Nữ thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học ở tuổi 63

(Dân trí) - Trong số nhiều thí sinh đến trường ĐH Văn Hiến đăng ký xét tuyển ĐH mới đây có một thí sinh rất đặc biệt. Đó là thí sinh Đào Thị Thư, 63 tuổi đăng ký xét tuyển vào ngành Piano và tiếng Pháp bậc đại học của trường.

Thí sinh 63 tuổi xét tuyển vào đại học

Bắt đầu học lại ở tuổi 51

Nữ thí sinh đặc biệt này ở quận 8, TP.HCM. Đến trường đăng ký, bà Thư chuẩn bị khá kỹ càng các hồ sơ mang theo để đăng ký xét tuyển với chứng chỉ tú tài phổ thông cấp năm 1974 đã nhàu nát được ép nhựa cẩn thận và một bằng tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Hà Nội cấp năm 2016.

Nữ thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học ở tuổi 63 - 1

Bà Đào Thị Thư - một thí sinh đặc biệt đăng ký xét tuyển vào ĐH khi đã 63 tuổi

Bà Thư bộc bạch, năm 1974 sau khi có bằng tú tài phổ thông, bà chọn ngành Hóa sinh ở Đại học Khoa học để lấy chứng chỉ dự bị đại học chuyển sang Đại học Y khoa. Năm 1975, sau khi miền Nam được giải phóng, bà Thư vẫn tiếp tục học thêm một năm nữa nhưng điều kiện gia đình bấy giờ quá khó khăn nên bà bỏ ngang việc học.

Rồi sau đó, bị cuống theo cuộc sống mưu sinh, bà lấy chồng, sinh con và chôn vùi ước mơ đi học của mình. Mãi tới năm 2007, khi con đã trưởng thành, yên bề gia thất, bà quyết định quay lại trường học thực hiện ước mơ của mình. Lúc đó bà đã 51 tuổi.

Ở độ tuổi không còn trẻ để tiếp thu quá nhiều thứ nên bà Thư chọn học tiếng Anh vì một phần trước đây bà từng rất thích học môn này. Bà học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và bà phải học lại căn bản A, B, C từ đầu. Dù mới khóa đầu tiên, điểm số của bà Thư khá cao và đó là động lực để bà theo đuổi quá trình học vì nhận thấy "mình cũng có thể học tốt được".

Bà Thư có 3 năm liên tiếp học tiếng Anh ở trường ĐH Sư phạm TP.HCM rồi từ chứng chỉ tiếng Anh, bà chuyển qua học thi TOEIC. Bà cho biết, khi kết thúc 3 năm học tại đây, điểm TOEIC của bà đạt mức 600.

Nữ thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học ở tuổi 63 - 2

Dù 63 tuổi nhưng bà Thư vẫn rất trẻ so với tuổi, bà chia sẻ theo đuổi quá trình học vì nhận thấy "mình cũng có thể học tốt được"

Không dừng lại, năm 2011 bà Thư tiếp tục đăng ký học đại học từ xa của Trường ĐH Hà Nội. Sau 5 năm miệt mài, bà Thư tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh năm 2016 với điểm tốt nghiệp Trung bình khá.

Con đường trở lại đi học đã đưa bà Thư sang một ngã rẽ khác. Sau khi có bằng B tiếng Anh, bà được mời dạy ở một số trung tâm ngoại ngữ nhỏ. Khi có bằng đại học tiếng Anh, bà lại được mời dạy ở hai trường tiểu học tại quận 5, TP.HCM.

Học bù cho đam mê thời tuổi trẻ

Bà Thư kể, hồi trẻ rất thích đi học nhưng thời xưa cha mẹ bà lại không muốn cho con gái học nhiều, bà lại là chị hai, phía sau còn cả một đàn em nhỏ.

“Khi học xong tú tài, bà mẹ không cho tôi học nữa và vứt hết sách vở ra đường. Hàng xóm thương tình nhặt đưa lại cho tôi. Dù vậy tôi vẫn đăng ký vào học Đại học Khoa học và ba mẹ thấy ngăn hoài không được nên sau đó cũng xuôi”, bà Thư chia sẻ.

Nữ thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học ở tuổi 63 - 3

Dù đã có bằng cử nhân tiếng Anh lúc 54 tuổi, giờ ở tuổi 63 bà Thư vẫn muốn theo học bậc ĐH ở chuyên ngành đàn Piano và tiếng Pháp

Tuy nhiên vì điều kiện gia đình không khá giả nên rồi bà đành bỏ dở con đường học tập thời tuổi trẻ của mình. Chính có lẽ vì thế những đam mê đi học vẫn luôn ẩn trong tâm trí thời thanh xuân của bà.

Ngoài thời gian đi dạy, bà Thư đang theo học tiếng Pháp ở trung tâm ngoại ngữ. Mặc dù đang là giáo viên dạy organ ở hai trường mầm non nhưng với piano, bà thú nhận là chưa biết nhiều. Bà bảo đã mua sách về tự học, đánh được nhiều bài nhưng kỹ thuật còn rất yếu.

Đọc báo thấy Trường ĐH Văn Hiến miễn học phí đại học cho người trên 60 tuổi, bà Thư quyết định đăng ký xét tuyển vào ngành Piano và cả ngành tiếng Pháp. Bà chia sẻ nếu không trúng tuyển đại học ngành piano, bà sẽ chọn học tiếng Pháp.

Ở tuổi 63, không còn rào cản về chăm lo đời sống con, với bà Thư được đi học chính là niềm vui tuổi già. Khi hỏi về những khó khăn khi đến trường ở tuổi không còn trẻ, bà Thư tâm sự: “Tôi thấy biển học mênh mông, tri thức thì luôn có nhiều điều mới, nên cứ học nữa, học mãi để bản thân mình thêm hiểu biết. Với tôi, học là niềm vui, không phải học để có bằng cấp và kiếm tiền. Hơn nữa, cảm giác được là sinh viên khiến tôi "sung sướng". Được ngồi trên giảng đường đại học, được học tập và tìm hiểu kiến thức thực sự là mong ước rất lớn của tôi".

Chia sẻ thêm về ước mơ theo đuổi ngành Thanh nhạc, bà Thư cho biết, hiện bà được con ủng hộ mình đi học, lại rất thích Piano nên mong muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn.

"Tuổi cũng đã lớn nên việc học piano có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Tôi thích piano nên đi học cái chính là để thỏa đam mê của mình mà trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Hơn nữa, tôi muốn học thêm piano để có thêm kiến thức, dạy các bé tốt hơn" bà Thư nói.

Theo ông Huỳnh Hoàng Cư, Trưởng khoa Nghệ thuật Trường ĐH Văn Hiến, người lớn tuổi học nghệ thuật nhiều nhưng đó là các khóa ngắn hạn. Bà Thư là trường hợp lần đầu tiên ông thấy dù lớn tuổi như vậy đăng ký học đại học chính quy.

Được biết, ngày 31/7 tới đây bà Thư sẽ đến trường thi môn năng khiếu theo quy định như các thí sinh bình thường khác.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm