"Phổ cập tiểu học" và những khoản thu vô tội vạ
Giáo dục tiểu học miễn phí nhiều khi kém ý nghĩa với những gia đình nghèo. Nguyên nhân là nạn dạy - học thêm tràn lan, mà dạy thêm thì làm gì có miễn phí. Bất bình đẳng xã hội tăng cao nảy sinh hiện tượng giáo viên lạm dụng học sinh…
Một trường tiểu học ở TPHCM, chưa tính khoản hội phí hội phụ huynh, phụ huynh phải đóng cho nhà trường trên 300.000đ, trong đó có khoản 120.000đ tiền học thêm ngày thứ Bảy. Ở một trường tiểu học khác, học lớp bán trú phải đóng đến 632.000đ, trong đó có cả tiền mua cờ, mua bảng đen, photo bài thi học kỳ... Ở một trường tiểu học khác nữa, ngoài học phí và cơ sở vật chất, còn thu thêm 12.000đ vệ sinh phí, 20.000đ nha khoa, 120.000đ quĩ phụ huynh HS, 11.000đ kiểm tra học kỳ...
Thậm chí có hiện tượng HS phải chi tiền một cách phi pháp để được nhập học, cùng các chi phí “ẩn” khác cho bữa ăn, đồng phục, dụng cụ giảng dạy cũng như những dịch vụ phụ trội như học thêm.
Có thể nào cứ để tiếp diễn năm này sang năm khác những khoản “phí” vô tội vạ này? Những khoản thu này vượt trội rất nhiều so với thu nhập của nhiều người lao động. Một phụ huynh đã từng than thở: “Bán vé số mỗi ngày chỉ được 40.000 đồng, làm sao lo nổi cho con ăn học (tiểu học)!”
Chúng ta cứ ra rả “phổ cập bậc tiểu học” mà cố tình quên rằng có rất nhiều người nghèo đang không biết làm cách nào để con em mình cũng được “tham gia phổ cập”.
Chính những khoản “phí” đó khiến nhiều HS phải bỏ học sớm. Được biết, viện trợ ODA, nhất là từ các định chế quốc tế, đã dành khá nhiều cho lĩnh vực giáo dục. Có khoản cho không, có khoản cho vay phải trả. Vậy thì, ít nhất với số tiền đó, nếu chưa xây dựng trường ốc chuẩn quốc gia xong, chưa soạn được chương trình học và thi tối ưu, chưa biên soạn được sách giáo khoa ít lỗi thì cũng để cho trẻ em đến trường khỏi đóng phí.
Không lấy làm lạ tại sao các nhà tài trợ quốc tế trong hội thảo về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010 của VN đã nhất tề khuyến cáo: “đẩy mạnh cải cách hơn nữa”, “cần quan tâm nhiều hơn đến những thách thức mà người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập”.
Thực tế thu phí “vô tội vạ” nêu trên đã được các tổ chức quốc tế đang hợp tác với VN ghi nhận, như trong một báo cáo của ông Jonathan Pincus, kinh tế gia cao cấp UNDP tại VN: “Mặc dù hầu hết trẻ em nghèo được miễn học phí, phụ huynh vẫn phải trả một loạt chi phí không chính thức ví dụ như phí xây dựng nhà trường, quĩ lớp, phí sao học bạ, điện, thậm chí nước uống”.
Liệu đây có phải là một trong bốn “món nợ” của ngành giáo dục, theo lời Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, gồm chất lượng giáo dục, thi cử nặng nề, quá tải và những tiêu cực tồn tại trong ngành, mà năm nay ông “nhất định sẽ phải trả”?
Sẽ không thừa thãi khi nhắc lại rằng theo cách gọi của các tổ chức quốc tế từ IMF, UNESCO đến Transparency International..., như thế gọi là “tham nhũng trong giáo dục”. Một khi nhìn nhận đó là tham nhũng mới có cơ may chống tệ nạn đó. Có xem đó là “tội” họa may mới có “vạ”, để chấm dứt cảnh vô tội vạ.
Theo Danh Đức
Tuổi trẻ