“Oán” nghề mình theo học

(Dân trí) - Tốt nghiệp ngành Kế toán, ra trường đi làm một thời gian, cô cử nhân lại loay hoay tìm việc khác. Cô nói, làm gì cũng được, chừa ngành Kế toán ra.

“Chừa” nghề đã được đào tạo

Câu chuyện được TS Trần Đình Lý (ĐH Nông lâm TPHCM) chia sẻ tại một chương trình hướng nghiệp diễn ra ở TPHCM. Cô cử nhân ngành Kế toán ra trường đi làm một thời gian thì lại tiếp tục đi tìm việc. Khi được hỏi, em cần tìm việc thuộc lĩnh vực nào, cô cử nhân đáp: “Làm gì cũng được, trừ ngành… Kế toán ra”.

Nghe như chuyện hài nhưng trường hợp “chừa” chính ngành nghề mà mình đã được đào tạo như trường hợp nữ cử nhân trên chẳng hề hiếm - cho dù trước đó để tìm được một chỗ ở giảng đường có thể chính bản thân họ và cả gia đình phải đổ rất nhiều công sức lẫn tiền bạc.

Trầy trật mới ra được trường với tấm bằng cử nhân Công nghệ thông tin, chàng kỹ sư N.C.D. đã “uể oải” với ngành nghề mình lựa chọn từ khi ở giảng đường. Hồi học cấp 3, dù chưa tiếp xúc nhiều với máy tính, D. vẫn được bố mẹ định hướng chọn ngành Công nghệ thông tin vì cho rằng nó thời thượng không sợ lỗi thời.

Nhiều bạn trẻ uể oải với chính công việc mình được đào tạo vì học nghề không đúng với đam mê, năng lực
Nhiều bạn trẻ uể oải với chính công việc mình được đào tạo vì học nghề không đúng với đam mê, năng lực

Nhưng rồi chẳng đam mê, lại không thích mày mò, ngồi vào máy tính là D. đau đầu. Nghe học hành “oai” vậy chứ lập một tài khoản Email hay Facebook D. cũng không biết, toàn phải nhờ bạn bè. Mà lập xong cậu cũng chẳng thiết tha sờ đến, tính D. thích chạy nhảy, đi đây đi đó. Vì lỡ theo học nên cậu cố cho có tấm bằng rồi tính tiếp. Có bằng nhưng không có tay nghề, không đam mê, làm đâu được thời gian ngắn là D. nghỉ việc vì không theo nổi.

Chàng cử nhân chua chát nói rằng, giờ mình làm gì cũng được nhưng phải trừ ngay công việc liên quan đến máy tính. "Uất ức" với nghề đã đành, D. còn giận bố mẹ đã ép cậu chọn nghề mình không thích mà lỡ cơ hội với sở thích trở thành hướng dẫn viên du lịch.

Một hiệu trưởng trường mầm non ở Q.8, TPHCM kể, nhiều cử nhân Sư phạm mầm non mới ra trường, xuống nhiệm sở chính thức trở thành cô giáo, chỉ vài ngày là… bỏ việc không thương tiếc. Các em lắc đầu lè lưỡi nói rằng: “Cả đời mà ngày nào cũng thế này bọn em không trụ nổi. Nghỉ sớm cho lành cô ơi”.

Theo bà, khi các em chọn nghề, quá trình theo học ở trường đại học đã ít nhiều biết được áp lực công việc mình lựa chọn. Nhưng họ chỉ thật sự “thấm thía” khi bắt tay vào thực tế. Có người trải qua thời gian học hành, giờ nhận ra mình chẳng hề yêu việc mình theo học, có người nhận ra từ sớm nhưng vẫn ráng học cho xong để có bằng và rồi không trụ nổi với những khó khăn khi đối mặt với công việc.

Ra trường mới được… định hướng nghề nghiệp

Tỷ lệ học sinh, sinh viên chọn sai ngành nghề đã được đề cập rất lâu, có nhiều khảo sát chỉ ra có đến 60% học sinh chọn sai nghề.

Chọn sai nghề so với đam mê và năng lực kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội và bản thân người học. Nếu người tiếp tục theo đuổi nghề mình được đào tạo nhưng không yêu thích sẽ khó tránh tâm lý chán chường, nhất là khi công việc không đạt hiệu quả. Còn nếu họ gác bằng cấp chọn lĩnh vực khác thì cũng khó phát huy được hết năng lực do không được đào tạo về chuyên môn.

Không phát huy được năng lực với ngành được đào tạo, người học dễ có tâm lý chán chường vì chọn sai nghề mà bị mất đi cơ hội theo đuổi ngành nghề mình đam mê.

Nhiều học sinh thi bằng được vào đại học nhưng không biết, không hiểu về chính ngành nghề mình đang lựa chọn
Nhiều học sinh thi bằng được vào đại học nhưng không biết, không hiểu về chính ngành nghề mình đang lựa chọn

Bà Hồ Phụng Hoàng, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế RMIT cho rằng người trẻ bây giờ rất khó chấp nhận làm công việc mà giá trị nghề nghiệp không được thỏa mãn. Nhiều bạn rơi vào trầm cảm, thậm chí là có ý định tử tự do chọn sai nghề. Khi không yêu thích thì việc học đã rất khó chứ chưa nói để làm được việc.

Người học “oán” chính bằng cấp của mình, “oán” ngành mình được đào tạo là hệ quả của hướng nghiệp không hiệu quả. Có một thực tế tồn tại từ lâu là không ít người học không hiểu gì về nghề mình lựa chọn, mình theo học. Biết bao nhiêu sinh viên ra trường, đã có bằng rồi mới bắt đầu được… định hướng nghề nghiệp bằng trải nghiệm thực tế.

Tiếp tục theo đuổi nghề mình chọn sai hay bỏ làm lại từ đầu là một bài toán khó giải đối với rất nhiều cử nhân ra trường. ThS Huỳnh Anh Bình (Chuyên gia tư vấn tư lý - hướng nghiệp, ĐH Bình Dương) cho hay mỗi người phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng phù hợp với ý chí và hoàn cảnh của mình. Trước hết, mỗi người cần xem xét ngành yêu thích có khác xa ngành mình theo học hay không. Mình thay đổi thì điều kiện tài chính thế nào, có đủ tự tin để nỗ lực học tập thêm vài năm nữa để theo đuổi điều mà thời điểm hiện tại bạn cho đó là đam mê.

Còn tiếp tục làm công việc không đúng với đam mê thì mỗi người cần đặt trách nhiệm cao nhất đối với công việc của mình. Khi làm sai nghề thì đòi hỏi phải nỗ lực hơn rất nhiều thì mới đạt được hiệu quả công việc tốt nhất.

Nhiều chuyên gia nhân sự cũng lưu ý, không ít bạn trẻ rất nóng vội, thiếu kiên nhẫn, mới ra trường đi làm mà công việc, thu nhập chưa trôi chảy là đã dễ chán nản, buông xuôi rồi quay lưng chê bai nghề nghiệp rồi cho rằng mình chọn sai nghề. Trong khi, bất kỳ công việc nào, kể cả học và làm đúng công việc yêu thích thì trong quá trình theo đuổi nghề nghiệp, cũng sẽ có vô số trắc trở, thách thức mà mỗi người cần vượt qua không chỉ bằng chuyên môn mà bằng cả thái độ nghề nghiệp tích cực.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)