Nữ thủ khoa có điểm tốt nghiệp cao nhất lịch sử trường
(Dân trí) - Dương Ngân Hà là thủ khoa đầu ra ngành khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hà có tổng điểm 3.96/4.0, được xem là số điểm tốt nghiệp cao nhất lịch sử trường.
Thủ khoa đầu ra với số điểm gần tuyệt đối
Với tổng số 43/47 môn đạt được điểm A+, Dương Ngân Hà (SN 2001, quê Hưng Yên) đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra ngành khoa học máy tính (chương trình chất lượng cao) của Trường Đại học Công nghệ Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nữ sinh đạt số điểm tổng là 3.96/4.0.
Ngân Hà cũng là 1 trong 96 thủ khoa được xét chọn trong lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã diễn ra, được tổ chức vào ngày 10/10 vừa qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tuy nhiên, Ngân Hà đã không thể tham dự buổi lễ đặc biệt này vì nữ sinh hiện đang du học tại Châu Âu với học bổng Thạc sỹ toàn phần Erasmus Mundus.
Đạt được số điểm tốt nghiệp cao nhất lịch sử trường, Ngân Hà chia sẻ bí quyết: "Công việc chính của mình là học, do đó mình luôn đặt chuyện học lên ưu tiên hàng đầu. Với mình, việc đi học đầy đủ và nghe giảng trên lớp sẽ giúp người học tiết kiệm nhiều thời gian hơn.
Bên cạnh đó, mình cũng chủ động thời gian như sắp xếp học các môn trên trường sao cho hợp lí, dành khoảng 2-3 ngày để nghiên cứu khoa học,... Ngoài giờ học, mình còn tham gia các hoạt động Đoàn, hội. Các hoạt động đó giúp mình bổ trợ nhiều kỹ năng thực tiễn hơn".
Nữ sinh cũng cho biết trong quá trình học không tránh khỏi những lúc đạt điểm không như kỳ vọng. Vào thời gian phải chuyển sang hình thức học trực tuyến, Ngân Hà bộc bạch mình bị hạn chế nhiều mặt dẫn đến hiệu suất trong việc tiếp thu bài vở của nữ sinh giảm đáng kể.
"Khi nhận được số điểm không đúng với mục tiêu đặt ra, mình đã lập tức "thức tỉnh" và điều chỉnh cũng như thích nghi với môi trường học trực tuyến khi ấy", Hà nói.
Khi nhận được danh sách thủ khoa đầu ra, Ngân Hà đã phấn khích báo ngay cho gia đình. Nữ sinh nói: "Thú thật, mục tiêu thủ khoa không phải là mục tiêu ban đầu của mình. Nếu mình đặt nó là đích đến từ năm nhất, mình sẽ rơi vào trạng thái không ngừng so sánh bản thân với những người khác chỉ để biết được mình đang hơn kém bao nhiêu điểm.
Mục đích duy nhất của mình khi học đại học chính là được tiếp thu kiến thức, trang bị kỹ năng. Sau đó, mình sẽ sử dụng nền tảng đó và chuẩn bị thật tốt cho giai đoạn sau đại học".
"Bình thường hóa" việc con gái đam mê công nghệ
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về niềm đam mê về công nghệ, nữ sinh Hưng Yên cho biết nó xuất phát từ sự yêu thích đối với bộ môn toán học. Từ khi còn học cấp 3, Ngân Hà đã là học sinh lớp chuyên toán. Không những thế, Hà còn tham gia các hoạt động khác như Ngày hội toán học mở, Trại hè toán,...
Vào giai đoạn ôn thi đại học, Hà cũng từng cảm thấy mông lung. Được chị gái định hướng chọn những ngành phù hợp với thế mạnh và sở thích của nữ sinh là môn toán, Hà tìm hiểu chương trình dạy học của Trường Đại học Công nghệ Hà Nội.
"Lúc đọc danh sách các môn học, mình lập tức trở nên thích thú và cảm thấy chương trình học này sẽ giúp mình tạo ra những sản phẩm ứng dụng thú vị. Thế là mình đặt luôn nguyện vọng một là ngành khoa học máy tính ở Trường Đại học Công nghệ Hà Nội".
Trả lời câu hỏi liệu nữ sinh có bao giờ cảm thấy khác biệt khi là con gái nhưng học IT, Ngân Hà chia sẻ rằng môi trường quanh nữ sinh từ gia đình, thầy cô đến bạn bè đều không có định kiến: "Trong quá trình học tập và làm việc, mình cũng chưa bao giờ gặp khó khăn nào mà giới tính cản trở cả.
Theo mình, thực tế thì đúng là lĩnh vực này phần lớn là nam giới. Những điều này không trở thành rào cản của mình. Ngược lại, mình vẫn làm việc nhóm, trao đổi bài vở với các nam sinh cùng lớp. Qua đó, mình có cơ hội được học hỏi nhiều kiến thức mới từ các bạn".
Bản thân Ngân Hà nhận định mình được sinh ra trong một gia đình có nền tảng tốt. Có bố mẹ là những người đưa ra lời khuyên tốt, Ngân Hà cũng có cho mình một chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Vào những lúc vấp ngã, bố thường khuyên nữ sinh hãy xem đây là cơ hội để rèn luyện khả năng chịu đựng của bản thân. Còn với mẹ của Hà, ở tuổi 53, bà vẫn đều đặn học tiếng Anh hai buổi/tuần.
Hà học hỏi được ở mẹ là một người không bao giờ bỏ cuộc. Vì vậy, có những lúc hơi "đuối sức", nữ sinh nhớ đến mẹ và lập tức được truyền cảm hứng và năng lượng tích cực.
Chị của Hà và cô đều là cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương, Hưng Yên). Ngân Hà cũng cho biết cô còn có một người chị họ là thủ khoa đầu ra ngành bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.
"Mình chưa bao giờ cảm thấy tự ti khi xung quanh toàn là "học bá". Ngược lại, mình lấy đó là tấm gương để không ngừng phấn đấu cũng như học hỏi từ những kinh nghiệm đi trước của anh chị", Hà nói.
Anh Phạm Hoàng Giang, người bạn đại học và cùng nghiên cứu các dự án khoa học với Ngân Hà, nhận xét: "Em Hà là một người yêu thích đặt câu hỏi và vấn đề trong học tập, nghiên cứu.
Hà chăm chỉ và có khả năng tập trung cao độ khi làm việc. Ngoài ra, Hà cũng là người cân bằng tốt thời gian từ học tập, nghiên cứu cho đến tham gia các hoạt động ngoại khóa hay sở thích cá nhân".
Yêu thích bộ môn nghệ thuật múa bụng
Ngoài niềm đam mê với máy tính, Hà còn có sở thích là múa bụng. Được mẹ cho theo học bộ môn này từ cấp 2, Ngân Hà góp mặt trong không ít các cuộc thi và mang về nhiều giải thưởng như giải Ba cuộc thi Bellydance Sensation Festival (lễ hội múa bụng) năm 2020 hạng mục Drum Solo (đánh trống đơn), giải vô địch cuộc thi Unlimited Bellydance Festival (lễ hội múa bụng không giới hạn) năm 2023,...
Từng sợ vấp phải sự phản đối của nhiều người vì định kiến "bộ môn này phản cảm", Ngân Hà chần chừ trước quyết định có nên theo học múa bụng hay không. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự ủng hộ từ gia đình, Hà theo học và đi biểu diễn nhiều nơi.
"Mình đã từng không dám bày tỏ niềm yêu thích này với mẹ vì sợ mẹ mình không có cái nhìn tốt về bộ môn nghệ thuật này. Thế nhưng trong suốt 13 năm theo đuổi múa bụng, mẹ luôn ủng hộ và trở thành hậu phương vững chắc của mình", Hà bộc bạch.
Thời điểm trước khi tốt nghiệp, Ngân Hà đã từng dành nhiều tháng ôn thi IELTS nhưng kết quả không được như ý. Thậm chí, nữ sinh ứng tuyển học bổng ngoài ngân sách nhưng không thấy hồi âm, bài báo quốc tế bị từ chối ba lần, trượt một học bổng thạc sĩ và bị ba công ty từ chối đơn ứng tuyển.
Quá nhiều áp lực ập tới cùng một lúc, Ngân Hà cho mình thời gian để bình tâm và bắt đầu sắp xếp lại mọi thứ: "Khi nhận được tin trúng tuyển học bổng toàn phần thạc sĩ Erasmus Mundus, mình đã vỡ òa cảm xúc vì tưởng rằng "ông trời không thương mình". Giữa 1.000 hồ sơ ứng tuyển, mình may mắn nằm trong 25 suất học bổng được trao".
Chia sẻ về dự định tương lai, Hà cho biết sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, cô sẽ làm nghiên cứu sinh và tiếp tục hành trình trau dồi học tập của mình.