Nữ thủ khoa xinh đẹp gắn bó với nghiệp ca nương

(Dân trí) - Thủ khoa xinh xắn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam 2015 Nguyễn Thùy Chi đến với ca trù tình cờ như một lẽ tự nhiên, để rồi trở thành một “ca nương xuất sắc”.

 

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Nguyễn Thùy Chi

Ngày sinh: 11/8/1992

Thành tích:

- Thủ khoa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Khoa Nhạc cụ truyền thống, Chuyên ngành đàn tỳ bà) với điểm học tập toàn khóa 8,1.

- Nhận học bổng các kỳ của trường.

- Nhận học bổng Toyota năm 2014.

- Đoạt giải Ca nương xuất sắc tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014.

 


Từ năm 10 tuổi, Thùy Chi bắt đầu nuôi đam mê âm nhạc trong mình.

Từ năm 10 tuổi, Thùy Chi bắt đầu nuôi đam mê âm nhạc trong mình.

Cơ duyên với ca trù của cô gái 9X

Chị gái thứ hai trong gia đình theo học đàn tỳ bà, phải xa nhà từ nhỏ nhưng mỗi lần về quê đều dành thời gian hát và dạy lại cho Thùy Chi. Nhận thấy được đam mê của mình, Chi xin phép cho bố mẹ theo học đàn như chị, từ năm 10 tuổi.

Có chị theo học trước, Chi luôn được hướng dẫn và chỉ bảo những điều chưa làm được trên lớp. “Hoặc đơn giản, những lúc nghe chị đánh đàn, cũng giúp mình thuộc bài và biết cách xử lý tác phẩm. Chị là người dạy mình nốt nhạc đầu tiên, giúp mình nhận rõ được niềm đam mê âm nhạc”, Thùy Chi bày tỏ.

Cũng như đàn tỳ bà, cơ duyên Chi đến với ca trù cũng rất tình cờ. Một lần được chị gái dẫn tới xem biểu diễn tại Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Thăng Long (hiện tại là Giáo phường Ca trù Thăng Long), Chi đã hát thử hai câu trong bài Đào Hồng Đào Tuyết.

Thùy Chi chia sẻ: “Và không ngờ cô Huệ - chủ nhiệm CLB khen ngợi mình có chất giọng rất hợp với hát ca trù. Từ đấy, mình tham gia CLB thường xuyên hơn.

Càng học mình thấy yêu hơn, càng cảm nhận được cái hay, cái đẹp của Ca trù, rất mộc mạc nhưng vô cùng quyến rũ, với tiếng đàn Đáy trầm đục, tiếng trống Chầu tom chat tom, một cỗ phách và giọng hát ngọt ngào của người ca nương. Tất cả đã tạo nên một sự hòa quyện đến tuyệt vời”.


Cô xuất sắc tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia với vị trí thủ khoa.

Cô xuất sắc tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia với vị trí thủ khoa.

Ban đầu học tập, Chi cũng gặp nhiều khó khăn. Tài liệu ca trù hiếm hoi và chỉ học được ở bên ngoài, thông qua nghệ nhân. Bên cạnh đó, người hát ca trù vừa làm ca sĩ, vừa làm nhạc công: vừa hát, vừa gõ phách, sao cho nhuần nhuyễn được kĩ thuật hát và cỗ phách.

Lời tác phẩm là lời thơ cổ, nên Chi cũng khá khó khăn để nhớ và hiểu rõ. Lúc đầu, Chi phải thuần thục từng thứ trước, mặc dù lúc quên phách, lúc quên lời, nhưng dần dần, tập nhiều đã thành quen. “Mình không nản lòng, vì được cô giáo khen học nhanh nên càng tập chăm hơn nữa”, Chi nói.

Mong muốn âm nhạc truyền thống đến gần hơn bạn trẻ

Chi luôn cảm thấy may mắn khi được giáo dục về âm nhạc truyền thống và tiếp xúc với môi trường này một cách chuyên nghiệp, nên yêu thích và luôn có ý thức cao về sự trân trọng.

Chi chia sẻ: “Mình đến với ca trù, phần lớn cảm thấy bản thân may mắn, vì không phải ai muốn cũng được học vì xưa kia Ca trù chỉ truyền nghề cho con cháu trong nhà, trong dòng họ. Nên khi gặp được người thầy trân truyền, mình đã không hề do dự mà gắn bó.

Bên cạnh đó, mình còn suy nghĩ: Đã là người theo đuổi con đường âm nhạc truyền thống thì cần phát huy và lan truyền tình yêu đó đến với nhiều người khác. Mình muốn đóng góp công sức nhỏ bé để giữ gìn môn nghệ thuật này”.


Thùy Chi mong muốn nghệ thuật ca trù đến gần hơn nữa những người trẻ

Thùy Chi mong muốn nghệ thuật ca trù đến gần hơn nữa những người trẻ

Không ít lần, Thùy Chi nhận được câu hỏi: Tại sao trẻ trung như vậy lại lựa chọn loại hình nghệ thuật được coi chỉ dành cho những người già. Cô đã mỉm cười trả lời: “Nghệ thuật trân chính thì chỉ có cái đẹp, cái hay, cái tinh túy chứ không có cái gọi là già hay trẻ.

Có lẽ ngày nay do sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ mà  đã dẫn đến sự thay đổi về nhu cầu của con người. Họ thích những gì hiện đại, tiên tiến mà dần quên đi những giá trị truyền thống, đặc biệt là âm nhạc truyền thống để thay vào đó là những dòng nhạc thị trường, dòng nhạc hiện đại. Mình cảm thấy thật buồn!”

Thùy Chi luôn mong muốn đẩy mạnh ca trù, mang loại hình âm nhạc này đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là người trẻ. Vì vậy, trong những buổi biểu diễn hoặc cuộc thi dành cho sinh viên, cô luôn biểu diễn các tiết mục ca trù.

“Điều đáng mừng là sự đón nhận của các bạn ấy đối với Ca trù rất mạnh mẽ. Nhiều người còn khen ca trù hay, thích và muốn được học hát… Đó là những niềm vui nho nhỏ mình gặt hái được sau những buổi diễn”, Chi nói.

Chi cho rằng, các bạn trẻ ngày nay chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với âm nhạc truyền thống nên không biết, không hiểu về âm nhạc truyền thống Việt Nam, có những loại hình gì, nên thờ ơ cũng là điều dễ hiểu.

Nữ thủ khoa xinh đẹp gắn bó với nghiệp ca nương - 4

Để đẩy mạnh truyền bá Ca trù đến đông đảo các bạn trẻ, Chi cùng những người trong CLB đã có nhiều buổi giao lưu, biểu diễn, dạy hát cho các bạn sinh viên, hoặc tổ chức các buổi ngoại khóa giới thiệu về nghệ thuật ca trù…

“Hy vọng rằng nó phần nào tạo được cảm hứng cũng như tình yêu đối với âm nhạc truyền thống cho các bạn trẻ. Chúng mình mong muốn Ca trù sẽ sớm quay trở lại với người dân Việt Nam, trở thành điểm nhấn, vẻ đẹp mang đậm dấu ấn dân tộc, đồng thời là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt như giá trị từng có của ca trù một thời vang bóng.

Năm 2014, Thùy Chi tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc và giành được giải Ca nương xuất sắc. “Đây là một trải nghiệm tuyệt vời mình luôn trân trọng, nâng niu. Danh hiệu ấy giúp mình có động lực hơn, để cố gắng thật nhiều nữa, trong việc học hỏi, rèn luyện và mang những giá trị của loại hình âm nhạc này đến với công chúng”.

Nữ thủ khoa xinh đẹp gắn bó với nghiệp ca nương - 5
Nữ thủ khoa xinh đẹp gắn bó với nghiệp ca nương - 6

Và hình ảnh một Thùy Chi nhí nhảnh, đáng yêu giữa đời thường.

Và hình ảnh một Thùy Chi nhí nhảnh, đáng yêu giữa đời thường.

 

Hoài Thư

(Ảnh NVCC)