Ô hô tại chức!

(Dân trí) - Đã qua lâu rồi thời kỳ hệ tại chức là hệ dành cho... các cụ. Lớp trẻ bây giờ thi nhau nộp đơn. Họ không cần biết tương lai và tuổi trẻ của họ sẽ qua nhanh chóng và phí hoài thế nào vì những tháng ngày “tại chức”!

Theo quy định của Bộ GD- ĐT, học viên hệ đại học tại chức phải có ít nhất một năm làm việc. Nhưng, đó chỉ là chuyện quy định còn thực tế, những năm gần đây, tình trạng học sinh vừa tốt nghiệp THPT hối hả đổ xô đăng ký dự thi đại học tại chức ngày một nhiều!

 

Việc tuyển sinh cho hệ này cũng vì thế mà nhộn nhịp chẳng thua gì! Các thông báo tuyển sinh nhan nhản khắp nơi. Nhà trường thì chẳng mấy câu nệ đến quy định đó của Bộ, tất nhiên cũng có một vài hình thức kiểm tra chiếu lệ và qua loa. Đối phó với sự chiếu lệ và qua loa này, thí sinh chỉ cần kiếm một giấy chứng nhận đang làm việc hợp đồng tại một công ty trách nhiệm hữu hạn. Còn công ty trách nhiệm hữu hạn ấy ở đâu, có tồn tại hay không tồn tại, nào ai cần hay! Thế là xong. Rồi dễ dàng, họ đỗ đại học, đóng thật nhiều tiền rồi đến lớp; đóng thật nhiều tiền, rồi đi thi; đóng thật nhiều tiền, rồi tốt nghiệp!

 

Rất nhiều lần bàn ra tán vào về chất lượng của hệ này. Rồi năm bản dự thảo về quy chế đào tạo của hệ tại chức (hay còn gọi là hệ vừa học vừa làm) cực chẳng đã lần lượt ra đời và chẳng đi đến đâu. Chẳng đi đến đâu cho giải pháp chất lượng nhưng nhiều trường đại học nhân đó lớn tiếng đòi quyền cho hệ này!

 

Theo họ, vì chúng ta đang tiến tới gần một nền giáo dục đại học mà chuẩn đào tạo là thống nhất nên người học đại học, cao đẳng khi ra trường được xã hội đối xử giống nhau. Không thể có tình trạng phân biệt bằng này, bằng kia, hệ này, hệ nọ. TS Lê Vinh Danh, phó hiệu trưởng trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng còn khẳng định: “Đừng bao giờ có quá nhiều loại văn bằng đại học. Văn bằng đại học chỉ có một: bằng tốt nghiệp đại học với danh hiệu cử nhân, hay kỹ sư.  Tuyệt đối không ghi hình thức học trên văn bằng(chính quy, không chính quy, tại chức, từ xa) vì như thế là... vô  duyên và chẳng đúng với nguyên tắc nào cả!”.

 

Vì sao có sự lớn tiếng này? Theo một cán bộ đào tạo của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM thì nguồn thu từ hệ tại chức còn lớn hơn cả nguồn thu từ hệ chính quy, nhờ có hệ tại chức mà tăng thu nhập từ giảng dạy cho tất cả giảng viên! Giàu lên nhờ... tại chức, làm sao không đòi quyền cho nó được!

 

Tại chức thế là, ô hô!

 

Đoàn Trần