Nuôi sinh viên ăn học đại học 1 tháng ở Hà Nội hết bao nhiêu tiền?
(Dân trí) - Nếu không ở kí túc xá, mức tiết kiệm nhất mà một sinh viên ngoại tỉnh chi tiêu khoảng 3 triệu đồng/tháng cho ăn ở, chưa bao gồm chi phí học tập.
Sinh viên nghèo tiêu gần 3 triệu đồng/tháng
B.M.K., sinh viên năm thứ 2 Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết: "Để ăn đủ no, em sẽ tiêu hết khoảng 2,7 triệu đồng/tháng".
K. sinh năm 2005, quê ở Thanh Hóa, bố mẹ đều làm nông nghiệp.
Nhà K có bà nội già yếu, phải chạy thận, em trai đang học cấp 3. Kinh tế gia đình K. khá chật vật, nhưng không được xếp vào diện cận nghèo.
Vì không đăng ký được kí túc xá, K. phải thuê trọ ngoài, ở cùng 1 người bạn đồng hương.
Phòng trọ K. thuê nằm trong ngõ nhỏ đường Minh Khai, rộng tầm 10m², giá 2,1 triệu đồng/tháng, không có điều hòa, nóng lạnh. Giá điện sinh hoạt là 3.800 đồng/số. Giá nước sinh hoạt là 25.000 đồng/người. Tiền internet 80.000 đồng/người. Trung bình mỗi tháng K. đóng 1,3 triệu đồng/tháng cho chủ phòng trọ.
Về ăn uống, K. và bạn nấu ăn. Hàng tháng, hai nam sinh được bố mẹ gửi gạo, mắm, cá khô ở quê lên. Cả hai mua thêm rau, đậu, trứng, thi thoảng mua thịt lợn, thịt ức gà công nghiệp. Thêm tiền dầu ăn, ga đun nấu, mỗi tháng K. góp 600.000 đồng cùng bạn.
"Bọn em thường ăn sáng bằng cơm nguội, mì tôm hoặc bánh mì chấm sữa. Thi thoảng mới dám chi 15.000 đồng mua xôi thịt hay bánh mì thịt. Tiền ăn sáng hết khoảng 200.000 đồng. Nếu điều kiện cho phép, em có thể ăn sáng nhiều hơn", K. nói.
K. ước tính tiêu khoảng 800.000 đồng cho việc ăn uống.
K. và bạn còn tốn thêm một số chi phí sinh hoạt khác như bột giặt, dầu gội, xà phòng, giấy vệ sinh, hóa chất tẩy rửa, điện thoại, vé xe buýt… Trung bình các khoản lặt vặt này hết 200.000 đồng/tháng.
K. có tham gia một nhóm đá bóng. Đây là hoạt động thể thao duy nhất mà K. theo đuổi, vừa vì sở thích, vừa để rèn luyện sức khỏe. Mỗi tuần K. đá 1-2 trận bóng. Mỗi buổi K. góp 20.000 đồng tiền sân. Mỗi tháng hết khoảng 160.000 đồng.
Ngoài ra, chi phí photo sách vở tài liệu hết khoảng 200.000-300.000 đồng/tháng.
K. được bố mẹ cho 1,5 triệu đồng/tháng. Số còn lại K. dạy gia sư để có tiền chi tiêu.
Tính chung năm thứ nhất, số tiền gia đình phải chi cho K. học đại học là 40 triệu đồng, trong đó có 25 triệu đồng học phí.
Mong muốn của K. là đăng ký thành công phòng kí túc xá vào năm nay. Nếu được vào kí túc xá, K. sẽ chỉ mất tầm 300.000-400.000 đồng/tháng tiền ở. Số tiền còn lại K. sẽ bù sang ăn uống cho tốt hơn.
Sinh viên ở cùng bố mẹ tại Hà Nội: Tiêu vặt cũng hết 2 triệu đồng/tháng
Chị Trần Phương Ngân (Đông Anh, Hà Nội) có con gái học Đại học Thương mại cho biết: "Vì con ở cùng bố mẹ, khó tính được con số chính xác, nhưng không dưới 2 triệu đồng/tháng cho các khoản tiêu vặt."
Chị Ngân liệt kê các khoản chi hàng tháng của con gái như sau: Xăng xe 300.000 đồng; cafe 1 tuần 2 lần, mỗi lần 40.000-50.000 đồng, mỗi tháng hết 400.000 đồng; ăn sáng 20.000 đồng/bữa, mỗi tháng hết khoảng 500.000-600.000 đồng; điện thoại 100.000 đồng.
"Ngoài ra tiền quần áo, giày dép, mỹ phẩm của con gái không thể tính được. Con không quá ăn diện nhưng 1 năm cũng phải làm tóc 2 lần, mỗi lần khoảng 900.000 đồng. Khoảng 3 tháng đi mua sắm một lần. Đồ chăm sóc da phải có.
Các con cũng có nhu cầu chính đáng được đi giao lưu, đi xem phim, xem kịch, hòa nhạc, dự sự kiện, đi thực tế. Các chi phí này không thường xuyên nhưng không ít", chị Ngân chia sẻ.
Chị Ngân ước tính, cộng với 20 triệu tiền học phí hàng năm, trung bình chị nuôi con ăn học đại học hết khoảng 50 triệu/năm.
Chi phí này chưa bao gồm các khoản đầu tư dài hạn như máy tính xách tay, xe máy, điện thoại. Đồng thời, chi phí không bao gồm các khoản ăn uống, sinh hoạt tại gia đình.
Chị Nguyễn Phương Vy (Cầu Giấy, Hà Nội) có con chuẩn bị bước vào năm thứ nhất Đại học Ngoại thương. Ngành học của con chị có mức học phí 45 triệu đồng/năm. Chị Vy tham khảo bạn bè và ước tính sẽ phải chi khoảng 70 triệu đồng/năm cho con ăn học.
"Khoản tiền này chỉ phục vụ việc sinh hoạt, học tập của con. Còn chi phí ăn uống, y tế, sức khỏe không bao gồm trong đó. Nếu tính chi li, tôi nghĩ con số có thể lên tới 90 triệu đồng/năm.
Bình thường, tiền chi tiêu cho các nhu cầu giản đơn, cơ bản trong gia đình đã không thể dưới 3 triệu đồng/người/tháng. Ở độ tuổi sinh viên, nhu cầu chi tiêu cao hơn do các con bước vào tuổi cần làm đẹp, cần giao lưu, hoạt động xã hội, trau dồi các kỹ năng.
Có thể các con sẽ đi làm thêm để có tiền tiêu vặt, song tùy vào ngành học mà việc đi làm thêm có nên được khuyến khích hay không.
Con tôi học ngành luật, cần đầu tư thời gian vào học thuật để năm thứ 4 đi thực tập. Tôi không khuyến khích con đi làm thêm kiếm tiền từ năm thứ nhất", chị Vy nói.
Chị Vy còn con gái thứ 2, định hướng vào Đại học Y Hà Nội.
"Tôi bắt đầu lo lắng và cảm thấy áp lực tài chính ngày một rõ nét. 2 năm nữa, nếu con út đỗ trường Y, chỉ riêng tiền học phí của hai con đã hơn 10 triệu đồng/tháng.
Cộng cả tiền ăn uống sinh hoạt, số tiền có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng, chiếm gần 2/3 tổng thu nhập của cả gia đình.
Tôi bắt đầu tin rằng, việc học đại học đang dần ngoài tầm với của những gia đình bình dân ở thành phố như nhà tôi", chị Vy tâm sự.
Theo thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2024 trên trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nhập lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Theo quy định trong Nghị định 86 của Chính phủ, học phí đại học năm học 2024-2025 được điều chỉnh tăng 10% so với năm ngoái, và tăng 10% trong mỗi năm học kế tiếp.