Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kiên quyết dỡ bỏ rào cản phát triển giáo dục mở

(Dân trí) - Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Kiên quyết dỡ bỏ rào cản phát triển giáo dục mở".

Ngày 16/5, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam đã tổ chức hội thảo: Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự hội nghị.


Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Rào cản giáo dục đại học mở quá lớn

PGS.TS Nguyễn Văn Út, Viện các vấn đề giáo dục-Trường Đại học Bình Dương cho biết, Giáo dục mở (GDM) là hệ thống giáo dục linh hoạt, không giới hạn bởi không gian, thời gian cũng như lứa tuổi, giúp cho mọi người có cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo suốt đời.

Khi nhu cầu xã ngày càng rộng lớn và thay đổi liên tục với tốc độ chóng mặt thì hệ thống GD khép kín hiện nay đã bị quá tải không thể nào đáp ứng được dẫn đến sinh viên ra trường sẽ vẫn tiếp tục không tìm được việc hoặc trước khi đi làm thì phải “đào tạo lại”. Những người muốn học để có một nghề nghiệp nào đó hoặc sinh viên đã tốt nghiệp muốn học bổ sung kiến thức hoặc kỹ năng trước khi đi xin việc thì không chỗ học.

Chính vì vậy chỉ có bằng phương thức giáo dục mở thì những người có nhu cầu nhưng không có điều kiện đến trường mới có thể trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần cho công cuộc mưu sinh. Đây cũng chính là con đường hữu hiệu và khả thi nhất để thỏa mãn những ai muốn có được trình độ Đại học mà không tạo thêm gánh nặng cho GDĐH.

Đổi mới giáo dục theo hướng mở không chỉ là một yêu cầu mà còn là sự phát triển tất yếu của giáo dục trong xã hội hiện đại.

Ông Út cho rằng, các điều kiện tối thiểu để xây dựng hệ thống giáo dục mở là phải có chủ trương mang tính pháp lý; Phải có nhận thức đúng về hệ đào tạo mở; Phải có học liệu (tài nguyên) và cơ sở vật chất; Phải có trung tâm khảo thí khách quan. Trong đó, điều kiện mang tính pháp lý là quan trọng nhất.

“Phải đưa thành Luật việc thừa nhận song song tồn tại hai hệ thống giáo dục có giá trị như nhau trong nền giáo dục nước ta đó là giáo dục khép kín và Giáo dục mở” – ông Út kiến nghị.

TS Vũ Ngọc Hoàng cho biết, đặc điểm đầu tiên và bắt đầu của nền giáo dục mở chính là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo; Thoáng mở đầu vào để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các cơ sở giáo dục-đào tạo khi họ thật sự muốn học.

Bên cạnh đó, hệ thống GD mở phải thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt và dân chủ về loại hình và phương thức giáo dục, đào tạo. Trong đó, chắc chắn phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở đại học và cao đẳng. Khi nào có đủ quyền tự chủ ấy thì lúc đó mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành.

Ngoài ra, theo ông Hoàng, hệ thống mở phải nhất thiết phải gắn với sự liên thông giữa các bộ phận trong bản thân hệ thống, bảo đảm cho sự chuyển tiếp khi học lên hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi công việc một cách thuận tiện nhất, không bị bất cập do sự không khớp, vênh nhau bởi sự không chuẩn trong thiết kế chương trình, do cơ chế quản lý và do các thủ tục. Ngoài ra, hệ thống mở phải giải quyết cho tốt mối quan hệ giữa giáo dục đào tạo và thị trường.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, để triển khai giáo dục mở thì việc đầu tiên và trên hết là phải dỡ bỏ các rào cản đối với giáo dục. Đó là rào cản về nhận thức về chính sách, về kinh tế. Đặc biệt là sức ỳ của hệ thống giáo dục.

Ông Tiến cho hay, trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, đã có nhiều bước tiến quan trọng nhưng vẫn chủ yếu là một hệ thống đóng, tập trung đầu vào và hướng tới thi cử.

Bên cạnh đó là rào cản về lợi ích. Điều này có liên quan đến việc thực thi sáng kiến về sách giáo khoa mở, giáo trình mở. Đó là loại sách giáo khoa, giáo trình trong đó các quy định về bản quyền được nới lỏng đến mức tác giả cho phép sách được sử dụng miễn phí, được nhân bản, thậm chí được sao chép hoặc ghép nối với các tài liệu khác, miễn là phải dẫn tên tác giả.

Theo ông Tiến, ngôn ngữ và kỹ thuật đó là hạ tầng ICT còn yếu kém và năng lực ngoại ngữ chưa được nâng cao cũng là 1 rào cản lớn cho phát triển giáo dục mở.

Đưa vào hành lang pháp lý để tạo sức ép đưa các trường thực hiện tự chủ

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về giáo dục mở. Các nhà khoa học cần thống nhất các triết lý về giáo dục, khái niệm mở. Mặc dù đang tranh luận nhưng chúng ta vẫn phải làm. Cái gì đã trở thành xu thế thế giới thì chúng ta phải làm".


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng đại biểu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng đại biểu

Phó Thủ tướng Đam cho rằng, giáo dục mở ở Việt Nam đã có từ lâu. Nhiều đề án liên quan đến giáo dục mở đã được thực hiện như Đề án xây dựng xã hội học tập, Đề án phát triển đào tạo từ xa, Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở các cấp, Đề án tăng cường giảng dạy ngoại ngữ…

“Chúng ta phải xóa mù về tri thức công nghệ. Tiếp tục đẩy mạnh các đề án. Vai trò về giáo dục trong thời đại 4.0 cũng đã được nói nhiều nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào vai trò của GD Việt Nam. Giáo dục Việt Nam phải đi trước một bước. Mặc dù chúng ta chưa hài lòng về phát triển giáo dục Việt Nam hiện nay".

"Bác Hồ đã nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Trồng người rất khó và có độ trễ nhưng phải đổi mới và đi trước một bước" - PTT Đam nhấn mạnh.

Theo PTT Đam, chúng ta chưa hài lòng về phát triển giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, với giáo dục phổ thông của VN theo khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế là rất tốt và đứng thứ 50 nhưng chúng ta tiếp tục đổi mới và chú ý đến vùng sâu, vùng xa. Còn với GD Đại học còn rất yếu chỉ có vài trường đứng trong tốp 300 các nước khu vực.

Mục tiêu giáo dục là đi trước nên chúng ta phải kiên trì, kiên quyết và đưa vào hành lang pháp lý tạo sức ép để đưa các trường thực hiện tự chủ. Các trường phải tìm mọi cách tiếp cận học liệu; tập trung đổi mới giáo dục đại học, tăng cường tự chủ. Với giáo dục phổ thông thì đổi mới cơ chế quản lý, sáng tạo, quản trị nhà trường.

Bàn về giáo dục mở, Phó Thủ tướng đồng tình với các kiến nghị và cho rằng: “Tất cả những rào cản giáo dục mở thì phải dỡ bỏ 1 cách kiên quyết”.

Theo đó, việc cần làm ngay là phải tập trung kêu gọi xây dựng hệ thống học liệu mở. Trước hết các trường đại học phải thay đổi. Bên cạnh đó, kêu gọi cộng đồng dịch số hóa, học liệu. Phải cải thiện CNTT trong tất cả các lĩnh vực vì ứng dụng CNTT là ứng dụng cho mỗi cá nhân và từng người dân.

Việc đổi mới này, không phải là việc của Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ mà của toàn xã hội. Quan trọng là cả xã hội nhận thức được để không chỉ học để lấy bằng mà học để biết, để làm, để đóng góp cho xã hội, để chung sống tốt hơn, sáng tạo ra tri thức để đóng góp cho xã hội" - PPT Đam nhấn mạnh.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm