Ôn thi tốt nghiệp THPT: Môn Địa lí "học tủ" sẽ trượt, nên lập sơ đồ tư duy
(Dân trí) - Trong giai đoạn ôn thi "nước rút", học sinh cần nắm vững kiến thức và các kĩ năng địa lí để đạt kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp THPT.
Thầy Nguyễn Mạnh Hà - Giáo viên môn Địa lí tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI lưu ý những kiến thức quan trọng và đưa ra một số lời khuyên giúp các em học sinh có định hướng ôn tập hiệu quả.
Kiến thức trọng tâm cần nhớ
Căn cứ vào đề tham khảo môn Địa lí thi tốt nghiệp THPT 2021 do Bộ Giáo Dục và Đào tạo công bố, thầy Hà nhận định: Những kiến thức ở mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm 60%, ở mức độ vận dụng và vận dụng cao chiếm 40%.
Theo đó, nội dung kiến thức nằm chủ yếu trong chương trình của lớp 12 (chiếm 95%), chương trình lớp 11 (chiếm 5%). Cấu trúc đề thi được phân bổ như sau: phần Địa lí tự nhiên (chiếm 4 câu); phần Địa lí dân cư (chiếm 2 câu); phần Địa lí các ngành kinh tế (chiếm 7 câu); phần Địa lí các vùng kinh tế (chiếm 7 câu); phần Vấn đề Biển đảo (chiếm 1 câu) và phần kĩ năng Địa lí (chiếm 19 câu). Trong đó, Atlat địa lí Việt Nam (chiếm 15 câu), Bảng số liệu thống kê (chiếm 1 câu - thuộc chương trình lớp 11) và Kĩ năng biểu đồ (chiếm 3 câu gồm: xét biểu đồ 2 câu, nhận dạng biểu đồ 1 câu).
Để có thể đạt kết quả tốt nhất, thầy Hà cho biết học sinh nên củng cố các kiến thức trong nội dung của chương trình một cách có hệ thống, lập kế hoạch ôn tập cụ thể, ôn tập thường xuyên.
Cụ thể, học sinh nên đọc kĩ lại những kiến thức có trong sách giáo khoa, đồng thời có thể khai thác thêm các kiến thức trên Internet, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Bên cạnh đó, các em nên chủ động luyện nhiều đề thi vì việc tự luyện sẽ góp phần làm ta nhớ kiến thức, rút kinh nghiệm những lỗi sai thường gặp.
Phương pháp ôn tập để giành điểm cao môn Địa lí
Về kiến thức, thầy Hà khuyên các em học sinh nên nắm vững nội dung kiến thức theo chuẩn kiến thức được Bộ giáo dục quy định. Bởi lẽ, kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia thi theo hình thức trắc nghiệm, kiến thức rộng phủ khắp toàn bộ chương trình nên cần bám chuẩn kiến thức để ôn tập, đặc biệt cần tránh "học tủ".
Về kĩ năng, học sinh nên trau dồi thường xuyên các kĩ năng địa lí như: phân tích bảng số liệu thống kê, biểu đồ, sử dụng Atlat địa lí Việt Nam.
"Các em cần đặc biệt chú ý đến các câu hỏi liên quan đến kĩ năng địa lí vì chiếm tỉ lệ điểm khá lớn. Các câu hỏi này đã trở thành kĩ năng trong quá trình ôn tập không phải mất thời gian học nhiều. Việc các em làm tốt các câu hỏi kĩ năng còn là cơ sở để làm tốt các câu hỏi kiểm tra kiến thức trong chương trình học", thầy Hà nhắc nhở.
Muốn làm được điều đó, các em cần học sinh nắm vững các cách giải quyết các bài tập kĩ năng địa lí bao gồm: Nắm chắc dấu hiện nhận dạng các loại biểu đồ; cách phân tích một bảng số liệu thống kê và cách sử dụng Atlat địa lí Việt Nam. Để sử dụng được Atlat hiệu quả học sinh cần nắm vững các phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí, các kí hiệu trên Atlat và mối quan hệ giữa các đối tượng trên Atlat.
Ngoài ra, thầy Hà cũng chia sẻ một số lời khuyên giúp các em có kế hoạch ôn tập và nghỉ ngơi hợp lí. Theo đó, khoảng thời gian trước kì thi các em hãy hệ thống hóa kiến thức (lập bảng, lập sơ đồ tư duy...).
Khi gần đến ngày thi các em có thể vừa học vừa chơi để thư giãn, giảm áp lực và giữ cho tâm lý ổn định, thoải mái. Bên cạnh đó, các em cần có chế độ ăn uống đủ chất để đảm bảo sức khỏe, tự lên cho mình kế hoạch ôn tập khoa học và không thức quá khuya.
Trong quá trình làm bài thi, các em học sinh cần chú ý phân bố thời gian hợp lí. Trước khi bắt tay vào làm bài, học sinh nên đọc kĩ đề thi, câu dễ làm trước, khó làm sau, tuyệt đối không làm quá lâu 1 câu hỏi. Các em cần đặc biệt ghi nhớ phương pháp làm bài loại trừ khi làm bài thi, để tránh các đáp án gây nhiễu, dẫn đến làm sai.
Một điều quan trọng nữa thầy Hà lưu ý các em học sinh là phải giữ được sự tự tin, bình tĩnh trong suốt quá trình làm bài thi, tuyệt đối không nóng vội để tránh mắc lỗi sai đáng tiếc.