Phần Lan đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu

(Dân trí) -Phần Lan là nước đứng đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu được công bố bởi công ty giáo dục Pearson, tiếp đó là Hàn Quốc. Bảng xếp hạng này kết hợp các kết quả của các cuộc thi quốc tế và các dữ liệu như tỷ lệ tốt nghiệp từ năm 2006 đến năm 2010.

Theo ông Michael Barber, cố vấn trưởng về giáo dục của công ty Pearson, các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng đã cung cấp cho giáo viên một vị thế cao và có một nền "văn hóa" giáo dục.

Theo BBC, so sánh quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đã trở nên ngày càng quan trọng và bảng xếp hạng mới nhất được dựa trên một loạt các kết quả của các cuộc thi quốc tế kết hợp với các thước đó khác của hệ thống giáo dục, chẳng hạn như số lượng người đi học đại học.
 
Hai siêu cường giáo dục Phần Lan và Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng, theo sau bởi ba hệ thống giáo dục châu Á có hiệu suất cao gồm Hong Kong, Nhật Bản và Singapore.
 
Phần Lan và Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu.
Phần Lan và Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu. Trong ảnh: Các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc đang cầu nguyện cho con làm bài thi tốt. (Ảnh: BBC)

Hệ thống giáo dục của vương quốc Anh được xếp hạng thứ sáu, đứng đầu của một nhóm trên mức trung bình bao gồm Hà Lan, New Zealand, Canada và Ireland. Nhóm này đứng trước nhóm hạng trung bao gồm Mỹ, Đức và Pháp. Ở cuối bảng xếp hạng là Mexico, Brazil và Indonesia.
 

Top 20 nước trong bảng xếp hạng

 
1. Phần Lan

2. Hàn Quốc

3. Hong Kong

4. Nhật Bản

5. Singapore

6. Anh

7. Hà Lan

8. New Zealand

9. Thụy Sĩ

10. Canada

11. Ireland

12. Đan Mạch

13. Australia

14. Ba Lan

15. Đức

16. Bỉ

17. Mỹ

18. Hungary

19. Slovakia

20. Nga

Những so sánh dựa trên các cuộc kiểm tra được thực hiện một lần trong ba hoặc bốn năm, trong các lĩnh vực như khoa học, toán học và xóa mù chữ. Mục đích của xếp hạng là cung cấp một cái nhìn đa chiều hơn về thành tích giáo dục và tạo ra một ngân hàng dữ liệu sẽ được cập nhật.


Nhìn vào các hệ thống giáo dục đứng đầu bảng xếp hạng, nghiên cứu kết luận rằng việc chi tiêu cho giáo dục là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc có một nền văn hóa hỗ trợ việc học tập.

Theo đó, việc chi tiêu cho giáo dục thì dễ dàng hơn để đo lường, nhưng các tác động phức tạp hơn về thái độ của xã hội đối với giáo dục có thể tạo ra một sự khác biệt lớn.

Sự thành công của các nước châu Á trong các bảng xếp hạng phản ánh giá trị cao gắn liền với giáo dục và sự mong đợi của các bậc cha mẹ. Theo báo cáo kèm theo bảng xếp hạng, điều này có thể tiếp tục là một yếu tố khi gia đình di cư sang các nước khác.
 
Nhìn hai nước đứng đầu bảng xếp hạng là Phần Lan và Hàn Quốc, báo cáo cho biết có sự khác biệt lớn, nhưng các yếu tố phổ biến là một niềm tin được chia sẻ trong xã hội về tầm quan trọng của giáo dục và "mục tiêu đạo đức cơ bản".

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo viên chất lượng cao và việc cần phải tìm cách để tuyển dụng những giáo viên tốt nhất. Điều này có thể liên quan đến vị thế của giáo viên và sự tôn trọng nghề nghiệp cũng như mức lương. Bảng xếp hạng cho thấy rằng không có mối liên hệ rõ ràng giữa lương tương đối cao hơn và hiệu suất cao hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy có những hậu quả kinh tế trực tiếp của hệ thống giáo dục có hiệu suất cao và thấp, đặc biệt là trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, dựa trên các kỹ năng.

Xuân Vũ
Theo BBC
Dòng sự kiện: Cải cách giáo dục