẩn mực và mục tiêu riêng cho bản thân và con cái
Bác sĩ Jenny Woo cho biết nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng vì con cái thường chạy theo các trào lưu trên mạng xã hội, thích đua theo bạn bè khi xuất hiện các mốt mới. Dù vậy, chính phụ huynh lại hiếm khi trò chuyện với con về những áp lực của cha mẹ, khi cha mẹ cũng phải sống trong sự so sánh với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp.
Mỗi chúng ta dù ở bất cứ độ tuổi nào cũng đều phải chịu đựng áp lực từ sự so sánh, đánh giá. Ai cũng muốn mình là người "có tất cả", không thua kém ai, bao gồm cả việc nuôi dạy con cái trưởng thành tốt đẹp.
Trong khi đó, mỗi gia đình đều có câu chuyện riêng, mỗi đứa trẻ phát triển theo cách khác nhau. Việc chạy đua và không ngừng so sánh bản thân với những phụ huynh khác, so sánh con mình với con người khác, sẽ khiến các bậc phụ huynh cảm thấy mệt mỏi, bất an, quên mất điều gì là thực sự quan trọng và có ý nghĩa đối với chính mình và con cái.
Thay vì chạy theo những chuẩn mực của người khác, mỗi phụ huynh hãy tự xác định cho mình những chuẩn mực trong quá trình nuôi dạy con, hiểu rằng ai cũng có những giới hạn. Các con cần biết cảm thông cho cha mẹ và ngược lại, cha mẹ cũng cần thấu hiểu cho những giới hạn của con cái.
Tự lập ra danh sách những việc không làm giúp con
Nếu bạn làm tất cả mọi việc trong nhà, các thành viên còn lại sẽ không có cơ hội đóng góp công sức, thể hiện tinh thần trách nhiệm. Cha mẹ khéo nuôi con sẽ biết cách không thực hiện một số công việc, để con cái tự thực hiện cho bản thân và giúp đỡ việc nhà cho gia đình.
Cha mẹ hãy đưa ra những giới hạn cụ thể. Ở mỗi độ tuổi, con cái sẽ phải học cách tự thực hiện một số nhiệm vụ mới phù hợp với năng lực. Việc cha mẹ lập ra một danh sách những việc không làm để con có trách nhiệm tự thực hiện sẽ giúp cha mẹ bớt đi sự căng thẳng, áp lực, đơn giản bởi cha mẹ sẽ bớt đi số đầu việc phải làm cho con.
Chẳng hạn từ độ tuổi nào con phải biết tự đặt báo thức để dậy đi học, tuổi nào con phải biết rửa bát, biết đem đồ đi giặt, gấp đồ, cọ toilet... Thậm chí, đến một độ tuổi, con phải tự biết chịu trách nhiệm về việc học của mình và cha mẹ không cần kiểm tra việc học của con mỗi ngày nữa. Khi càng biết cách đặt lòng tin vào con, con sẽ càng hành xử có trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Cha mẹ hãy tạo ra danh sách những việc không làm giúp con nữa, bao gồm từ 3 đến 5 đầu việc. Sau mỗi 6 tháng, cha mẹ sẽ nhìn nhận lại danh sách này, để đưa thêm những đầu việc mới vào, bởi trẻ vẫn tiếp tục trưởng thành thêm và có khả năng tự thực hiện nhiều việc hơn.
Phương pháp này sẽ giúp cha mẹ chuẩn bị cho con sự độc lập, tự chủ, kỹ năng tự xoay xở trong cuộc sống.