Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học không bàn nữa phải làm ngay với trách nhiệm cao

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP sáng ngày 20/10.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Tự chủ đại học: Phải làm ngay.

Sau 3 năm triển khai thí điểm tự chủ, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện tự chủ. Trong đó có 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm.

Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực. Các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận.

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu, trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp.

Các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả (hiện vẫn còn 4 trường thí điểm tự chủ nhưng chưa thành lập Hội đồng trường)...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ ĐH là một thuộc tính cần thiết của ĐH thế giới. Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện tự chủ ĐH có tính đặc thù của Việt Nam, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển giáo dục ĐH thế giới.

"Thực hiện tự chủ đại học còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta không còn cách nào khác là phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Đây là trách nhiệm vì đất nước, nếu các trường ĐH Việt Nam không thực hiện tự chủ, không thành các trường mạnh, thì nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sẽ không được như mong muốn, đất nước sẽ không phát triển" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước ý kiến băn khoăn của nhiều trường đại học về thời gian thí điểm tự chủ đại học sắp kết thúc, có nên làm tiếp hay dừng lại.

"Đây không còn là lúc bàn có cần tự chủ hay không mà phải làm ngay với trách nhiệm, thống nhất rất cao của các bộ, đặc biệt của các trường đại học; phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục làm tiếp. Nếu chưa kịp ban hành văn bản mới để tháo gỡ vướng mắc thì tiếp tục cho các trường làm như hiện nay. Chúng ta phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Đất nước chỉ có thể phát triển nhanh hơn, bền vững hơn khi có nguồn nhân lực chất lượng cao" - Phó Thủ tướng nói.

Đối với chính sách liên quan đến các trường ĐH tự chủ, Phó thủ tướng nhắc đến hình ảnh “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc”.

“Nấc 1 là trường không được tự chủ chút nào, nhà nước bao cấp hết thì khóa rất chặt. Nấc 2 cho trường tự chủ một phần chi thường xuyên, khóa sẽ mở ra thêm một chút. Nấc 3 là trường tự chủ toàn bộ chi thường xuyên thì nới ra chút nữa. Phải đợi đến khi tự chủ toàn bộ, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên mới cho tự chủ hoàn toàn.

Tuy nhiên, đó là nấc 4 chứ không phải đã được “tháo” hết khóa đó ra. Còn 2 chìa, một chìa là của cơ quan quản lý nhà nước; chìa thứ 2 là cơ quan chủ quản”.

Để “tháo khoá”, Phó Thủ tướng cho rằng, cần hiểu đúng về tự chủ là tự quản, tự trị. Tự chủ trước hết là về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu. Bỏ can thiệp hàng ngày, có tính hành chính, áp đặt vào trong nội bộ các trường ĐH. Từ đó xác định các quyền về bộ máy, nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ.

Liên hệ đến thực tế nhiều trường ĐH tiên tiến trên thế giới, có kinh phí từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn tự chủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tự chủ tài chính là được tự chủ về thu, chi theo quy định pháp luật.

Cấp ngân sách sẽ căn cứ vào chất lượng đầu ra

Theo PPT Đam, tự chủ trước hết đặt ra là tự chủ về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu, bỏ can thiệp hàng ngày, áp đặt hành chính vào trong nội bộ các trường ĐH. Từ đó, ra các quyền về bộ máy, về nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ và tự chủ tài chính chỉ là 1 phần.

Theo đó, có 4 loại thu mà các trường có là từ nguồn tài trợ, học phí, nguồn thu từ các loại phí theo quy định nhà nước và nguồn từ ngân sách nhà nước.

Trước đây, nguồn ngân sách cấp theo đầu vào, tính số biên chế, hay tính số chỉ tiêu đăng ký mà không quan tâm, không phụ thuộc vào chất lượng đầu ra. Bây giờ nguồn ngân sách nhà nước phải giao theo nhiệm vụ, theo đặt hàng và căn cứ vào chất lượng đầu ra.

Các trường thực hiện tự chủ vẫn còn ngân sách nhà nước, nhưng điều quan trọng là đổi mới cách cấp và cách sử dụng ngân sách cho hiệu quả để mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

“Không nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước. Còn nếu xét về mặt cạnh tranh, chúng ta thua. Do đó, phải thực hiện tự chủ ĐH, phải biến cái người ta lo ngại thành thời cơ, đó là đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho tất cả mọi người, trong đó lưu ý các đối tượng chính sách phải được đảm bảo" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học không bàn nữa phải làm ngay với trách nhiệm cao - 2

Đổi mới tư duy hiệu trưởng

Tại hội nghị, PTT Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tháo gỡ tối đa các quy định như tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ giảng viên cơ hữu vốn để ngăn chặn tiêu cực những trường yếu kém nhưng vô hình trung lại kìm hãm các trường đã tự chủ tốt. Đồng thời phải đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng.

Bên cạnh đó, vấn đề khó nhất mà các trường tự chủ gặp là các cơ quan chủ quản. Các cơ quan chủ quản, bấy lâu nay coi nhà trường như một vụ, như một trung tâm của mình mà quên mất đây là một trường ĐH.

Nhấn mạnh đến các vai trò của Hiệu trưởng trong thực hiện tự chủ, PTT Đam cho rằng, tự chủ phải đi xuống từng trường, phải xuống đến tận giảng viên. Chừng nào “giáo vụ còn là cụ giáo viên” thì còn chưa có tinh thần tự chủ ĐH một cách xuyên suốt.

Để hạn chế những bất cập trong thực hiện tự chủ một cách thông suốt, PTT Đam cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải đổi mới ngay tư duy cho lãnh đạo các trường ĐH, trực tiếp từ các hiệu trưởng và cần nhìn thẳng vào sự thật.

"Chừng nào còn có ý kiến về hội đồng trường, nhưng hội đồng trường phần lớn chưa lập, hoặc lập ra rồi còn chưa đúng là cơ quan quyền lực thì không được. Hội đồng trường phải quyết định 2 vấn đề: tổ chức bộ máy nhân sự của trường, kể cả quyết ai là hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa, trưởng bộ môn; quyết định về tài chính, chi ở mức nào trở lên thì hội đồng trường phải thông qua, mức nào trở xuống thì BGH quyết định…

Có ý kiến lo lắng về sự chồng chéo trong phối hợp giữa Hội đồng trường với Đảng ủy trường khi thực hiện công tác nhân sự, lãnh đạo, chỉ đạo. Thực tế quyết định về nhân sự luôn phải có sự xem xét, cho ý kiến của Đảng ủy khi tiến hành quy trình bổ nhiệm theo quy chế hoạt động của trường”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Một trong những vấn đề quan trọng, theo PTT là các trường thực hiện tự chủ phải có một bộ quy tắc ứng xử, cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt: tuyển người quy trình thế nào, thẩm quyền ai quyết? thu nhập thêm tiêu chí phân bổ thế nào, căn cứ vào điều gì? Thi đua khen thưởng như thế nào?...

Cần bộ quy tắc cụ thể, giống bộ luật của trường, được thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường và phải được Hội đồng trường thông qua; thành cơ sở để thực hiện giám sát nội bộ và giải trình trách nhiệm với xã hội.

Các trường phải có một cơ chế, lập các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận ĐH cho các đối tượng chính sách.

"Tự chủ phải đi với giải trình trách nhiệm với xã hội, để sao cho trường ĐH là cơ sở, ở đó thể hiện một môi trường làm việc sáng tạo, khoa học, văn minh, là một thiết chế của dân tộc, của đất nước và nếu vươn lên đẳng cấp, thì đó sẽ là thiết chế của thế giới” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tiếp thu, tổng kết các ý kiến về tự chủ đại học để báo cáo Chính phủ cho phép các trường tiếp tục thực hiện tự chủ và lan toả tinh thần này để tất cả các trường ĐH đều phải tự chủ theo đúng nghĩa.

Nghiên cứu về tự chủ đại học tại Việt Nam của nhóm nghiên cứu trường ĐH Kinh tế quốc dân đã cho thấy những chuyển biến tích cực tại các trường đại học. Nhiều trường đã chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Phương pháp, nội dung giảng dạy tiên tiến, tiếp cận chuẩn quốc tế. Quy mô đào tạo chính quy, đại trà có phần suy giảm nhưng các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh.

Số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng đáng kể. Tỷ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tăng so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm 9,2% so với tỷ lệ 6% của toàn hệ thống.

Tổng thu tăng 16,6%, trong đó từ ngân sách Nhà nước giảm 16,51%, nhưng nguồn đầu tư xây dựng cơ bản tăng tới 85,1%. Thu học phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác tăng 23,4%. Điều đó cho thấy tự chủ tài chính không có nghĩa Nhà nước sẽ cắt toàn bộ ngân sách và không đầu tư cho các trường tự chủ.

Các mục chi của trường ĐH tự chủ tập trung vào đầu tư, mua sắm trang thiết bị, chính sách học bổng cho sinh viên, nghiên cứu khoa học…

Hồng Hạnh (ghi)