Phát biểu khai giảng ý nghĩa của Hiệu trưởng ĐH Lâm Nghiệp: "Đừng trách cha mẹ nghèo"
(Dân trí) - “Đừng trách cha mẹ mình nghèo, nếu tương lai của chính mình nghèo khó mới là điều đáng trách…”, GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp đã có bài phát biểu Lễ khai giảng với nhiều nhắn nhủ sâu sắc tới các tân sinh viên.
Tối ngày 20/9, Trường ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018, chào đón khóa 63 hệ chính quy niên khóa (2018 - 2022).
Trong phần phát biểu khai mạc, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng nhà trường đã có bài phát biểu sâu sắc bàn về vai trò của người thầy, về bước tiến đến bình đẳng bằng giáo dục, về tương lai vận mệnh của dân tộc mà thế hệ trẻ gánh vác trong bối cảnh công nghệ số đang dần ngự trị toàn cầu.
Đừng thuần túy hướng con người chỉ biết tập trung vào bộ não
Kính thưa quý vị! Các em học sinh, sinh viên thân mến!
Hôm nay tại diễn đàn này, tôi muốn nói đôi lời với các thầy cô giáo, cán bộ viên chức và học sinh sinh viên.
Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho các thế hệ tương lai. Tago – nhà hiền triết và thi hào Ấn Độ đã viết: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được cả một thế hệ”.
Dẫu rằng người thầy không phải là tất cả, nhưng đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò quyết định trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta đừng thuần túy hướng con người chỉ biết tập trung vào bộ não, mà đồng thời phải dạy cho họ có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Coi thầy giáo là ông chở đò đã chưa chuẩn nhưng nếu coi thầy giáo là một ông bán chữ sẽ rất nguy hại. Nói điều này, để chúng ta ý thức về trọng trách và vinh dự của nghề giáo, để mỗi cán bộ, sinh viên nhận thức rằng, chính chúng ta là những người sáng tạo, những người vị tha và gieo mầm cho sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình.
Các em học sinh, sinh viên thân mến!
Vận hội và tương lai của một dân tộc phải tự quyết bằng dân tộc đó. Đừng ảo tưởng sự giúp đỡ của nước ngoài... Thấy nước nghèo thì chung tay làm cho nước khá hơn, chứ chỉ ngồi kêu ca cũng chẳng ích gì.
“Đừng trách cha mẹ mình nghèo, nếu tương lai của chính mình nghèo khó mới là điều đáng trách; đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc thân yêu. Trong thời đại ngày nay, thiếu đi học vấn, thiếu đi tri thức và thiếu đi khả năng làm việc sáng tạo thì khó có thể vươn lên. Giáo dục là cách duy nhất để đem lại bình đẳng cho mọi người”, GS.TS Trần Văn Chứ nhắn nhủ các tân sinh viên.
Cần một thế hệ trẻ nói được, làm được…
Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cũng nêu rõ: “Hiện nay công nghệ số đang ngự trị toàn cầu, len lỏi vào từng hoạt động của mỗi con người, thậm chí chi phối cả về cách nghĩ của từng người, có thể chế ngự cả cảm xúc. Thời đại công nghệ số, thậm chí thầm lặng đẩy con người ra khỏi vị trí công việc, tước đi quyền lao động, tay vào đó là những thiết bị tự động hóa, những robot; nhưng chủ nhân của những cỗ máy đó không ai khác là con người, những người tạo ra trí tuệ từ trí tuệ của chính họ”.
Ông nói với các sinh viên: “Chúng ta sẽ là chủ nhân hay là những người thất nghiệp, người bị người khác lập trình? Đây là câu hỏi thời đại đặt ra cho thế hệ hôm nay”.
Theo đó, từ nhận thức đến hành động có khoảng cách, cách rút ngắn tối ưu chỉ dành cho những người thông minh, bản lĩnh và chân chính, và các em sinh viên là những người như thế. Muốn làm được việc đó mỗi sinh viên cần có nền tảng tri thức, phương pháp làm việc khoa học, có cách thức khơi dậy những giá trị, khát vọng cho người khác để họ sáng tạo trong tương lai.
Vì vậy, các em cần chăm chỉ học tập, nghiên cứu, tu dưỡng, tìm hiểu thực tiến và tham gia các hoạt động khác, dám phiêu lưu, biết dành thời gian cho bổn phận và cho tình yêu thương để mai này không nuối tiếc. Xã hội hiện đại cần những người nói được thì làm được, chứ không phải chỉ nói giỏi mà chẳng biết làm gì.
Tình cảm lớn lao và niềm tin vững chãi, các thầy, các cô luôn dành cho các em. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để cá em học tập, rèn luyện phấn đấu; các em đã đặt niềm tin vào Nhà trường, Nhà trường sẽ nỗ lực hết sức vì tương lai của các em. Các em hãy bắt đầu với những ước mơ, Nhà trường sẽ giúp đỡ, đồng hành và tạo lập sự thành công của các em trên con đường khởi nghiệp. Đó là việc làm có ý nghĩa nhất, thiết thực nhất để báo hiếu với bố mẹ, với gia đình các em và góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào cho các thầy cô giáo.
“Nhiệt liệt chào mừng và chúc mừng các tân sinh viên, chúc các em có một khởi đầu sự nghiệp thật tốt đẹp, luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, học tập và tu dưỡng rèn luyện thật tốt, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân tốt, những trí thức và chủ nhân thật sự của đất nước trong tương lai”, GS. TS Trần Văn Chứ kết lại.
Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo nhà trường đã trao học bổng khuyến học cho 3 tân sinh viên đạt điểm đầu vào xuất sắc gồm: Thủ khoa Lương Lô Minh Hiếu (Lớp 63A Quản trị du lịch và lữ hành, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh), Á khoa Bùi Thị Huyền Trang (Lớp 63A Kế toán, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh) và Á khoa Nguyễn Việt Long (Lớp 63 Quản lý tài nguyên thiên nhiên, chương trình tiên tiến, Khoa quản lý tài nguyên rừng và môi trường).
Lệ Thu