Phát đề cương ôn tập "đừng kể với ai" ở lớp học thêm trước kỳ kiểm tra

Quang Trường

(Dân trí) - Giáo viên ngữ văn phát cho mỗi bạn ở lớp học thêm một bộ đề cương ôn tập kiểm tra học kỳ. Cô giáo không quên nhắc học sinh đừng kể với ai về bộ đề cương, không chia sẻ cho bạn nào ngoài lớp học thêm.

Có cơ hội "trúng tủ" đề thi khi đi học thêm

Học sinh tại nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào đợt kiểm tra học kỳ 1. Suốt từ đầu tháng 12, học sinh nhiều trường phải đối mặt với cơn "ác mộng" mang tên đề cương ôn tập.

Đáng nói, ngoài những đề cương được soạn cho lớp học chính khóa, nhiều giáo viên còn soạn riêng nội dung ôn tập cho lớp dạy thêm. Một số học sinh và phụ huynh cho rằng, việc này gây mất công bằng giữa học sinh được học thêm với những em còn lại.

Cứ gần đến các kỳ kiểm tra, em Nguyễn Việt Tiến - Học sinh lớp 11 tại Ninh Bình lại có tới 2 bộ đề cương cho mỗi môn toán, ngữ văn và tiếng Anh. Bộ tài liệu dày cộp được giáo viên phát trên lớp chính khóa, bộ mỏng hơn là của lớp học thêm.

Phát đề cương ôn tập đừng kể với ai ở lớp học thêm trước kỳ kiểm tra - 1

Hình ảnh một phần bộ đề cương ôn tập môn ngữ văn của Tiến (Ảnh: Q.T).

Theo Tiến, với đề cương chung, các em được ôn tập theo kiến thức tổng hợp và dàn trải xuyên suốt học kỳ, phải tự giải đề để học. Còn ở tài liệu được phát riêng, mỗi chủ đề sẽ được giáo viên chọn lọc một số nội dung để đưa vào, thầy cô giải đề cương chi tiết cho các em.

Từ đầu tháng này, giáo viên ngữ văn phát cho mỗi bạn trong lớp học thêm một bộ đề cương ôn tập, chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1. Cô giáo nhắc học sinh không được nói với ai về bộ đề cương này, không chia sẻ cho bạn nào ngoài lớp học thêm.

Bộ đề cương được chia thành các phần đọc hiểu và làm văn. Ở phần đọc hiểu, cô giáo yêu cầu học sinh làm kỹ những bài xác định phương thức biểu đạt, thể loại thơ, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận. Mỗi đề nghị luận xã hội được cô giải sẵn bằng nhiều dạng bài mẫu khác nhau. Ở phần làm văn, giáo viên đưa vào đề cương 5 tác phẩm cần ôn tập.

"Tài liệu ở lớp học thêm rất cô đọng, không dàn trải và nhiều đơn vị kiến thức như tài liệu chung trên lớp. Cô cũng nhắc chúng em bỏ qua tài liệu chính khóa, chỉ cần học theo đề cương học thêm là sát với trọng tâm đề thi. Nếu may mắn, văn bản trong đề cương có thể trùng với đề thi", Tiến nói.

Mấy ngày trước, cô lại giới hạn đề cương ôn tập thêm một lần nữa. Trong 5 tác phẩm đã được giao ôn tập, giáo viên chỉ "dạy đi, dạy lại" 2 tác phẩm "Chữ người tử tù" và "Hạnh phúc của một tang gia".

Văn mẫu cho các dạng câu hỏi đối với 2 tác phẩm này đã được cô cung cấp. Tiến thừa nhận mình đang học thuộc lòng đáp án để chuẩn bị đi thi.

Ở các kỳ kiểm tra trước, Tiến cũng được thầy cô dạy thêm giới hạn nội dung ôn tập theo cách đó. Có nhiều lần, ngữ liệu đề thi và đề cương ôn tập gần như giống nhau, nếu có khác thì chỉ thay đổi một chút về cách đặt câu hỏi.

Phát đề cương ôn tập đừng kể với ai ở lớp học thêm trước kỳ kiểm tra - 2
Đề cương ôn tập trước mỗi kỳ kiểm tra có thể tạo ra sự mất công bằng giữa học sinh học thêm và các bạn còn lại (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Anh Nguyễn Văn Nam (Hà Nội) có con gái đang học lớp 9 tiết lộ, trước mỗi bài kiểm tra, giáo viên dạy vật lý thường "mớm" đề cho lớp học thêm. Dù thầy không cho phép chia sẻ tài liệu ôn tập nhưng con vẫn lén cho các bạn khác mượn để photo, học thuộc. Vì vậy, các em có xu hướng chờ có đề cương mới lao vào học ngày, học đêm.

Theo anh Nam, không ít lần, con gái anh làm bài xong về khoe thầy giáo cho đề cương giống đề kiểm tra, con chỉ cần thay hoặc đảo một vài con số là làm được. Những bạn đi học thêm còn cho các bạn khác chép bài.

"Nhiều lần, thầy còn nhờ phụ huynh nhắc con không chia sẻ tài liệu bừa bãi như vậy. Lý do thầy nói là các bạn khác không học thêm mà vẫn có quyền lợi như những bạn đi học là không công bằng.

Không chấp nhận được những tiêu cực đó, tôi cho con nghỉ học thêm vật lý, từ chối vào đội tuyển học sinh giỏi môn này", anh Nam nói.

Anh Nam cho biết, với đề kiểm tra định kỳ, thầy sẽ soạn cho học sinh bộ tài liệu để khi làm bài, các em chỉ cần thay số, biến đổi công thức là có thể dễ dàng đạt trên 7 điểm. Đặc biệt, thầy chỉ dạy xoáy vào một số dạng bài gần như chắc chắn có trong đề kiểm tra. Đề cương ban đầu dày tới vài chục trang nhưng đến sát ngày kiểm tra, thầy giới hạn chỉ còn 3 trang.

Học sinh trên lớp chỉ được ôn tập theo chương trình chung chứ không được tiếp cận bộ tài liệu ngắn gọn đó. Với các bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên, học sinh đi học thêm còn được biết trước đề hoặc được hướng dẫn làm ngay trong giờ học thêm.

Cho con học thêm "lãi" mỗi điểm kiểm tra

Chị Vũ Thị Thủy (Hà Nội) - Giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm giáo dục ở Hà Nội, đang cho con học thêm môn ngữ văn với cả gia sư và giáo viên chính khóa. Chị cho con học với gia sư để được giáo dục về tư tưởng, tình cảm, rèn luyện cách ứng xử, còn học thêm với giáo viên chính khóa chỉ để đi thi.

Phát đề cương ôn tập đừng kể với ai ở lớp học thêm trước kỳ kiểm tra - 3
Giáo viên dặn học sinh đừng kể với ai về những bộ tài liệu được ưu ái soạn riêng cho lớp học thêm (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Chị Thủy và gia sư định hướng việc học văn của con không phải là học vẹt, học thuộc lòng. Tuy nhiên, theo chị, với cách ra đề như hiện nay, nếu không học theo văn mẫu, không "tủ" đề thì con rất khó có điểm cao. Để đảm bảo điểm số của con ở ngưỡng an toàn, chị buộc phải cho con học song song với 2 giáo viên, nhưng quan trọng hơn vẫn là việc học với gia sư.

"Con học thêm với giáo viên chính khóa chỉ "lãi" mỗi điểm kiểm tra. Bởi vì, học sinh lớp học thêm thường được cô giới hạn một số ngữ liệu nhất định, cho sẵn các dạng văn mẫu có tỷ lệ cao xuất hiện trong đề kiểm tra. Con tôi học theo tài liệu đó để làm bài kiểm tra. Xong xuôi, con lại quay về với gia sư, học theo đúng bản chất của văn chương", chị Thủy nói.

Vị phụ huynh này cho rằng, nếu chỉ học với gia sư, con khó có thể đáp ứng được cách kiểm tra, đánh giá của môn ngữ văn như hiện nay.

"Theo tôi, đề kiểm tra ngữ văn cần hạn chế sử dụng những ngữ liệu sẵn có trong sách giáo khoa. Cách chấm điểm phải khuyến khích học sinh sáng tạo, thể hiện những góc nhìn mới của mình. Đề thi nên có mục đích là đánh giá kỹ năng tự học, thái độ, tư tưởng và tình cảm của học sinh.

Khi đó, em nào học vẹt, sát ngày thi mới lo thuộc đề cương thì không thể có điểm cao. Đồng nghĩa với việc giáo viên không thể ưu ái "tủ" đề cho bất kỳ học sinh nào", chị Thủy khẳng định.

*Tên các nhân vật đã được thay đổi