Oái oăm khi giáo viên mầm non thích là… bỏ việc

(Dân trí) - Giáo viên xin về quê rồi một đi không quay lại hoặc đột ngột nhảy việc, nghỉ việc... là chuyện thường ngày ở các trường mầm non ngoài công lập tại TPHCM dẫn đến những tình huống oái oăm ở trường học.

Giáo viên thích là nghỉ

Bà Phan Thị Như Lưu - hiệu trưởng Trường mầm non Chim Cánh Cụt (Q.7, TPHCM) cho hay, có giáo viên (GV) về quê ăn Tết rồi… đi luôn không quay trở lại trường. Đang tạm yên ổn, trường lại phải chạy đôn chạy đáo tìm GV.

“Chúng tôi làm mọi cách để giữ GV nhưng kiểu nào thì kiểu, đội ngũ này vẫn biến động liên tục gây khó khăn cho việc công tác giáo dục và quản lý”, bà Lưu nói. 

Oái oăm khi giáo viên mầm non thích là… bỏ việc
Hôm nay đến lớp, ngày mai giáo viên trường mầm non ngoài công lập đã có thể.... bỏ việc. (Ảnh minh họa)

GV bất ngờ nghỉ việc, chuyển sang công việc khác là chuyện diễn ra thường xuyên ở các trường mầm non ngoài công lập. Quanh năm, các trường cứ luẩn quẩn theo vòng quay GV bỏ việc, tuyển được người rồi lại... bỏ việc. 

Trường mầm non Phượng Hoàng (quận Bình Tân) đang giữ 225 trẻ với 8 lớp nhưng hiện tại chỉ có 8 GV phụ trách, không có hiệu phó. Hiện trường đang chờ 3 GV nghỉ sản và 2 người đang tham gia lớp học đào tạo quay lại trường.

“Để giữa chân GV, trường bố trí để các cô ăn ở ngay tại trường, tạo điều kiện cho mọi người học nâng cao. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn thường xuyên biến động, đợt rồi có 3 người chuyển sang trường công lập, chúng tôi phải thường xuyên nhờ người giới thiệu để tìm GV”, bà Trần Thị Hoàng Anh, chủ trường cho hay.

Một trong những lý do hàng đầu mà nhiều nhóm lớp đang hoạt động nhưng chưa không đủ điều kiện để cấp phép do thiếu GV, phải sử dụng đội ngũ không được đào tạo chuyên môn đứng lớp. Riêng ở phường Tân Thuận Đông, Q.7, có trên 200 GV đang làm việc tại các trường ngoài công lập nhưng có đến có đến 80 người (chiếm 40%) chưa qua đào tạo. Các quận khác đều có tình trạng người giữ trẻ tại các cơ sở mầm non chưa qua đào tạo. 

Tại quận Bình Tân, hiện còn thiếu trên 130 GV mầm non cho trường ngoài công lập xét trên số trẻ, còn xét theo tiêu chí 2 GV/lớp thì thiếu trên 400 GV. Hàng chục nhóm trẻ trên địa bàn đang hoạt động không phép vì chưa đáp ứng được tiêu chí GV.

Không ít cơ sở mầm non còn đề xuất giải pháp “nới” tiêu chí 2GV/lớp xuống 1 GV/lớp thì các cơ sở mới đáp ứng được để xin cấp phép hoạt động.

Bà Bùi Thị Minh Nguyệt - Phó phòng Giáo dục quận Gò Vấp cho hay, đội ngũ GV ở tư thục biến động liên tục nguy cơ lớn thiếu an toàn cao nhất đối hoạt hoạt động nuôi giữ trẻ. Thiếu người hoặc tuyển người mới chưa quen việc, quen trẻ rất dễ xảy ra các tình huống thiếu an toàn. Nhưng đó là tình cảnh chung hiện nay của các trường mầm non ngoài công lập. 

GV hôm nay đi dạy, hôm sau đã có thể…mất tích dẫn đến nhiều tình huống oái oăm ở trường mầm non ngoài công lập như: lớp không có GV, chủ trường cũng phải vào đứng lớp; khi cấp phép thì đủ GV nhưng chỉ vài hôm sau đã vào “sổ đen” hoặc người làm việc thực tế không phải là người trong hồ sơ đăng ký do các cô bất ngờ bỏ việc, đổi chỗ làm phải tìm người “thế chân”…

Giữ chân không nổi

Hiểu rằng đội ngũ GV là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với hoạt động giáo dục, nhiều trường mầm non tư có đủ cách để giữ chân GV như trả mức lương cao nhất trong khả năng, hỗ trợ chỗ ăn ở, tạo điều kiện cho GV nâng cao chuyên môn… Nhưng thực tế những cố gắng này chưa đưa lại kết quả.

Bà Lâm Thị Thanh Bích, chủ trường mầm non Ngôi Nhà Mới, Q.7 cho hay trường ngoài công lập chỉ có thể tuyển GV ở tỉnh, còn ai có hộ khẩu thành phố thì họ đã vào trường công lập. Chỗ ở, đời sống của GV tỉnh không ổn định, khó khăn dễ kéo theo sự xáo trộn trong công việc.

Các trường tư thục thường xuyên gặp tình cảnh oái oăm khi giáo viên nghỉ việc đột ngột
Các trường tư thục thường xuyên gặp tình cảnh oái oăm khi giáo viên nghỉ việc đột ngột

GV mầm non từ lâu được tiếng áp lực về thời gian, điều kiện làm việc thì ở trường ngoài công lập còn khó khăn hơn. Họ không được nghỉ hè, làm việc theo thời gian quy định của trường, điều kiện để phát triển chuyên môn cũng hạn chế.

Bà Lê Thị Lý - Hiệu trưởng Trường mầm non Bách Việt, Q.7 bày tỏ việc GV “chê” mầm non tư thục là điều dễ hiểu. Những cô nào có hộ khẩu TPHCM thì không bao giờ vào trường tư, họ chỉ vào đây khi “hết đường” vào trường công và khi có cơ hội sẽ đi ngay.

Bà Lý phân tích, trường công được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, có sở vật chất, GV có chế độ chính sách, chế độ ngoài giờ, thâm niên nên tính ổn định cao. Những điều này không có ở trường ngoài công lập, các trường phải lo hết mọi thứ như thuê mặt bằng, cơ sở vật chất, chăm lo đời sống nhân viên… rất bếp bênh.

“Tính ổn định thấp, chỉ một khúc mắc nhỏ hoặc tìm được việc khác là họ nghỉ ngay không có gì phải tiếc nuối. Nên các trường cứ quanh quẩn thiếu GV, không tìm được lối ra”, bà Lý nói và cho rằng nhà nước cần có chế độ chính sách hỗ trợ GV các trường mầm non ngoài công lập, không được như trường công thì cũng nên được một phần.

Ở TPHCM, cơ sở mầm non ngoài công lập hiện đang "gánh" khoảng 50% số trẻ đến trường, có những nơi tỉ lệ này lên đến 70 - 80%. 

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm