Ôn thi THPT quốc gia trong thời điểm “vàng”

Tháng 3 được xem thời điểm “vàng” cho việc ôn tập kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Các nhà trường đang có những điều chỉnh về kế hoạch ôn tập để kịp thời đáp ứng cho từng đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, học sinh cũng sớm xác định ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, nhu cầu xã hội.

tu van huong nghiep.jpg

HS TP Vinh (Nghệ An) tham gia tư vấn hướng nghiệp năm 2019. (Ảnh: Hồ Lài)

 

Đặt mục tiêu và tăng tốc dạy - học

Thời điểm này, cùng với cả nước các trường THPT tại Nghệ An đang quyết liệt ôn tập cho HS lớp 12, nhưng theo các hướng khác nhau tùy thuộc vào thực tế phong trào học tập của từng trường và mục tiêu của HS. Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) có tỷ lệ HS thi THPT để xét tuyển vào ĐH chiếm đa số. Thời điểm này, nhà trường đã cơ bản dạy phủ kín chương trình học cho các em và tăng cường hệ thống kiến thức, ôn tập.

Em Phạm Đức Hoàng - lớp 12 A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - cho biết: “Với mục tiêu thi đậu ĐH vào ngành thuộc lĩnh vực bưu chính, công nghệ thông tin nên em đang tập trung lớn cho 3 môn Toán - Lý - Hóa. Ngoài ra, em vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để ôn các môn còn lại nhằm thi lấy điểm xét tốt nghiệp THPT”.

Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa và nhấn mạnh về những thay đổi của đề thi năm nay. Thầy Tô Viết Vinh - giáo viên bộ môn Hóa học Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An) - đánh giá: Nghiên cứu đề thi minh họa, tôi thấy với môn Hóa học có giảm dần những câu hỏi khó, tính toán. Thay vào đó, tăng các câu hỏi nhằm đánh giá bản chất của hiện tượng, vận dụng lý thuyết vào thực hành và thực tiễn cuộc sống. Hiện ngoài việc dạy học và ôn tập theo từng lớp cố định, thì nhà trường cũng có hướng cho giáo viên quan tâm, bồi dưỡng các em HS giỏi để lấy điểm cao tại Kỳ thi THPT quốc gia.

Trong khi đó, nhiều trường THPT khác lại đang thành lập các lớp ôn tập cho HS yếu. Cụ thể từ 2 tuần nay, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) triển khai lớp phụ đạo thi THPT quốc gia môn Toán cho nhóm HS bị hổng kiến thức. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, nhà trường đã xây dựng ma trận đề thi và tổ chức cho HS thi thử vào tháng 1/2019. Kết quả thi cho thấy có một số lượng khá lớn HS bị điểm dưới 5 môn Toán. Kết hợp với việc khảo sát, thống kê điểm học tập và kiểm tra trên lớp, nhà trường đã “gom” nhóm HS yếu lại, tổ chức thành 4 lớp, bố trí giáo viên phụ đạo kiến thức theo chương trình và mức độ phù hợp với năng lực của các em.

Cũng theo thầy Hoàng, tỷ lệ phân luồng HS lớp 12 của trường khoảng 50%. Năm nay, điểm thi THPT quốc gia chiếm 70% điểm xét tuyển THPT thay vì 50% như các năm trước. Vì vậy, HS cũng có phần nào đó chuyển biến hơn trong ý thức học. Quan trọng nhất là các em phải tự xác định được mục tiêu, có ý thức tự học thì mới đạt được kết quả tốt trong kỳ thi.

Thầy Trần Đình Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các lớp này đang học với thời lượng 1 buổi/tuần. Sau khi ổn định và sắp xếp được giáo viên, chúng tôi sẽ nâng lên 2 buổi/tuần. Ngoài môn Toán, môn Tiếng Anh cũng là điểm yếu của nhiều em, chúng tôi cũng đã có kế hoạch nâng cao chất lượng môn học này. Tuy nhiên, trường chỉ có 5 giáo viên Tiếng Anh nên việc bố trí nhân lực gặp khó khăn. Dự kiến sang tháng sau mới có thể triển khai”.

Ôn thi THPT quốc gia trong thời điểm “vàng” - 1..jpg

Tháng 3 là thời điểm HS lớp 12 tăng tốc ôn tập và đưa ra quyết định ngành nghề tương lai. (Ảnh: Hồ Lài)

Không chạy theo các ngành “hot”

Nỗ lực, mục tiêu học tập của mỗi HS xuất phát từ chính định hướng ngành nghề của các em. Năm nay, nhiều HS vẫn quan tâm lớn đến các ngành quân sự, công an. Bên cạnh đó, dù ngành sư phạm nâng ngưỡng điểm đầu vào và thêm một số tiêu chí về kết quả học tập, rèn luyện 3 năm phổ thông nhưng càng thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh.

Đáng chú ý, những năm trước nhóm ngành kinh tế, ngân hàng nhận được nhiều sự quan tâm, thì nay, HS lại tập trung nhiều hơn ở nhóm tư vấn thuộc các ngành kỹ thuật, nông - lâm - ngư; hoặc ngành mới, có nhiều cơ hội việc làm như nhóm ngành Logistics. Theo PGS, Tiến sỹ Bùi Đức Triều (ĐH Kinh tế Quốc dân): Hiện ngành Logistics được xem là ngành dịch vụ hậu cần, ngành phát triển mạnh nhất trong tương lai khi nước ta tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện, nhu cầu việc làm của ngành Logistics rất lớn nhưng các trường chỉ mới đào tạo được 2/3 nhu cầu. Trong khi đó, những năm tới đang cần khoảng 100.000 lao động ở lĩnh vực này.

Ngoài ra, khá nhiều thí sinh quan tâm đến đầu ra của các trường cao đẳng, trung cấp nghề và những ngành nghề có thu nhập cao.

Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: Hiện, các trường cao đẳng và trung cấp nghề có gần 1200 ngành nghề và nếu học trường nghề các em sẽ có nhiều cơ hội lập thân lập nghiệp, có nhiều cơ hội gắn kết với doanh nghiệp, tạo cho học sinh tự chủ động. Tại các doanh nghiệp, mức lương thường được trả theo khả năng đáp ứng vị trí việc làm. Thực tế hiện nay, 80% SV trường nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

 

Theo Ngọc Sơn

Giáo dục & Thời đại