Ôi, thi sau đại học!

T., phóng viên Đài phát thanh truyền hình tỉnh A, được cử ra phía Bắc thi cao học báo chí trong đợt tuyển sinh sau ĐH mới đây. Ăn ở ôn thi ròng rã một tháng, thi xong, T. tiu nghỉu: “Làm bài rất tốt nhưng không biết kết quả thế nào”!

Nghe mà cứ ngờ ngợ vì T. rất có năng lực, thủ khoa đầu vào và đầu ra ở trường ĐH, về tỉnh là được trọng dụng ngay. Hơn nữa thi chỉ có trên 30 người mà lấy tới 15 người thì đâu có đáng kể, đâu có là gì so với tỉ lệ chọi 1/30 thời cô thi tuyển sinh ĐH.

 

Như hiểu được suy nghĩ của tôi, T. kể trong một tháng ấy, các học viên - hầu hết là những người trung niên, phóng viên hay lãnh đạo các cơ quan truyền thông địa phương - đã nhiều lần mời các giảng viên đi ăn uống, đưa tiền “nhờ đỡ” trắng trợn ngay trước mắt mọi người. Người đưa không chút e ngại, người nhận cũng thản nhiên bỏ túi không chút ngượng ngùng. “Như thế thì không biết người ta lấy người có năng lực hay là...”, T. bỏ lửng câu nói rồi buông một câu yếm thế: “Làm bài tốt chưa chắc đã đậu đâu”!

 

H., thi cao học lịch sử tại hội đồng thi ở phía Nam, kể rằng các học viên quay bài như ở chốn... không giám thị. V., một giáo viên trường THPT chuyên ở TPHCM dự thi cao học, cũng cho biết trong giờ thi môn Anh văn, các học viên phía dưới còn chồm lên phía trước để quay bài người khác. V. trăn trở: “Người ta hầu hết là giáo viên mà sao lại làm như thế. Làm như vậy thì sau này họ sẽ dạy học sinh thế nào đây?”.

 

Con số trên 220 thí sinh bị đình chỉ thi trong các đợt thi cao học vừa qua chỉ là bề nổi, không phản ánh đúng thực trạng “thùng rỗng” của không ít thí sinh thi cao học hiện nay. Cũng chính vì việc tổ chức, kỷ luật thi cử cũng như khâu ra đề còn nhiều chuyện đáng nói nên mới có cơ hội cho những kẻ “giậu đổ bìm leo”.

 

Và vì vậy mới có những ông tiến sĩ không thể nói rành một câu ngoại ngữ, mới có những học viên cao học với trình độ tiếng Anh làng nhàng. Nguy hiểm hơn, sau khi có những học hàm học vị ấy họ lại nắm giữ những vị trí cao hơn trong xã hội, giữ những chức trách quan trọng hơn trong bộ máy, thậm chí còn giữ vai trò đào tạo thế hệ tương lai!

 

Không lẽ cứ để tình trạng này tái diễn mãi trong những kỳ thi của những người "rất lớn"?

 

Theo Minh Giảng

Tuổi Trẻ