565 nam giới bị bạo lực gia đình, có dấu hiệu tăng lên

Hoa Lê

(Dân trí) - Nạn nhân bị bạo lực gia đình phần lớn là nữ giới, chỉ có 565 nam giới bị bạo lực trong năm 2023.

Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với tổng số 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với năm 2022.

Trong đó, số vụ bạo lực gia đình, bạo lực thân thể là hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất, tiếp đến là bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.

Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó, 82,3% nạn nhân là nữ giới. Nạn nhân nam giới bị bạo lực là 565 người, chỉ chiếm 17,7%.

Như vậy, so với năm 2022 số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước, báo cáo nêu rõ.

Trên thực tế, nhiều người bị bạo lực còn tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị và không muốn đi báo cáo việc bị bạo lực vì cho rằng đó là chuyện bình thường, "xấu chàng hổ ai".

Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân.

Điều này gây khó khăn cho công tác thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ, can thiệp và ứng phó với bạo lực.

Ngoài ra, việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của nạn nhân bị bạo lực đang có xu hướng tăng. Nạn nhân được tư vấn, chăm sóc hỗ trợ sau bạo lực... Chỉ tiêu này tiệm cận đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Bên cạnh đó, hơn 83% nam giới gây bạo lực gia đình. 2.949 người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý, trong đó chủ yếu là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 58 người...

565 nam giới bị bạo lực gia đình, có dấu hiệu tăng lên - 1

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh).

Báo cáo kết quả thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã có những tiến triển rõ rệt.

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021, từ thứ 87/146 quốc gia lên thứ 72/146 quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình có nhiều thay đổi tích cực, ngày càng bình đẳng, độc lập trong gia đình và xã hội.

Nam giới chia sẻ nhiều hơn trong công việc gia đình và chăm sóc con cái. 3/4 chỉ tiêu của mục tiêu 3 đã đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 của Chiến lược.