An Giang:

Nữ sinh giỏi toàn diện “nặng lòng” với giải pháp phòng chống đuối nước

(Dân trí) - “Em thấy không chỉ riêng miền Tây sông ngòi chằng chịt, cả nước ta nhìn đâu cũng thấy sông suối. Do vậy, nguy cơ trẻ em đuối nước rất cao nếu như công tác phổ cập bơi chưa được mọi người chú trọng” - nữ sinh Trần Xuân Uyên - lớp 9A1 trường THCS Lý Thường Kiệt ( TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Mong không còn nghe tin: em nhỏ chết đuối

Đến trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), PV Dân trí được BGH nhà trường giới thiệu em Trần Xuân Uyên, học sinh lớp 9A1. Ngoài thành tích học sinh giỏi toàn diện 4 năm liền, Xuân Uyên còn vận dụng kiến thức liên môn viết thành công nhiều đề tài mang tính xã hội trong đó đề tài “phòng chống đuối nước và công tác phổ cập bơi” mới đây của Uyên đạt giải cấp tỉnh. BGH nhà trường đã vận dụng bài viết của em để thực hiện công tác phổ cập bơi tại trường.

Xuân Uyên chia sẻ: “Năm học 2016-2017, khi phát động cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn” dưới cờ, thầy Phó hiệu trưởng nêu nhiều đề tài hay, tuy nhiên em quan tâm nhất đến đề tài trẻ em đuối nước. Mấy hôm sau, em xem thời sự nghe tin hai em nhỏ ở Kiên Giang chết đuối… Em thấy đau lòng lắm và quyết định vận dụng các kiến thức mình học để đưa ra giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em và rất mong mọi người nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này”.

Em Trần Xuân Uyên là một học sinh giỏi toàn diện của trường THCS Lý Thường Kiệt, đồng thời còn là nữ sinh nặng lòng với công tác phòng chống đuối nước cho học sinh
Em Trần Xuân Uyên là một học sinh giỏi toàn diện của trường THCS Lý Thường Kiệt, đồng thời còn là nữ sinh "nặng lòng" với công tác phòng chống đuối nước cho học sinh

Theo tìm hiểu của Uyên, không chỉ ở miền Tây có sông ngòi chằng chịt mà hầu như nhiều tỉnh thành trên cả nước đâu đâu cũng có sông suối bao quanh; Và chính điều này, hàng năm ở Việt Nam có hàng ngàn trẻ em chết đuối cũng vì nguyên nhân không biết bơi…

Uyên cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan khác dẫn đến tỷ lệ trẻ em đuối nước cao ở Việt Nam chính là nhà cửa, trường học xây dựng gần ao hồ nhưng không rào chắn, biển báo; trẻ em thích đùa nghịch nước; phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn; Không có sự quan tâm đúng mức của gia đình và xã hội; Người lớn và trẻ em thiếu kỹ năng bơi lội, sơ cứu đuối nước…

Nữ sinh Trần Xuân Uyên - học sinh lớp 9A1 trường THCS Lý Thường Kiệt, TP Long Xuyên, An Giang

Uyên chia sẻ: Nhiều năm qua, học sinh tụi em được chú trọng nhiều quá về kiến thức mà nhà trường thiếu trang bị cho chúng em về kỹ năng sống, trong đó một kỹ năng hết sức cần thiết cho học sinh, nhất là những học sinh vùng sông nước, là khả năng bơi lội. Theo em, để không còn tình trạng trẻ em tử vong vì đuối nước, ngoài việc tuyên truyền cho toàn xã hội quan tâm đến công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em thì nên đưa môn bơi lội thành một phân môn chính của bộ môn thể dục để 100% học sinh đều biết bơi.

Những năm gần đây, các cấp ngành từ trung ương đến địa phương đã quan tâm đến công tác phổ cập bơi cho học sinh nhưng hiệu quả chưa cao bởi thực trạng nhà trường thiếu hồ bơi, người dạy; nhận thức của gia đình, xã hội chưa sâu sắc về vấn đề này.

4 năm liền học sinh giỏi toàn diện

Nhìn vào bảng thành tích học của của Uyên, ai cũng tấm tắc ngợi khen, bởi suốt 4 năm học qua (tính đến hết học kỳ 1, năm học 2016 - 2017), Uyên là học sinh xuất sắc của trường THCS Lý Thường Kiệt. Ngoài ra, Uyên còn đang sở hữu nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh đến những giải thưởng cấp Quốc gia ở những cuộc thi giải toán trên máy tính; các cuộc thi tiếng Anh...

Nhận xét về cô học trò Trần Xuân Nguyên, thầy Thái Hoàng Phương - Phó hiệu trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết: Em Uyên là một học sinh ngoan hiền, 4 năm liền em là học sinh giỏi toàn diện. Không chỉ học giỏi, Uyên còn là một học sinh năng động, tích cực tham gia nhiều cuộc thi từ cấp trường đến cấp Quốc gia và đạt nhiều giải thưởng cao. Ấn tượng nhất là trong năm học 2015 - 2016, Xuân Uyên tham dự cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn, Uyên viết về đề tài “Bảo vệ rừng”, bài này em đạt giải Ba cấp quốc gia; năm học 2016 - 2017, Uyên tiếp tục tham gia cuộc thi này với đề tài Phòng chống đuối nước và phổ cập bơi, bài này em đã đạt giải cấp tỉnh và đang gửi hồ sơ dự về Bộ GD-ĐT dự thi.

Theo Uyên, để học giỏi một môn nào thì cần có đam mê và cố gắng từng ngày...
Theo Uyên, để học giỏi một môn nào thì cần có đam mê và cố gắng từng ngày...

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Xuân Uyên khiêm tốn cho biết: Thật ra em không có bí quyết gì đặc biệt cả nhưng phải tự lực và luôn cố gắng. Khi ở lớp em tập trung nghe thầy cô giảng bài, về nhà là làm hết các bài tập mới được đi ngủ… Ngoài ra, em thấy phương pháp học nhóm cũng rất có ích, vì bạn bè trao đổi kinh nghiệm, có thể tranh luận về một đề tài hay cách giải, qua đó giúp mình hiểu biết và nắm vấn đề sâu hơn.

Tham dự nhiều cuộc thi và hoạt động tại trường, Xuân Uyên cho biết có mất chút thời gian nhưng các cuộc thi chỉ “ào đến rồi đi” nên không ảnh hưởng đến thành tích học tập của mình, trái lại qua từng cuộc thi giúp em vững vàng hơn trên con đường tích lũy tri thức cho bản thân.

Xuân Uyên cảm thấy hạnh phúc khi được gia đình thương yêu chăm sóc đủ đầy và khi đến trường thì được thầy cô tận tình dạy bảo. Nhờ đó em mới có thành tích học tốt như hiện nay
Xuân Uyên cảm thấy hạnh phúc khi được gia đình thương yêu chăm sóc đủ đầy và khi đến trường thì được thầy cô tận tình dạy bảo. Nhờ đó em mới có thành tích học tốt như hiện nay

Trước khi chia tay chúng tôi, Xuân Uyên chia sẻ: "Em nghĩ để thành công một việc gì đó chúng ta cần có sự đam mê. Riêng em ngoài việc “nuôi” đam mê để học tốt thì em rất vui và hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình được cha mẹ thương yêu dạy bảo cặn kẽ; khi đi học được quý thầy cô tận tình dạy dỗ, bàn bè quý mến, đoàn kết… Chính những điều này giúp em trưởng thành và học tốt hơn".

Nguyễn Hành

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm