Vì sao đại học Việt Nam "còn lâu" mới thực hiện được Giáo dục mở?

(Dân trí) - Vì sao việc xây dựng nền giáo dục mở (GDM) không được triển khai mạnh mẽ theo mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được Nghị quyết 29 đề ra? Điều gì cản trở sự phát triển “giáo dục mở” đại học Việt Nam?

GS.TSKH. Đặng Ứng Vận, Trường Đại học Hòa Bình đã có phân tích rất kỹ về giáo dục mở đại học Việt Nam.


Nhà nước không đủ tiền đầu tư cho GDĐH để xây dựng các trường ĐH lọt top 500 thế giới nhưng lại rất chậm trễ trong việc huy động vốn tài chính từ XH cho các trường đại học công lập.

Nhà nước không đủ tiền đầu tư cho GDĐH để xây dựng các trường ĐH lọt top 500 thế giới nhưng lại rất chậm trễ trong việc huy động vốn tài chính từ XH cho các trường đại học công lập.

Nền Giáo dục mở theo tinh thần Nghị quyết 29 là gì?

Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về nền Giáo dục mở (GDM). Trong phần mục tiêu tổng quát Nghị quyết 29 nêu rõ: “Xây dựng nền GDM, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức GD hợp lý, gắn với xây dựng XH học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, XH hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD và đào tạo; giữ vững định hướng XH chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền GD Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Trong khoản 4 mục III. Về nhiệm vụ, giải pháp ghi rõ: “Hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng hệ thống GDM, học tập suốt đời và xây dựng XH học tập”.

Nền GDM là nền GD được thiết kế sao cho tổ chức và hoạt động của nó có khả năng thích ứng với những đổi thay và yêu cầu mới của môi trường kinh tế- XH. Những đặc điểm đó là: mở về hệ thống, mở về cơ hội tiếp cận và mở về nguồn lực.

Thứ nhất , hệ thống GD tập trung vào người học, linh hoạt, liên thông giữa các yếu tố (nội dung, chương trình, phương pháp, phương thức, thời gian, không gian, chủ thể GD…) của hệ thống và liên thông với môi trường bên ngoài hệ thống, bảo đảm tính sáng tạo cho việc xây dựng, tổ chức các nội dung, hình thức GD.

Thứ hai, nền GDM phải tạo cơ hội tiếp cận GD cho mọi người; Nền GDM dỡ bỏ các rào cản tiếp cận GD. Mọi đối tượng có nhu cầu học tập, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp, địa vị XH, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo đều có cơ hội học tập như nhau.

Hệ thống GDM, xét ở khía cạnh nào đó, là sự mở rộng của nhà trường cho người lao động trở về với hệ GD ban đầu nếu điều đó là cần thiết; tạo ra những cơ hội và điều kiện để mỗi con người luôn luôn được hưởng những thành tựu khoa học và công nghệ do tri thức mới mang lại, được cập nhật những tri thức mới và được ứng dụng những tri thức mới vào công việc mình đang làm.

Sự mở rộng tri thức trên đây là điều kiện quyết định để tăng năng lực con người trong nền kinh tế mới: nền kinh tế tri thức (một thời được tôn vinh) và cách mạng 4.0 hiện nay.

Thứ ba, nền GDM tận dụng các nguồn lực cho GD và bảo đảm tính hiệu quả, phát triển bền vững của hệ thống.

Giáo dục đại học chính quy bị thách thức bởi tuyển sinh

Nếu dựa trên 3 đặc điểm cơ bản của GDM (hiểu theo người Việt) chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những bước tiến trong 4 năm thực hiện xây dựng nền GDM theo Nghị quyết 29.

Kiểm định và công nhận chất lượng GD (KĐCLGD) là một công việc phải làm để đảm bảo chất lượng GD cho toàn hệ thống.

Một số tiêu chuẩn, tiêu chí cũng như các mốc chuẩn tối thiểu đã đảm bảo cho một quy trình mở với XH trong việc 10/61 tiêu chí quy định việc Nhà trường phải khảo sát ý kiến các bên liên quan (ngoài thầy cô giáo và người học ra) là các nhà tuyển dụng, các đồng nghiệp, các cơ sở GD khác, các hội nghề nghiệp … trong việc xây dựng sứ mạng, mục tiêu, chuẩn đầu ra, cơ cấu CTĐT, kiểm tra đánh giá SV, đánh giá CTĐT, chất lượng giảng dạy, việc làm của SV sau tốt nghiệp, chất lượng phục vụ của cán bộ, nhân viên ….

Ngoài việc thăm dò ra thì hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí và mốc chuẩn tối thiểu còn quy định những điều kiện bắt buộc về đổi mới, điều chỉnh CTĐT, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và các hoạt động khác trong NT thể hiện được đòi hỏi các trường đại học phải quan tâm đầy đủ đến những ưu tiên XH khi mà GD đại học được xem là môi trường đầu tư của các gia đình cho con em của họ.

Quy định việc HĐT phải có thành viên bên ngoài, quy định tính liên thông trong thiết kế CT và hoạt động đào tạo, quy định triển khai hệ thống tín chỉ (vốn được xem là một mặt dân chủ hóa nhà trường, mặt khác tạo điều kiện di chuyển cho người học cả từ địa điểm học tập, thời gian học tập và KH học tập cá nhân …) cũng là những yếu tố của GDM được đưa vào thông qua hệ thống KĐCLGD.

Những hạn chế chủ yếu trong hệ thống là GD phi chính quy, GD thường xuyên, liên thông ngày càng suy giảm vai trò trong bối cảnh GD đại học chính quy đang chịu một thách thức lớn về tuyển sinh.

Mặt khác, những cơ sở GDM trong hệ thống lâu nay đã không đáp ứng những tiêu chí căn bản của một trường “mở” như: nhập học mở, xây dựng tài liệu học tập mở (OER) và các lớp học mở trực tuyến lớn (MOOC)

“Cọc đi tìm trâu”

Hệ thống GD đại học hiện nay đã tạo điều kiện khá cởi mở cho người học. Cung đại học gần như đã vượt cầu ở nhiều địa phương và khu vực GD NCL đã khiến cho việc tiếp cận GDĐH không còn bị hạn chế như trước.

Chuyện “cọc đi tìm trâu” đã trở nên phổ biến, người học bây giờ đã “sướng” hơn ngày xưa rất nhiều, các tổ chức GD từ chính quy đến phi chính quy, công lập đến tư thục đều tạo mọi điều kiện, hình thức lôi kéo người học.

Mọi đối tượng có nhu cầu học tập, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp, địa vị XH, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo đều có cơ hội học tập như nhau.

Những hạn chế có lẽ chủ yếu vẫn là quy định của Bộ GD-ĐT về thời gian kéo dài tối đa để hoàn thành CTĐT chính quy bao gồm cả cử nhân và thạc sỹ.

Quy định cứng nhắc về giảng viên

Nguồn lực có lẽ là điểm hạn chế lớn nhất trong việc triển khai GDM những năm vừa qua.

Trong khi chúng ta rất cần sự tham gia của XH (các doanh nhân, các cán bộ kỹ thuật, các nhà quản lý …) vào việc duy trì và phát triển các bài giảng thực tiễn, các chương trình thực tập thực hành tại cơ sở, các mô đun được thực hiện không phải là trên ghế giảng đường mà là trong thực tế sản xuất kinh doanh và hoạt động XH thì chúng ta lại quá chặt chẽ và mang nặng tính hành chính trong việc xem xét việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS-PGS cho các giảng viên thỉnh giảng.

Những quy định cứng nhắc về số giảng viên cơ hữu cần thiết cho việc mở ngành đào tạo, cũng đã hạn chế việc Nhà trường huy động nhân lực XH có trình độ cho GDĐH. 49/80 trường đại học đã được kiểm định và công nhận chất lượng không đạt Tiêu chí 5.5 về số lượng giảng viên.

Về cơ sở vật chất, trong khi rất nhiều trường đại học (41/80 trường đại học đã được kiểm định và công nhận) không đạt tiêu chí 9.7 về diện tích mặt bằng; 19/80 trường không đạt Tiêu chí 9.5 về diện tích lớp học, ký túc xá, diện tích nhà ở, sinh hoạt .. cho SV thì Bộ GD-ĐT lại quy định việc triển khai các CTĐT chính quy chỉ được thực hiện trong khuôn viên Nhà trường.

Trong khi phần lớn các thư viện của các trường đại học là nghèo nàn (54/80 trường không đạt tiêu chí 9.1) thì chúng ta không đầu tư cho các OER mà ích lợi của nó đã được trình bày ở trên và các nước trên thế giới đang triển khai mạnh mẽ.

Về tài chính, Nhà nước không đủ tiền đầu tư cho GDĐH để xây dựng các trường ĐH lọt top 500 thế giới nhưng lại rất chậm trễ trong việc huy động vốn tài chính từ XH cho các trường đại học công lập.

Nhà nước thành lập 2 đại học “mở” nhưng không đầu tư và chỉ đạo thực hiện các yếu tố “mở” tại hai cơ sở GD này nên không có hiệu quả. Hai ĐH mở giờ này cũng giống như các trường đại học công lập khác.

Dễ dàng nhận thấy rằng, một số bộ phận đã chú trọng triển khai các thành tố GDM trong hệ thống GDĐH hoặc chủ động (ví dụ hệ thống KĐCLGD) hoặc bị động (hệ thống tuyển sinh) do cân bằng cung cầu chuyển dịch nhưng thiếu một sự kết nối và nhất quán trong chính sách và tổ chức thực hiện.

Phải chăng, đây chính là lý do: Vì sao việc xây dựng nền GDM không được triển khai mạnh mẽ theo mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được Nghị quyết 29 đề ra.

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm