Ông giáo già say mê làm khuyến học

(Dân trí) - Hơn 60 tuổi và có 32 năm gắn bó với sự người trồng người, thầy giáo Ngô Ngọc Hoàn chưa một phút nghỉ ngơi. Về hưu, thầy tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài tại quê hương.

Lập thư viện với hơn 10.000 cuốn sách

Với người dân xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa không ai là không biết đến thầy Ngô Ngọc Hoàn. Hôm chúng tôi đến thăm, trong căn nhà đơn sơ tại thôn 5, thầy đang viết báo cáo tổng kết hoạt động khuyến học của xã Quảng Vọng nhiệm kỳ 2006 - 2010. Gặp chúng tô,i thầy Hoàn rất vui và phấn khởi khi được kể về những niềm vui, sự khó khăn, vất vả trong sự nghiệp trồng người và hoạt động khuyến học tại xã nhà.

Tốt nghiệp Trường Sư phạm cấp 1 Thanh Hóa năm 1959, thầy Hoàn được điều về dạy tại Trường cấp 1 Quảng Vọng. Do có nhiều thành tích và cố gắng trong công tác nên năm 1961, thầy được cử đi học lớp Sư Phạm 7+2 tại Thanh Hóa rồi về dạy Trường cấp 2 Quảng Vọng.
 
Ông giáo già say mê làm khuyến học - 1
 Tuổi cao nhưng thầy Hoàn say mê với công tác khuyến học xã nhà.

Suốt 6 năm công tác, thầy đã đạt nhiều thành tích cao như nhiều năm liền được tỉnh và Bộ giáo dục cấp bằng khen. Từ ngày Hội khuyến học chưa thành lập, thầy đã tổ chức các hoạt động, phong trào để động viên, khuyến khích thầy cô giáo, học sinh cố gắng phấn dạy tốt, học tốt. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn nhưng thầy Hoàn đã mạnh dạn đầu tư, vận động mọi người ủng hộ để xây dựng thư viện với hơn 10.000 cuốn sách giáo khoa tại trường cho học sinh, thầy cô giáo và người dân trong xã mượn.

Chia sẻ với Dân trí, thầy Hoàn tâm sự: ‘Tôi thiết nghĩ, thầy cô giáo không có sách để phục vụ cho bài giảng, học sinh không có sách để học bài, bởi kinh tế lúc bấy giờ quá khó khăn. Tôi quyết định cho xây dựng thư viện sách giáo khoa với sự góp sức của nhân dân trong toàn xã. Từ đó, năm nào trường cũng có từ 95 đến 96% học sinh thi đậu tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh giỏi tăng lên trông thấy, chất lượng giảng dạy cũng được nâng cao”.

Vào các buổi tối, thầy còn tổ chức các buổi “nói chuyện văn học” cho người dân trong xã nghe. Các câu chuyện văn học được kể tùy theo yêu cầu của người dân nên thu hút được đông đảo mọi người tham gia.

Còn sức còn làm khuyến học

Năm 2000, Hội Khuyến học xã Quảng Vọng được thành lập. Thầy nghỉ hưu và được mời về làm chủ tịch Hội Khuyến học xã. Bước đầu vào công việc thầy Hoàn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi Quảng Vọng là một vùng quê nghèo của huyện Quảng Xương. Cái ăn còn thiếu nên phụ huynh không mấy mặn mà với việc học của con cái. Mặt khác, lúc bấy giờ từ “khuyến học” với người dân là rất mới mẻ và xa lạ nên việc vận động họ cùng tham gia là điều rất khó.

Nhưng với tinh thần “còn sức thì còn làm” và lòng nhiệt huyết vì công việc mà từ những con số không, thầy Hoàn đã lập nên những kì tích. Đến năm 2010 đã có gần 1000 hội viên trong xã, hơn 600 hội viên thuộc các chi hội Cựu chiến binh, dòng họ, Hội Phụ nữ tham gia làm khuyến học. Tổng số quỹ của xã hiện nay đã có gần 50 triệu đồng, chưa kể dòng họ và quỹ từ thiện.

Trong thôn có rất nhiều học sinh đi học đại học. Tiêu biểu như thôn 5 có 18 gia đình nhưng có đến 28 em học đại học. Để động viên, khích lệ thầy và trò, hàng năm Hội Khuyến học xã luôn có những món quà dành cho thầy cô giáo dạy giỏi, học sinh giỏi, học sinh đậu ĐH, CĐ và học sinh có thành tích cao trong các kì thi huyện, tỉnh. Tổng số tiền thưởng hàng năm từ 6,5 - 7,5 triệu đồng, các dòng họ, chi hội, đoàn thể từ 15 - 20 triệu đồng.

Nhờ có phong trào khuyến học khuyến tài mà số học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và số học sinh đậu đại học tăng cao. Tính đến năm 2010 đã có 352 học sinh đậu từ ĐH, CĐ, TCCN, riêng ĐH đậu 172 em.Có những gia đình có đến 4 em học ĐH như gia đình anh Đắc, thôn 7, gia đình cô Nguyễn Thị Thuận thôn 5...

Dù trời nắng hay mưa, nghe tin có học sinh nào ốm là thầy lại đến tận nhà hỏi thăm, động viên. Hay những học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo là thầy lại đến vận động, trích tiền quỹ mua sách vở, quần áo cho các em tiếp tục đến trường. Vì vậy, từ khi thầy làm khuyến học dường như không còn tình trạng học sinh bỏ học.

Mùa đông đến, thầy Hoàn nghe các thầy cô giáo phản ánh có nhiều học sinh không có quần áo ấm mặc đi học. Thầy bắt đầu vận động quỹ từ thiện từ những con em xa quê hương và mua được 43 chiếc áo ấm, 310 quyển vở, và hơn 1 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó. Ngoài ra, nhiều em còn được hưởng học bổng Doãn Tới, Lê Viết Ly...

Đặc biệt, tiếp nối phong trào “Tiếng trống khuyến học” có từ khi Hội Khuyến học xã chưa thành lập, thầy Hoàn tiếp tục phát triển phong trào này theo nguyên tắc cứ tiếng trống vang lên là mọi gia đình lại nhắc nhở con em ngồi vào bàn học bài. Không yên tâm, vào buổi tối, thầy lọ mọ trên chiếc xe đạp đến từng hộ gia đình kiểm tra, động viên các cháu học bài. Có học sinh nào bị thầy cô phản ánh là lười học là thầy lại đến khuyên bảo, kèm cặp.

Ghi nhận những đóng góp và thành tích của thầy Hoàn trong phong trào khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng bằng khen cho thầy năm 2008 và được UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2007.

Chia tay chúng tôi, thầy Hoàn tân sự: “Tôi không biết đến khi nào cái tuổi già sẽ cướp đi khả năng được lao động, được cống hiến công sức của mình cho quê hương. Vì thế, tôi rất mong các thế hệ con cháu đời sau sẽ tiếp tục phấn đấu, phát huy hơn nữa thành quả cho người đi trước, đưa phong trào khuyến học khuyến tài xã Quảng Vọng nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nó phát triển sâu rộng, để “nhà nhà, người người làm khuyến học”.

Lan Anh - Duy Tuyên