Nữ tiến sĩ Việt và trăn trở nơi xứ người
(Dân trí) - Phụ nữ có thể vừa làm khoa học vừa làm vợ và làm mẹ được không? – đó là trăn trở của rất nhiều cô gái chọn con đường học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.
Trong số những du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, càng ngày tôi càng được gặp nhiều gương mặt phụ nữ tài năng trong các ngành khoa học và kĩ thuật. Các ngành này trước đây không được coi là nghề cho phụ nữ nhưng ngày nay chính phủ của các nước phát triển đều khuyến khích phụ nữ làm khoa học. Môi trường nghiên cứu khoa học ở Mỹ rất tốt nhưng cũng rất khắc nghiệt.
Chẳng hạn như thời gian đào tạo tiến sĩ trong ngành sinh học trung bình là 5 năm, đào tạo sau tiến sĩ trung bình 5 năm nữa. Nghiên cứu sinh (NCS) và học giả sau tiến sĩ (STS) thường phải làm việc 10-12 tiếng/ngày, 6-7 ngày/tuần để đạt kết quả tốt. Với phụ nữ, làm sao chúng ta đảm nhiệm công việc như vậy trong khi vẫn có thể lập gia đình và nuôi dạy con cái? Tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm của mình với các bạn để trả lời phần nào câu hỏi này.
Tôi sinh ra trong một gia đình dược sĩ ở Hà Nội. Bố mẹ tôi khuyến khích tôi học nhưng cũng chú ý việc dạy con gái theo truyền thống Việt Nam. Bố tôi hay nhắc “Đi ngủ sớm đi con, đừng học nữa, con gái phải giữ gìn sức khỏe và nhan sắc đấy”. Mẹ tôi thì bảo “Con gái phải biết nội trợ khéo léo để sau này chăm chồng chăm con”. Mặc dù tôi nghe lời bố mẹ, học nội trợ và làm nhiều việc nhà, nhưng luôn bị cuốn hút bởi thế giới bên ngoài. Tôi rất thích các môn khoa học, đặc biệt là sinh học, vì thích khám phá những điều thú vị trong tự nhiên.
19 tuổi, tôi quyết tâm sang Singapore để theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học của mình. Từ năm thứ hai ở Đại học Quốc gia Singapore, tôi đã lên phòng thí nghiệm học và say sưa nghiên cứu. Bố mẹ tôi lo lắng hỏi “Con vẫn chưa có người yêu à?” Mấy anh bạn thân bảo “Em học nhiều vậy thì ế chồng mất thôi, ngày nào cũng ở trên phòng thí nghiệm đến nửa đêm thì ai mà chịu được”.
Cuối cùng tôi yêu một anh chàng NCS nghèo người nước ngoài. Bố mẹ tôi nửa khóc nửa mếu nhưng tôi thì rất hạnh phúc với người yêu của mình, nhất là khi được chia sẻ niềm say mê khoa học với anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi kết hôn và bắt đầu làm NCS ở Singapore-MIT Alliance.
Từ năm 2004, mẹ tôi bị bệnh thoái hóa thần kinh vận động, liệt chân tay rồi toàn thân. Tôi tìm thầy thuốc khắp nơi nhưng ai cũng lắc đầu, không có thuốc chữa. Tôi chuyển hướng sang nghiên cứu về thần kinh với mong ước cứu mẹ. Nhưng từ nghiên cứu đến thuốc chữa rất xa xôi. Mặc dù chưa tìm ra cách chữa bệnh cho mẹ, nghiên cứu của tôi đã có nhiều kết quả thú vị, đặc biệt về chức năng của một phân tử RNA quan trọng, miR-125b, trong phân hóa thần kinh và ung thư.
Khi thầy hướng dẫn của tôi, GS. Harvey Lodish sang Việt Nam và ghé thăm nhà tôi, thầy rất ái ngại khi thấy mẹ tôi ốm liệt giường. Tôi rất bất ngờ khi thầy nói với bố mẹ tôi “Tôi biết là anh chị rất tự hào về con gái mình. Cháu cần phải sang Mỹ để được đào tạo thành tài.” Thế là bố mẹ tôi phấn khởi, động viên tôi đi Mỹ.
Hai mẹ con nhận giải thưởng Quốc gia (Singapore 2009)
Trong năm cuối của chương trình NCS, khi tôi đang say sưa làm nốt đề tài và viết mấy bài báo thì lại có bầu. Cả nhà tôi đều mừng rỡ. Nhưng chẳng may, đến lúc tôi phải sang Mỹ đi hội thảo và phỏng vấn thì chồng tôi lại không xin được visa để đi cùng. Tôi quyết tâm đi một mình với cái bụng 5 tháng của mình. Tôi được GS. Lodish giúp đỡ rất tận tình, giới thiệu đến các phòng thí nghiệm đầu ngành để xin thực tập STS.
Tôi đi một tháng trời, một mẹ một con, trên những con đường mùa đông tuyết rơi lạnh giá ở Boston và những con đường dài tối đen mà trạm xe buýt thì xa lắc lơ ở La Jolla. Đêm Noen, tôi ngồi trên máy bay với đứa con trong bụng đạp gọi mẹ, nghe bài “All I want for Christmas is you” mà òa khóc. Tôi làm mẹ rồi, phải dừng lại để lo cho con chứ! Giờ tôi mới thấm thía cái khổ của phụ nữ làm khoa học!
Sinh con ở Singapore trong cái nắng gay gắt, tôi vừa cho con bú, vừa viết luận văn. Sau một tháng, tôi được gọi đi phỏng vấn giải L’Oréal Singapore for Women in Science National fellowship. Dựa vào thành tích nghiên cứu, tôi được chọn trong số ba phụ nữ đầu tiên nhận giải này ở Singapore. Tôi là sinh viên duy nhất (hai người còn lại là một giáo sư và một học giả STS) và cũng là người duy nhất đã có con. Bộ trưởng bộ giáo dục Singapore hỏi tôi “Kia có phải con cháu không? Mang bé lên đây”. Thế là tôi ôm con thay vì ôm bằng khen như hai chị cùng đựợc giải. Ảnh mẹ con tôi được đăng khắp các báo ở Singapore. Lần đầu tiên tôi thấy tự hào là một người mẹ làm khoa học.
Sự nghiệp khoa học không cho tôi được nghỉ ngơi. Khi vợ chồng tôi sang Boston thực tập STS, bố mẹ hai bên đều không sang giúp được. Công việc mới của chúng tôi rất bận nên phải gửi con ở nhà trẻ 10 tiếng/ngày. Mùa đông đầu tiên, trời lạnh và đầy tuyết, tuần nào cháu cũng ốm 3-4 ngày. Hai vợ chồng tôi phải nghỉ làm, thay ca trông con.
Với đồng lương ít ỏi, ốm đau liên tục, đi lại vất vả, cả nhà tôi sống vô cùng chật vật. Con gái bé bỏng của tôi 8 tháng liền không tăng cân nào. Mẹ tôi vẫn ốm nặng nên mới khi sang, tôi lại dốc hết tiền mua vé về Việt Nam. Nhìn mẹ con tôi mệt mỏi, thất thểu về nhà, họ hàng ai cũng xót xa. Thấy con tôi gầy còm, có người còn chê cười “mày làm khoa học mà nuôi con chẳng khoa học gì cả”.
Tôi bị chứng mất ngủ, đêm nào cũng thao thức, một phần lo công việc một phần lo cho gia đình. Công việc của tôi khá chậm vì không đủ thời gian làm việc và giao lưu với đồng nghiệp. Ở nhà thì tôi không có thời gian nội trợ và chăm con cẩn thận. Nhiều người khuyên tôi bỏ nghề nghiên cứu như đa số chị em cùng tình cảnh. Nhưng tôi không muốn rút lui. Để giải quyết khó khăn về tài chính và để được độc lập hơn trong nghiên cứu, tôi nộp đơn xin học bổng khắp nơi. Khi đọc thư của thầy Lodish gửi tới các quỹ học bổng giới thiệu về tôi, tôi thấy vừa xúc động vừa bối rối trước bao lời khen ngợi và những điều thầy dự đoán trên cả khả năng của tôi.
Thầy bảo tôi là khi thầy sang Đức thuyết trình về đề tài của tôi, thầy đưa ảnh của mẹ con tôi lên màn hình để nói với các sinh viên nữ ở Đức rằng học trò của thầy có thể sinh con trong thời gian học NCS và vẫn tốt nghiệp xuất sắc, một việc rất khó làm ở Đức. Tôi nhìn ánh mắt đầy từ hào của thầy mà thấy mình phải cố gắng hơn nữa. Từ năm 2011, tôi được nhận học bổng Jane Coffin Childs với lương khá cao và trợ cấp cho con nhỏ. Tình hình kinh tế của gia đình tôi giờ đỡ khó khăn hơn.
Để phối hợp hiệu quả hơn trong công việc và gia đình, vợ chồng tôi làm một thời gian biểu chung. Chúng tôi chia sẻ việc nhà và thời gian chăm con. Cuối tuần nào hai vợ chồng cũng thay phiên đi làm và đưa con đi chơi, giao lưu với bạn bè. Con gái tôi giờ đã 4 tuổi, qua ba mùa đông khắc nghiệt, đã trở nên cứng cỏi, ít khi ốm đau. Mặc dù vẫn gầy nhưng cháu cao như các bạn ở lớp, rất hiếu động và ham học. Hàng năm, mẹ con tôi vẫn về Việt Nam thăm ông bà, mặc dù mệt nhưng rất vui.
Nhìn mẹ tôi và nhiều người quen mắc bệnh hiểm nghèo mà tôi thấy mình phải cố gắng hơn trong nghiên cứu để góp phần vào sự phát triển của y học. Giờ bố mẹ tôi đã thấy cảm thông và đồng tình với những lựa chọn của tôi. Cuối tuần thấy mẹ đi làm, con gái tôi bảo “Con cũng muốn lên phòng thí nghiệm như mẹ.” Tôi mỉm cười nghĩ nếu sau này con gái cũng thích làm khoa học thì tôi mong sẽ là người đầu tiên nắm tay con dắt đi trên con đường này và truyền cho con một niềm tin rằng phụ nữ hoàn toàn có thể vừa thành công trong sự nghiệp khoa học và vừa có một gia đình hạnh phúc.
Lê Nguyệt Minh
———————————
Giới thiệu về tác giả: TS. Lê Nguyệt Minh là một học giả Jane Coffin Childs, đang nghiên cứu về Sinh học ung thư ở Đai học Y Harvard. Chị cũng đang tổ chức dự án dịch sách Sinh học Phân Tử của Tế bào sang tiếng Việt.
Bài viết nằm trong cuộc thi “Hành trình nước Mỹ”. Tiêu đề do Dân trí đặt lại.