Ông giáo làng nghiệp dư
Không được đào tạo để trở thành nhà giáo, cũng không có bất kỳ chứng chỉ sư phạm nào. Vậy mà hơn chục năm qua, bằng sự hiểu biết, kinh nghiệm và tình yêu với lớp trẻ, ông Nguyễn Xuân Điền ở xã Đình Cao (Phù Cừ, Hưng Yên) đã ôn thi ĐH cho hàng ngàn học sinh.
Trong số những học trò được ông Điền ôn thi, nhiều em đã công thành danh toại. Đến Phù Cừ hỏi nhà ông Điền, dân trong huyện không ai không biết, họ kính trọng gọi ông là “thầy Điền” dạy chữ.
Vừa bước đến cổng nhà, chúng tôi đã nghe tiếng giảng bài của người đàn ông ngoại ngũ tuần. Dáng người cao gầy, mái tóc điểm bạc, mặt vẫn bám bụi phấn, ông kể về chuyện đời chuyện nghề, về cái duyên đứng trên bục giảng và cũng là tấm lòng dành cho học sinh vùng quê.
Ông Nguyễn Xuân Điền sinh năm 1959, ngay từ nhỏ đã rất ham học. Sau này ông làm việc trong một công ty may ở Hưng Yên. Công việc bận bịu nên ít có thời gian kèm con học. Đến khi đứa con trai út của ông sắp thi vào lớp 10, ông kiểm tra mới biết kiến thức bị trống quá nhiều. Từ đó, ông sắp xếp thời gian kèm con học. Bốn tháng sau, con ông thi đỗ vào lớp 10 với điểm số gần như tuyệt đối. Thấy bố mình dạy dễ hiểu, cậu con út rủ mấy anh em trong họ đến học cùng. Cứ như thế, ông kèm chúng suốt từ lớp 10 cho đến lúc ôn thi đại học.
Năm 2000, cả làng ngỡ ngàng khi cả bốn đứa con, cháu ông dạy đều đỗ đại học. Từ đó, phụ huynh trong làng rồi trong xã dẫn con em mình đến nhờ ông dạy. Cứ thế, sau hàng chục năm với phận thầy giáo làng nghiệp dư, ông đã dạy cho hàng ngàn con em học sinh nông dân xa gần.
Năm học 2003, lớp ông dạy có đến trên 30 em đỗ đại học. Tiếng lành đồn xa, có học sinh tận Sơn La, Lai Châu, thậm chí cả Đồng Nai, Bình Phước cũng lặn lội tìm đến với ông. Đình Cao trước đây vốn là “làng nghèo chữ”, còn bây giờ đã thành làng hiếu học bởi có nhiều em đỗ đạt. Họ khẳng định, công ấy thuộc về thầy Điền.
Khi hỏi về số học sinh do ông ôn luyện thi đỗ đại học, ông nhẩm tính sơ sơ cũng đến gần 500 em. Trong số đó, không ít học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi, như Trần Văn Điệp (quê ở Quảng Ninh) thi được 28 điểm vào trường Học viện Kỹ thuật quân sự; Nguyễn Trung Tín được 29 điểm vào Đại học GTVT...
Những năm 2006 - 2007, ông phải dạy liền hai ca sáng và chiều. Nhiều khi các em chưa hiểu hết bài tập, buổi tối ông lại vui vẻ đứng lớp giảng cho đến khi các em hiểu hết vấn đề mới thôi. Bây giờ sức khỏe cũng yếu đi nhiều nên ông chỉ có thể dạy một lớp với 30 em. Nhưng ông khẳng định: “Tình yêu và lòng nhiệt tình dành cho các em thì chưa bao giờ cạn”.
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong ngần ấy năm làm thầy giáo làng là vào năm 2005, em Lò Văn Quân ở Bắc Kạn, nhà nghèo bố mất sớm nhưng ham học. Em xin mẹ xuống xuôi học thầy Điền được ba tháng thì hết tiền sinh hoạt. Thấy em gia cảnh khó khăn lại chịu khó nên ông khuyên cố gắng ở lại, tiền ăn ở học hành sẽ do thầy tài trợ. Công sức của hai thầy trò được đền đáp khi Quân thi đỗ vào trường Đại học GTVT với số điểm khá cao. Giờ Quân nhận thầy Điền làm bố nuôi và thường xuyên về Hưng Yên thăm thầy.
Theo đánh giá của thầy Điền, đề thi đại học qua các năm hầu hết là kiến thức trong sách giáo khoa, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản thì các em có thể đạt 7 - 8 điểm/môn là chuyện bình thường. Phương pháp dạy của ông là truyền đạt cho học sinh những kiến thức cơ bản, từ đó vận dụng để giải các bài tập từ đơn giản đến phức tạp. Cứ học hết một khóa, ông lại cho các em thi thử để đánh giá năng lực học tập của từng em. Sau đó phân loại, đưa ra lời khuyên để các em lựa chọn trường cho phù hợp.
Thầy Điền chia sẻ, các em nên căn cứ vào lực học của mình cũng như năng khiếu với ngành mình mơ ước để đăng ký thi đại học. Hiện có tình trạng nhiều em đua nhau lên thành phố vào lò luyện thi. Lớp đông, phòng chật mà thời gian luyện thi gấp rút sẽ khó đạt được kết quả. Bởi vậy học sinh nên nắm chắc kiến thức cơ bản và tự ôn luyện theo phương pháp khoa học.
Theo CATPHCM