Ôn thi THPT quốc gia: Chiến lược 70-30

Năm nay sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi từ 50% lên 70%, còn 30% là điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT.

Trong phương án thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, có một sự điều chỉnh rất quan trọng. Đó là sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi từ 50% (năm trước) lên 70%, còn 30% là điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh (HS). Hiện các trường trên địa bàn TP.HCM đều đang đặc biệt quan tâm thông tin này và tập trung ôn luyện cho HS theo chiến lược mới.

Thầy trò cùng tăng tốc

Em Quỳnh Diễm, HS lớp 12 tại quận Gò Vấp, chia sẻ: “Đối với em, việc điều chỉnh tỉ lệ không ảnh hưởng nhiều. Mục tiêu của em là đậu vào ĐH Ngoại thương nên đã đầu tư cho việc học từ năm lớp 11. Sang lớp 12 em càng đẩy mạnh cường độ học. Ngoài học hai buổi ở trường, buổi tối em còn đi học thêm nữa”.

Thầy Cao Thanh Hoàng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), cho biết thầy ủng hộ sự điều chỉnh về điểm xét tốt nghiệp. Theo thầy, điều này rất cần thiết trong bối cảnh nhiều trường đang có biểu hiện nâng điểm cho HS mà không đánh giá đúng thực lực của các em. Hơn nữa đây là cách góp phần phân loại HS tốt hơn, khiến các em nghiêm túc hơn trong việc học.

“Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch ôn tập kỹ lưỡng. Riêng môn lý, trong quá trình dạy chúng tôi đã lồng ghép việc ôn tập để thường xuyên kiểm tra kiến thức các em” - thầy Hoàng nói.

Trong khi đó, thầy Trần Trung Trực, giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), nhận định việc điều chỉnh tỉ lệ trên sẽ làm thay đổi nhiều thứ. Nếu độ khó của đề thi năm nay tương đương năm ngoái thì kết quả tốt nghiệp sẽ giảm đáng kể.

Thầy Trực ví dụ, điểm thi (2018) của một HS có trung bình cộng đạt 4,15. Theo cách tính năm ngoái, điểm học bạ các môn lớp 12 của HS này đạt 5,85 là sẽ được công nhận tốt nghiệp (cách tính theo tỉ lệ 50:50 là (5,85+4,15)/2 = 5).

Thế nhưng nếu tính cách mới, HS này sẽ trượt vì với tỉ lệ 70:30 thì (4,15×0,7) + (5,85×0,3) = 4,66


Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 trong một tiết học. (Ảnh: NQ)

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 trong một tiết học. (Ảnh: NQ)

Tuy nhiên, theo đề thi minh họa vừa được công bố thì đề năm nay có vẻ “dễ thở” hơn năm trước, nội dung chủ yếu trong chương trình lớp 12. Điều này khiến các thầy cô an tâm phần nào.

Cô Đỗ Thị Việt Phương, tổ trưởng môn hóa Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), cho biết tổ đã có sự thay đổi trong kế hoạch giảng dạy. Cụ thể, với các lớp không thi đại học (ĐH) môn hóa như khối A1, trường đã tăng cường một tiết để có thời gian luyện tập nhiều hơn. Các lớp chọn thi ĐH môn hóa thì vẫn học và ôn như bình thường. Sau tháng 3, tổ sẽ có kế hoạch tập trung ôn kiến thức lớp 12 dưới dạng các chuyên đề.

Một số trường sẽ tổ chức thi thử

Hiệu trưởng một số trường nhận định nhờ có sự chuẩn bị từ sớm nên việc thay đổi tỉ lệ điểm xét tốt nghiệp của Bộ không ảnh hưởng quá lớn đến HS.

Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann (quận 1), thầy Nguyễn Văn Thành, chia sẻ quan điểm của trường là học thực chất, dạy thực chất nên với phương án nào cũng không thành vấn đề. Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường đã định hướng cho HS chọn lựa các tổ hợp thi và phân bố giáo viên phù hợp. Đến lớp 12, HS sẽ được tăng cường ôn tập các bộ môn đã chọn lựa trước đó.

Trả lời về việc tổ chức thi thử, thầy Thành đánh giá: “Thi thử chỉ hữu ích khi đáp ứng hai yếu tố. Thứ nhất là người ra đề phải bám sát với ma trận đề của Bộ. Thứ hai là thời điểm thi thử phải hợp lý. Hiện trường vẫn để các em học bình thường, sang tháng 5 khi kết thúc chương trình mới tổ chức thi thử theo từng môn. Khi đó HS chuyên tâm, còn giáo viên cũng có thời gian đánh giá những gì chưa được để có sự điều chỉnh”.

Cùng quan điểm, thầy Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), chia sẻ HS lớp 12 của trường đã được đăng ký lớp theo tổ hợp thi ngoài ba môn bắt buộc là toán, văn, Anh. Ngoài việc thực hiện theo chương trình của Bộ, trường đã chủ động tăng số tiết phục vụ cho các em theo các tổ hợp thi đã chọn.

Trường THPT Nguyễn Thái Bình cũng sẽ tổ chức thi thử khi đã kết thúc chương trình học để các em được cọ xát, nắm bắt cách làm bài.

Có quan điểm khác, thầy Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới (Nhà Bè), cho biết: “Trường sẽ không cho thi thử để tránh cho HS phải mệt mỏi. Chúng tôi chủ trương kiểm tra kiến thức các em thường xuyên. Sau một học kỳ sẽ có đánh giá để sàng lọc HS. Em nào học trung bình, yếu sẽ được phụ đạo miễn phí trong buổi học thứ hai”.

Theo Bộ GD&ĐT, nội dung thi năm nay cũng sẽ nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 để đảm bảo ngưỡng cơ bản xét tốt nghiệp THPT. Đề thi có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

Theo Nguyễn Quyên

Pháp luật TPHCM