"Phải chọn ngành, chọn trường giúp sinh viên có nghề nuôi sống bản thân"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, điều quan trọng nhất với mỗi sinh viên là nắm vững được nghề khi ra trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và có thu nhập nuôi sống bản thân.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, một hành trình mới đang chờ đợi phía trước mang tính quyết định tương lai từng thí sinh, nhất là nhóm sinh năm 2006. Câu hỏi "Lựa chọn ngành nghề, trường học để bước vào đời?" là thắc mắc chính đáng của học sinh, gia đình.

Có mặt trong tọa đàm "2K6 chọn ngành, chọn trường như thế nào để có việc làm" do báo Dân trí phối hợp cùng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức mới đây, ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, bà Nguyễn Thị Kim Phương - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và anh Nguyễn Bảo Long - Trưởng phòng Phát triển cộng đồng và quan hệ đối tác, Công ty cổ phần TopCV Việt Nam đã có những tư vấn bổ ích cho thí sinh năm 2006 trước quyết định quan trọng về chọn trường, ngành. Qua đó tăng cơ hội gia nhập thị trường việc làm và đạt mức thu nhập như mong muốn.

Tư vấn thí sinh 2006 chọn ngành, chọn trường để có việc làm

Ngành "hot" và yếu tố quyết định lựa chọn của tân sinh viên

Dẫn báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2024 và báo cáo xu hướng lao động của Tổ chức lao động thế giới, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng những ngành như digital marketing, digital content, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, ngành nông nghiệp, sinh học, chip và bán dẫn đang và sẽ gây sốt (hot) trong tương lai, hay những ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là để phòng bệnh, sẽ rất phát triển.

Phải chọn ngành, chọn trường giúp sinh viên có nghề nuôi sống bản thân - 1

Ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT (Ảnh: Thành Đông).

Đồng tình với nhận định trên, anh Nguyễn Bảo Long cho hay Việt Nam đang đón làn sóng FDI lớn nên có nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến khối ngành sản xuất. "Đó là những khối ngành mà TopCV tin rằng hiện đã hot và 3-4 năm tới có nhu cầu rất lớn", đại diện từ TopCV chia sẻ.

Thực tế tuyển sinh cũng cho thấy sự dịch chuyển này. Theo bà Kim Phương, 3 ngành có số lượng sinh viên theo học đông nhất của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic là thiết kế đồ họa, digital marketing và công nghệ thông tin,

"Chúng tôi cũng đang đào tạo ngành điện - cơ khí, tự động hóa, du lịch, khách sạn và làm đẹp. Các ngành này nhận được sự quan tâm từ sinh viên và phản hồi rất tốt từ thị trường. Vài năm trở lại đây, chúng tôi liên tục mở mới các ngành, chuyên ngành như xử lý dữ liệu, logistics, lập trình game… và sắp tới có ngành dược, chip bán dẫn - những ngành hiện rất nổi bật".

Trước câu hỏi học sinh có nên lựa chọn ngành học dựa trên xu hướng hot, ông Hoàng Nam Tiến đưa ra 4 yếu tố để thí sinh 2K6 cân nhắc, gồm đam mê, năng lực, mức độ cần của xã hội và thu nhập.

"Nếu coi đó là 4 vòng tròn thì lựa chọn khiến chúng càng trùng nhau bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu. Các bạn hãy nghiêm túc học để có nghề, để kiếm được tiền nuôi sống bản thân, trưởng thành, phát triển. Lúc đó những điều chúng ta đam mê, mơ ước sẽ đến với chúng ta", ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Dưới góc độ nhà tuyển dụng, anh Bảo Long nhấn mạnh thí sinh không nên quá đặt trọng tâm vào nghề hot. Thay vào đó, các bạn cần trang bị kiến thức và kỹ năng, là nền tảng cho một CV thu hút nhà tuyển dụng.

"Điều cốt lõi là các bạn có năng lực hành nghề để đi làm ở doanh nghiệp hay không, dựa trên 3 yếu tố quan trọng hàng đầu là kinh nghiệm làm việc, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Thứ 4 mới là học vấn", anh Long đưa ra lời khuyên.

Phải chọn ngành, chọn trường giúp sinh viên có nghề nuôi sống bản thân - 2

Anh Nguyễn Bảo Long nhấn mạnh kinh nghiệm làm việc là yếu tố quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp quyết định tuyển dụng ứng viên (Ảnh: Thành Đông).

Với sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, kiến thức nghề và kiến thức thực tiễn chắc chắn tạo lợi thế cho sinh viên khi ra trường. Chương trình đào tạo thiết kế theo dự án thực tiễn, đưa các bài toán của doanh nghiệp vào trong từng bài giảng, giao cho sinh viên làm việc theo nhóm xuyên suốt từ học kỳ 2 đến học kỳ cuối.

"Các bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp và thị trường việc làm trong 2 năm học, qua hoạt động tham quan doanh nghiệp, kết nối thực tập và việc làm. Điểm cuối cùng là kỹ năng mềm bao gồm bộ kỹ năng học tập, kỹ năng phát triển bản thân và kỹ năng làm việc để dễ dàng hòa nhập, thích nghi và bứt phá trong môi trường nhiều cạnh tranh, nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Nhờ đó, 97,7% sinh viên của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic có việc làm ngay trong năm đầu ra trường", bà Phương nhấn mạnh.

Học để có nghề và có thu nhập tốt

Theo ông Hoàng Nam Tiến, tại các nước phát triển nhất thế giới như Mỹ, Đức, hay gần với Việt Nam có Singapore, Úc, sự phân luồng thị trường rất rõ rệt.

"Đâu đó 50% muốn đi học đại học là có 50% có xu hướng đi học nghề và như vậy xã hội của họ tương đối cân bằng. Còn chúng ta, nhìn thấy rất rõ, tỷ lệ các bạn tốt nghiệp đại học làm đúng nghề rất ít. Theo thống kê, 40% sinh viên mới ra trường đã làm sai nghề", ông Tiến dẫn chứng.

Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cũng chỉ ra, tâm lý nhất định phải học đại học, dù trường đó chỉ đào tạo trái ngành, với suy nghĩ bằng cấp cao hơn còn tồn tại ở nhiều phụ huynh và cần phải thay đổi.

"Trao con mình một cái nghề mới là quan trọng, giống như chuyện cho con cá hay cho cần câu. Điều đó cũng góp phần tạo ra sự ổn định và phát triển của xã hội. Ở FPT Polytechnic, chúng tôi rất tự hào sinh viên cao đẳng ra trường sẽ có việc làm và đủ nuôi sống bản thân", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đại diện TopCV tư vấn các bạn trẻ, phụ huynh nên ưu tiên lựa chọn ngôi trường có nhiều kỳ thực tập để sinh viên va chạm thực tế, tích lũy kinh nghiệm làm việc, đồng thời sở hữu mạng lưới doanh nghiệp đối tác bền vững để từ đó tạo thuận lợi cho đầu ra.

Phải chọn ngành, chọn trường giúp sinh viên có nghề nuôi sống bản thân - 3

"97,7% sinh viên của Cao đẳng FPT Polytechnic có việc làm ngay trong năm đầu ra trường" - bà Kim Phương cho hay (Ảnh: Thành Đông).

Với triết lý "thực học - thực nghiệp", Trường Cao đẳng FPT Polytechnic nỗ lực để đào tạo cho sinh viên một nghề nghiệp vững chắc, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.

Trường đang xây dựng biểu học phí cho thí sinh nhập học ở Hà Nội và TPHCM chưa đến 80 triệu đồng cho toàn khóa học (2 năm, 6 học kỳ). Các cơ sở còn lại áp dụng mức 80% học phí chuẩn.

"Mức học phí này khá phù hợp với người Việt để đầu tư cho các em có được nghề tốt và sống được với nghề. Trong năm 2024, trường có các loại học bổng cho các bạn 2K6, như học bổng 'Thắp sáng tương lai' với mức hỗ trợ 10-70% học phí toàn khóa học; học bổng Phát triển nguồn nhân lực địa phương ở mức 50% trong năm đầu tiên, áp dụng tại 3 cơ sở là Thanh Hóa, Hà Nam và Thái Nguyên", bà Nguyễn Thị Kim Phương cho hay.

Phải chọn ngành, chọn trường giúp sinh viên có nghề nuôi sống bản thân - 4

Buổi tọa đàm thu hút nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh gửi câu hỏi đến các diễn giả (Ảnh: Thành Đông).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm