Nữ sinh viên nghèo học giỏi nuôi ước mơ xây những ngôi nhà đẹp

(Dân trí) - Là con gái nhưng Hồ Ngọc Thuỳ Linh khiến các bạn nam trong lớp Xây dựng dân dụng (năm 2) trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu phải ngưỡng mộ bởi thành tích học giỏi. Cô sinh viên với thân hình gầy gò nhỏ nhắn luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn.

Mẹ bán vé số nuôi con học giỏi suốt 13 năm

Hồ Ngọc Thuỳ Linh lọt vào trong danh sách sinh viên tiêu biểu của trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu với thành tích hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt.

“Hồi trước gia đình em rất khó khăn, nhưng giờ thì cũng tạm đủ sống dù ba vẫn đi làm hồ và mẹ vẫn bán vé số”, nữ sinh viên Hồ Ngọc Thuỳ Linh mở đầu câu chuyện về cuộc sống của mình.


Nữ sinh viên Hồ Ngọc Thuỳ Linh học giỏi suốt 13 năm.

Nữ sinh viên Hồ Ngọc Thuỳ Linh học giỏi suốt 13 năm.

Ngôi nhà - nơi sinh sống của 4 người trong gia đình Thùy Linh ở xã Long Nguyên, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất nhỏ, nép trên mảnh đất của ông bà ngoại để lại mấy chục năm. Không có mảnh vườn, mẫu ruộng nên cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào thu nhập bấp bênh của ba làm thợ xây và xấp vé số mẹ bán mỗi ngày. Chưa kể, cách đây 7 năm, mẹ Linh phát hiện bị u nang buồng trứng nên cuộc sống nghèo khó có lúc càng khó khăn gấp bội.

Thương em, anh trai Linh học hết lớp 12 thì đi làm thêm để dành mọi hỗ trợ cho Linh tiếp tục con đường ăn học. Đáp lại điều đó, Linh luôn đạt thành tích giỏi từ lớp 1 đến lớp 12.

Linh bộc bạch, từ lúc biết nhận thức đến giờ em chỉ biết mẹ đi bán vé số, tính đến nay cũng đã hơn 20 năm. Ký ức lúc còn nhỏ của Linh là những lần mẹ trao em cho hàng xóm giữ giúp để đi bán vé số, tính đến nay thì số năm mẹ phải vất vả bán vé số cũng bằng số tuổi của Linh.

Thuỳ Linh chia sẻ: “Nhìn ba mẹ em khổ cực cả đời để lo cho các con ăn học nên em cố gắng học để cuộc đời không sống khổ như ba mẹ, nếu mình sống tốt thì ba mẹ cũng sẽ không còn khổ vì mình nữa”. Với suy nghĩ đó, Thuỳ Linh luôn cố gắng học và kết quả em luôn đạt thành tích xuất sắc, không phụ những nỗ lực đã bỏ ra.

Đến lúc lên đại học, Thuỳ Linh tiếp tục giữ vững thành tích học tập của mình. Hai học kỳ năm 1, Thuỳ Linh đều đạt thành tích giỏi với trung bình điểm 8,3, em nhận được học bổng khuyến học, khuyến tài của trường năm học đó. Kết thúc học kỳ một năm 2, kết quả học tập của Linh cũng trên 8,0.

Cô nữ sinh bật mí rằng, cuối năm nhất gia đình rơi vào cảnh khó em cũng đã có một tháng đi bán vé số. “Lúc đó em chỉ bán mỗi buổi 50 tờ vé số, thu nhập được 60.000 đồng/buổi. Dù thời gian bán chỉ một tháng nhưng em càng thêm hiểu sự vất vả mà mẹ đã trải qua suốt mấy chục năm qua”, Thuỳ Linh kể lại.

Giai đoạn khó khăn nhất ấy cũng đã qua, sau đó Linh nhận làm gia sư cho một học sinh lớp 9 ở huyện Long Điền. Số tiền ít ỏi gần 1 triệu đồng phần nào giúp Linh không phụ thuộc và bớt gánh nặng lên gia đình khó của mình.

Khi được hỏi có bao giờ cảm thấy xấu hổ về sự nghèo khó của ba mẹ mình, Linh chia sẻ: “Hồi còn nhỏ em không hiểu nên cũng đôi lúc xấu hổ nhưng càng lớn em hiểu được ba mẹ đã không có lựa chọn khác và những vất vả đó cũng là tương lai cho con”.

Ước mơ xây nhà đẹp

Hồ Ngọc Thuỳ Linh cho biết, có lẽ ảnh hưởng một phần từ công việc xây nhà của cha, nên từ bé Linh đã thích mê công việc xây nhà. “Hồi nhỏ cứ đi học em rất thích nhìn ngắm những căn nhà nhà đẹp. Mỗi lúc như thế em thầm ngưỡng mộ những người thợ xây, những kiến trúc sư đã tạo nên vẻ đẹp đó. Rồi từ đó, em ước ao sẽ có lúc mình sẽ là người thiết kế góp phần tạo nên những căn nhà đẹp, những toà nhà kỳ vỹ ”. Thế là dần dần, Thuỳ Linh ấp ủ ước mơ theo đuổi nghề kiến trúc sư.

Thuỳ Linh không ngại học ngành của con trai bởi ước mơ xây những căn nhà đẹp của mình
Thuỳ Linh không ngại học ngành của con trai bởi ước mơ xây những căn nhà đẹp của mình

Thế nhưng thay vì thi vào trường ĐH Kiến trúc thì cuối năm lớp 12 chuẩn bị thi ĐH thì Thuỳ Linh rẽ vào trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu. Linh lý giải: “Em định thi vào ĐH Kiến trúc TPHCM rồi nhưng hoàn cảnh gia đình em nghèo vậy, lấy tiền đâu để đóng tiền học ôn luyện thi môn năng khiếu khá tốn kém. Lúc đó gia đình em rất khó khăn. Từ bỏ ước mơ đó, em quyết định chọn trường gần nhà và học ngành Xây dựng vì cũng thấy khá gần với ngành em yêu thích”.

Lớp Thuỳ Linh đang theo học có hơn 30 sinh viên, trong 3 nữ sinh hiếm hoi của ngành Xây dựng, thuộc Viện Kỹ thuật - Kinh tế biển. Trong môi trường học toàn nam, Linh cảm thấy may mắn vì luôn được các bạn ưu ái gánh nhiều việc và hỗ trợ nhiều trong học tập.

Tương lai phía trước sẽ còn nhiều thử thách đối với nữ sinh viên này, nhưng Thuỳ Linh vẫn lạc quan cho biết: “Nhiều người cứ nghe tới ngành Xây dựng sẽ cho rằng không thể nào phù hợp với con gái, nhưng em lại không nghĩ vậy. Xây dựng không chỉ đơn thuần có mặt 24/24h ở công trường mà sẽ có những công việc phù hợp với sức vóc của em. Đó là chưa kể con gái sẽ có sự tinh tế, tỉ mẩn mà ngành nào cũng cần chứ không riêng gì ngành kỹ thuật xây dựng”.

“Nếu mình có khả năng thì bản thân mình sẽ làm chủ bản thân, vận dụng lợi thế vốn có của mình. Em không lo mình không đạt được mục tiêu mà mình đang phấn đấu. Em nghĩ nếu cố gắng học tập ngành Xây dựng sau này mình đi làm có thể tự tích luỹ thêm các kiến thức về kiến trúc, em nghĩ lúc đó theo đuổi cái mình thích cũng không quá muộn”, Thuỳ Linh bộc bạch.

Lê Phương

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục