Phong trào khuyến học, khuyến tài nở rộ khắp nơi
(Dân trí) - Phong trào khuyến học, khuyến tài đang tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu so với năm 2011. Việc vận động các doanh nghiệp tài trợ học bổng và phần thưởng cho học sinh, sinh viên đang được các tỉnh, thành Hội đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của các Cụm, tính đến cuối tháng 6/2012, số dư trong Quỹ Khuyến học Việt Nam đang ở con số hơn 516 tỷ đồng. Trong đó có những địa phương có số dư trong quỹ khuyến học lên đến gần 50 tỷ đồng như Nam Định, Hà Nội. Đặc biệt nhất là Thanh Hóa lên đến gần 100 tỷ đồng.
Lễ trao học bổng khuyến học "VNPT - Chắp cánh tài năng Việt". Trong ảnh: 10 thủ khoa cùng ông Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông Tô Mạnh Cường - Phó tổng giám đốc tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và ông Phạm Huy Hoàn - Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam, Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí. (Ảnh: Thế Nam)
Bằng những nỗ lực hoạt động và vận động của lãnh đạo, Qũy khuyến học Việt Nam đã tạo được sự quan tâm của các doanh nghiệp và đã nhận được sự ủng hộ về tài chính.
Từ quỹ khuyến học này, 6 tháng đầu năm 2012, Hội đã chi học bổng cho học sinh (HS), hỗ trợ sinh viên (SV) và giáo viên; hỗ trợ vở tới HS các tỉnh vùng sâu, vùng xa do Công ty TNHH Kokuyo Việt Nam tài trợ 205.000 cuốn.
Gần đây, những nhà tài trợ lớn thường có xu hướng chọn trực tiếp những địa phương, những trường học, những đối tượng HS để chuyển thẳng khoản tài trợ, không qua quỹ khuyến học. Rất nhiều khoản tài trợ hàng chục tỷ đồng, hàng trăm triệu đồng được cấu tạo thành những thẻ bảo hiểm, những sổ tiết kiệm, những phiếu mổ tim, mổ hàm ếch… Đó là những khoản hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với cuộc sống.
Ngoài công tác khuyến học đang ngày được “đơm hoa hết trái” thì công tác khuyến tài vẫn được tiến hành mạnh mẽ và phát triển sang một trang mới. Chẳng hạn như, tổ chức giải thưởng “Nhân tài đất Việt” hàng năm vào ngày 20/11. Hình thức khuyến tài này đã có tác dụng tốt đối với việc động viên, khích lệ những tài năng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Tuyên dương và trao phần thưởng cho HS, SV có thành tích học tập tốt, đặc biệt là những HS, SV đỗ thủ khoa, hoặc đoạt huy chương trong các kì thi quốc gia và quốc tế; trao học bổng đặc biệt cho HS, SV khuyết tật, nỗ lực vượt khó trong học tập. Những học bổng này thường có giá trị cao, ngắn hạn và dài hạn, để giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt đó có thêm điều kiện theo học.
Vận động các nhà tài trợ cấp học bổng dài hạn cho HS, SV có thành tích học tập tốt. Hàng nghìn HS, SV đã nhận được học bổng cho toàn khoá học; Các gia đình, dòng họ tuyên dương và khen thưởng con cháu học tập tốt vào những dịp lễ, tết, giỗ tổ…
Giới thiệu các gương mặt hiếu học trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các báo và tạp chí của Trung ương Hội, các tờ thông tin của các Hội địa phương đã đăng tải nhiều gương sáng học tập. Nhiều tờ báo của các ngành cũng đã phối hợp với Hội để đưa tin về những HS, SV học giỏi, những lao động có thành tích cao nhờ học tập thường xuyên. Vô tuyến truyền hình của Trung ương và địa phương đã có nhiều phóng sự về những cá nhân điển hình trong học tập
Hầu hết các lĩnh vực thi đua như phát triển quỹ khuyến học, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, phát triển gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học… đều có những kết quả khả quan, tập hợp và lôi cuốn được đông đảo nhân dân, nhiều lực lượng kinh tế, xã hội và doanh nghiệp tham gia vào các cuộc vận động khuyến học khuyến tài.
Được biết, hiện nay Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã giao cho Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (Phó Chủ tịch Hội) xây dựng đề án phát huy tài năng trẻ, hướng các em HS theo học những trường đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước. Mặt khác, Trung ương Hội cũng đang tìm kiến giải pháp khuyến khích những lao động giỏi, có nhiều sáng tạo trong sản xuất nhờ thường xuyên học tập.
S.H