1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nữ sinh nghèo dân tộc Thái nuôi khát khao thành cô giáo dạy lịch sử

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Vượt qua rất nhiều đối thủ trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn lịch sử lớp 12 của tỉnh Nghệ An năm nay, Vi Thị Quỳnh Như giành vị trí thủ khoa với 18 điểm.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thái nuôi khát khao thành cô giáo dạy lịch sử - 1

Cô Nguyễn Kiều Hoa, hiệu trưởng nhà trường và học sinh Quỳnh Như (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Từ cô học trò nghèo đến bài thi sử 12 trang

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức vừa qua, Vi Thị Quỳnh Như (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An) ở bảng A, đạt 18 điểm môn lịch sử, đứng đầu toàn tỉnh.

Quỳnh Như là một trong những trường hợp đặc biệt năm nay khi giành vị trí thủ khoa nhưng không phải học sinh thuộc khối trường chuyên.

Câu chuyện của Vi Thị Quỳnh Như là minh chứng rõ nét cho sự thành công của dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Dự án tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Quỳnh Như cho hay, cầm đề thi em đọc một lượt, phân tích kỹ đề, viết dàn ý và làm bài.

Em bất ngờ và hạnh phúc khi bài thi dài 12 trang giấy của mình giúp em giành thủ khoa trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn lịch sử lớp 12 của tỉnh Nghệ An năm nay.

Cô Nguyễn Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú (THPT DTNT) tỉnh Nghệ An cho phóng viên Dân trí biết, Quỳnh Như là người dân tộc Thái.

Đánh giá về khả năng tự học của cô học trò này, hiệu trưởng nhà trường cho biết, Như có ý thức tự học rất tốt.

Ngoài thời gian học tập ở lớp, em có khó khăn gì sẽ tham khảo thêm ý kiến thầy cô. Đặc biệt, nhà trường đánh giá cao khả năng tự học của em.

Ngoài ra, nhà trường cũng hỗ trợ em mượn máy tính để tra cứu tài liệu tự học qua mạng.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thái nuôi khát khao thành cô giáo dạy lịch sử - 2

Vi Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 12C1, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

"Em sinh ra trong gia đình thuộc hộ nghèo của xã miền núi huyện Thanh Chương, Nghệ An, nhà cách trường 120km. Hoàn cảnh gia đình Như khó khăn, bố mẹ làm nông và chăn nuôi thêm. 

Mùa nông nhàn, làng trên xóm dưới ai thuê gì, bố mẹ Như đều nhận làm. Bản thân Như ở trường nội trú nên thầy cô giống người thân trong gia đình em", cô Hoa cho hay.

Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, mặc dù sinh ra trong gia đình khó khăn, xung quanh nhiều bạn bè cùng trang lứa có người kết hôn, một số đã đi làm để có thu nhập nhưng cô học trò nhỏ này vẫn đeo đuổi nghiệp học hành. Đặc biệt, bố mẹ Như rất ủng hộ tinh thần để con gái khăn gói về tỉnh học nội trú.

"Như là cô học trò trầm tính, ít nói. Trong lớp em học giỏi, nhất là môn lịch sử. Đây là môn học còn nhiều tranh cãi nhưng tôi cho rằng bằng tình yêu, sự đồng hành của thầy cô, đã thắp lên trong em ngọn lửa đam mê cho môn học", cô Hoa nói.

Nuôi khát khao làm giáo viên sử

Chia sẻ thêm với phóng viên, Như cho biết, sở dĩ mình chọn môn lịch sử bởi từ nhỏ em đã yêu thích, lên cấp 2, cô học trò thường hay đọc và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến bộ môn này. 

Hàng ngày, em học kiến thức trong sách giáo khoa ở trường kết hợp giải đề thi nâng cao, đây phần lớn là đề thi thử các năm trong cả nước mà giáo viên cung cấp.

Thời gian rảnh, em tranh thủ thời gian đến phòng máy tính của trường để tìm kiếm thông tin. 

Nhiều người lo lắng môn sử dài, nhiều sự kiện nhưng em không học thuộc lòng máy móc mà tìm ra từ khóa mấu chốt của vấn đề để ghi nhớ kiến thức.

Để "ăn điểm", Quỳnh Như liên hệ với những vấn đề xảy ra trong những năm gần đây để mở rộng kiến thức, tư duy sâu hơn về lịch sử trong nước và thế giới.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thái nuôi khát khao thành cô giáo dạy lịch sử - 3

Quỳnh Như là học trò ngoan, biết lên kế hoạch chủ động trong học tập (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Chia sẻ về ước mơ sau này, Như cho biết, mục tiêu của em vào đại học và trở thành cô giáo lịch sử để truyền cảm hứng, tình yêu môn học này đến với nhiều thế hệ học trò.

Theo Quỳnh Như, có nhiều con đường để thành công nhưng với em, đi học là con đường đúng đắn nhất. 

"Em muốn truyền cảm hứng cho thế hệ sau về lịch sử trong nước và trên thế giới. Nếu thật sự có đam mê và yêu thích, chỉ cần cố gắng nhiều hơn,  việc học môn sử không có gì là khó", Như chia sẻ.

Nữ sinh người Thái cũng muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để các bạn trẻ có thể tiếp cận với Lịch sử một cách mới mẻ hơn, không còn nặng nề là môn học thuộc, khô khan.

Theo nữ sinh này, nhiều người cho rằng đây là môn học khô khan nhưng chỉ cần đặt tấm lòng của mình vào môn học, đây sẽ là cuộc phiêu lưu rất hấp dẫn.

Chia sẻ thêm về cô học trò nhỏ, hiệu trưởng nhà trường nói rằng, học sinh ở đây đều xa gia đình nên thầy cô vừa là giáo viên, vừa đảm nhận trách nhiệm như người thân của các em.

"Với những học sinh thuộc dân tộc thiểu số giống Quỳnh Như, đời sống còn khó khăn, giáo viên phải vận động các em tới trường.

Chúng tôi luôn động viên các em cố gắng thoát nghèo, thoát khổ, có ý chí vươn lên trong học tập.

Tất nhiên những học sinh có ý chí vươn lên giống Quỳnh Như không nhiều nhưng hơn ai hết học sinh Quỳnh Như là một học trò ngoan, biết lên kế hoạch chủ động trong học tập. Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện để em hoàn thành tốt nhất các môn học", cô Kiều Hoa nói.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 của tỉnh Nghệ An năm học 2023-2024 có 3.371 lượt học sinh dự thi, đến từ hơn 100 trường Trung học phổ thông công lập, ngoài công lập và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh.

Các thí sinh tham dự 12 môn thi: Hóa học, Lịch sử, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Vật lý, Địa lý, Tin học, Sinh học, Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân và Tiếng Nga.