Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Quy hoạch quyết liệt, tạo mạng lưới vệ tinh các trường Sư phạm”
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đề án quy hoạch lại các cơ sở đào tạo ngành Sư phạm phải thực hiện tái cơ cấu một cách quyết liệt và lưu ý đến việc hình thành một mạng lưới vệ tinh các trường Sư phạm, trong đó xây dựng Đại học Sư phạm Hà Nội thành “trường hạt nhân”.
Ngày 31/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi thăm và làm việc tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội về các vấn đề nổi cộm trong ngành Sư phạm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra thực tế hiện có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương, nhiều tỉnh đã thừa giáo viên, do đó cần tái cơ cấu quyết liệt hệ thống đào tạo giáo viên theo hướng xây dựng Đại học Sư phạm Hà Nội thành "trường hạt nhân", “trường đầu tàu” có nhiệm vụ hướng dẫn cho các "trường vệ tinh" ở địa phương trong công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Trong đó, nội dung cấp bách nhất hiện nay là đào tạo, bồi dưỡng lại giáo viên theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Ông nhấn mạnh, Đại học Sư phạm không chỉ đào tạo giáo viên mới mà chương trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên phải thường xuyên cập nhật. Các trường đại học, cao đẳng ở địa phương tập trung bồi dưỡng giáo viên với sự hướng dẫn của các trường đầu tàu, điển hình như trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đó chính là mô hình mạng lưới vệ tinh trong ngành Giáo dục.
Trong như ngành Y tế có “bệnh viện vệ tinh”, tức là phía trên có những bệnh viện hạt nhân hướng dẫn với bên dưới rồi kết nối hình thành một mạng lưới vệ tinh liên kết. Tương tự vậy, đối với hệ thống trường đại học sư phạm cả nước.
Và trong đề án quy hoạch các trường Sư phạm, Bộ GD&ĐT phải coi đây là điều cốt lõi chứ không chỉ đơn thuần là dẹp trường này, để trường kia mà cái chính là đổi mới hệ thống để hình thành mạng lưới đào tạo sinh viên mới.
Chúng ta đào tạo người đã tốt nghiệp một bằng đại học rồi để làm giáo viên và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên để hình thành một mạng lưới xuyên suốt trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, tận dụng đội ngũ giáo viên cán bộ đủ tiêu chuẩn để làm.
“Tôi đã đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu việc này. Bây giờ ngay trường phổ thông cũng vậy, những mô hình rất nhiều nơi đã làm. Trong trường sư phạm của tỉnh cũng có trường phổ thông (từ mẫu giáo lên) cũng giống như trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành của trường ĐH Sư phạm 1. Chúng ta kết hợp, hướng dẫn mở xuống và cũng làm những hạt nhân để đưa các chương trình, phương pháp mới vào.
Tôi đề nghị trong đề án quy hoạch lưu ý điều này. Sao cho đề án ra phải hình thành được mạng lưới các trường Sư phạm và gắn với nó, các đồng chí phải xây dựng được mạng lưới các cơ sở để thực hành. Có thể các trường phổ thông nằm trong trường cao đẳng hoặc một số trường phổ thông ở trên tất cả địa bàn”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Giải bài toán cử nhân Sư phạm chất lượng ra trường vẫn thất nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề cập đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp Sư phạm ra không xin được việc để làm giáo viên theo nghề mơ ước, mong muốn của mình. Ông nhấn mạnh, nguyên nhân là do "đầu ra" cử nhân ngành Sư phạm nhiều hơn nhu cầu giáo viên.
Ví dụ, có 1,5% biên chế giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, chưa kể số đào tạo những năm trước và số đã hợp đồng nhiều nằm đợi sẵn ở các trường... thì hiện nay, chúng ta vẫn tuyển sinh mới ngành Sư phạm. Và số lượng chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục tuyển hiện nay vẫn gấp hơn 2 lần so với số giáo viên chuẩn bị nghỉ hưu. Vì thế, những trường có tốt như Sư phạm và thẩm định chất lượng đào tạo giáo viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra là tốt, là đạt và tốt hơn nhiều so với nhiều trường Sư phạm khác (như trường mạnh dạn khẳng định) vẫn thất nghiệp.
“Chỉ có khoảng 30% số sinh viên ra trường làm việc được trong ngành giáo dục, còn lại không xin được việc vào ngành Giáo dục. Trong khi, lẽ ra vị trí đó phải dành cho những người được đào tạo bài bản từ những trường có chất lượng như trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 thì hiện nay do chính sách tuyển dụng và nhiều yếu tố khác của chúng ta mà vị trí đó lại dành cho những đối tượng chất lượng không được tốt. Đây là bài toán chúng ta phải giải bằng được”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng cho hay, định hướng là Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xem xét lại quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm để khắc phục câu chuyện các cơ sở đào tạo sư phạm mở ra ào ạt. Số lượng thì nhiều mà không kiểm tra, kiểm soát được chất lượng.
Theo ông, may mắn là ngoài lực lượng công an, quân đội (lực lượng vũ trang) thì có thể nói nhu cầu tuyển dụng giáo viên sư phạm về cơ bản chúng ta có thể dự báo sát với nhu cầu. Bộ GD&ĐT hiện nay đã nắm được số giáo viên từng trường, từng bộ môn và dự báo được nhu cầu thừa, thiếu giáo viên của từng nơi trong 3 năm, 5 năm, 10 năm tới đây. Bộ cũng hiện đang có số lượng sinh viên đang học ngành Sư phạm ở các khoa khác nhau. Từ đó, hoàn toàn có thể tính ra nhu cầu thời gian tới đào tạo thế nào. Có thể không nắm sát 100% nhưng tương đối phải chính xác 70-80%.
“Chúng ta quan điểm, hệ thống các trường sư phạm chất lượng phải đặt hàng đầu. Đào tạo giáo viên là mục đích chính, căn cứ vào nhu cầu và gắn với tinh thần tự chủ đại học mới được Quốc hội thông qua. Muốn vậy, phải có cơ chế đào tạo theo đặt hàng của chính quyền các cấp bởi chính quyền các cấp phải lo cho giáo dục phổ thông, đủ trường lớp và giáo viên. Đây là điều cốt lõi. Khi chúng ta xác định được nhu cầu giáo viên để chính quyền đặt hàng thì bước tiếp theo là chọn những nơi tốt nhất để đặt hàng.
Học đại học là học tập trung 4 năm, không nhất thiết các em cứ phải học gần nhà hết (vì không như học nghề hay học ngắn hạn). Thời gian học ngắn mà bắt đi tỉnh xa học tập là khó khăn nhưng học đại học là học dài hạn, do đó được ở gần địa phương thì tốt chứ không phải bắt buộc. Điều kiện quan trọng trên hết là phải học ở những cơ sở tốt nhất. Từ nguyên tắc đó, các trường đại học Sư phạm tốt sẽ được đặt hàng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về giải pháp cho thực trạng sinh viên sư phạm từ các trường top đầu ra trường vẫn thất nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo về việc sắp xếp quy hoạch trường sư phạm, giải bài toán cử nhân thất nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cốt lõi của giáo dục đại học là tự chủ giáo dục, tự chủ về tư duy, tự chủ tài chính. Do đó, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần nghiên cứu cơ chế để tự tháo gỡ cho mình, góp phần vào thực hiện tự chủ đại học trên cả nước. Trường có thể nghiên cứu, đi đầu, làm mẫu cho việc thực hiện cơ chế tự chủ, nhận đặt hàng từ các địa phương.
Bên cạnh đó, trường cần làm tốt hơn nữa trong nghiên cứu khoa học giáo dục, sư phạm và nghiên cứu cơ bản. Nhà trường phải là "hạt nhân", "đầu tàu", một mắt xích quan trọng có tính định hướng cho đổi mới giáo dục đào tạo theo nghị quyết số 29-NQ/TW9 về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo.
Lệ Thu