Phó Bí thư Cần Thơ: "Cần chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức học sinh"
(Dân trí) - "Các ngành, các cấp cần chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức và ý thức công dân", Phó bí thư Thường trực Cần Thơ nhấn mạnh.
Chiều 1/6, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế".
Theo báo cáo, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, ngành GD&ÐT của Cần Thơ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; mạng lưới trường, lớp và quy mô học sinh ở các bậc học, cấp học ngày càng tăng.
Ngành GD&ĐT Cần Thơ hiện có 14.480 viên chức, nhân viên. Tỷ lệ cán bộ quản lý đạt và vượt chuẩn là 100%. Tỷ lệ giáo viên trực tiếp giảng dạy từng cấp học đạt chuẩn về trình độ đào tạo khá cao, đa số đều có ý thức tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân đạt trên 97%; Cần Thơ có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, khu vực, quốc tế... Hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học phát triển mạnh, có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học trên địa bàn thành phố...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành GD&ĐT Cần Thơ còn một số tồn tại như công tác quản lý nhà nước về giáo dục còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số trường trên địa bàn chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên còn xảy ra, nhất là thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học ở những địa phương xa trung tâm TP; Vấn đề chạy theo thành tích vẫn còn xảy ra; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 trong thời gian tới, ông Phạm Văn Hiểu- Phó Bí thư Thường trực- Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ đề nghị các ngành, các cấp cần chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống cơ sở GD&ĐT.
Bên cạnh đó, cần chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác GD&ĐT. Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GD&ĐT trong công tác phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản GD&ĐT, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động GD&ĐT, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cũng như quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí lồng ghép các dự án, xã hội hóa để có nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác GD&ĐT, góp phần xây dựng và phát triển thành phố trở thành trung tâm GD&ĐT của vùng ĐBSCL.
Dịp này, có 12 tập thể, 13 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND TP Cần Thơ vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29.