Đắk Nông:
Cậu học trò vùng cao sáng chế đồ chơi chạy bằng sức gió
(Dân trí) - Từ những kiến thức học được trên lớp, cậu học sinh vùng cao nảy ra ý tưởng về một món đồ chơi chạy bằng sức gió. Đặc biệt, “nhà sáng chế nhí” còn đưa cả đặc trưng văn hóa dân tộc vào món đồ chơi của mình.
Phùng Tiến Hưng, học sinh lớp 7A, trường PTCS Trần Quốc Toản (xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) được thầy cô và bạn bè trong trường biết đến với biệt danh “nhà sáng chế nhí” kể từ khi món đồ chơi bằng sức gió được chế tạo từ phế liệu của cậu đoạt giải cao trong hai cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên năm ngoái. Thế nhưng, nhiều người không biết rằng, cậu học trò ấy còn có tình yêu đối với văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa Nùng, một phần trong con người cậu.
Vừa kết thúc buổi học, Hưng chạy ào về trông nhà để bố mẹ đi rẫy. Căn nhà nhỏ bằng gỗ nơi Tiến Hưng sống cùng bố mẹ và hai em nằm lọt thỏm dưới những tán cao su. Dù đơn sơ, tuềnh toành nhưng chị Vương Thị Lê (mẹ của Hưng) vẫn dành một chỗ trang trọng nhất để treo những tấm giấy khen của con. Giới thiệu lần lượt từng tấm một, rồi Hưng dừng lại ở tấm giấy khen đóng khung, khoe: “Chính nhờ mô hình đồ chơi bằng sức gió mà năm ngoái em được ra Hà Nội nhận tấm giấy khen này”.
Hưng kể, hồi lớp 5, em có được học bài “Sử dụng năng lượng mặt trời, gió và nước chảy” trong bộ môn khoa học, ban đầu em cũng tò mò về những loại năng lượng này, đem sự tò mò đó hỏi cô chủ nhiệm. Không nhớ hai cô trò trao đổi với nhau những gì, mà sau buổi sáng hôm đó, cô và em lên kế hoạch sáng tạo ra sản phẩm “Đồ chơi sức gió”.
“Năng lượng của gió trong tự nhiên có thể làm cho mọi vật di chuyển và hoạt động dễ dàng. Từ nguyên lý đó, em nảy ra ý tưởng tạo một mô hình thể hiện được những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc mình. Cùng với sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, em tận dụng các phế phẩm, rác thải trong gia đình như: Hộp giấy, biển nhựa, lõi sắt, nhôm để thiết kế sản phẩm”, Tiến Hưng cho biết.
Ngoài ra, em còn quan sát rất kỹ các hoạt động lao động sản xuất của người dân. Rồi tất cả được Hưng cẩn thận cắt tỉa, sắp xếp để mô phỏng thành những con rối. Đặc biệt, những con rồi được làm bằng bông và vải vụn được em mặc cho trang phục truyền thống của người Nùng, sinh hoạt sản xuất đều giống với đời sống thực tế của bà con đồng bào Nùng.
Giải thích về nguyên lý hoạt động của món đồ chơi, Tiến Hưng cho biết, cánh quạt sẽ được gắn kết bên dưới chân các con rối. Khi gió thổi mạnh sẽ giúp cho cánh quạt quay, tạo lực đẩy cho các con rối bên trên mô hình di chuyển. Do mỗi con rối được gắn với một công việc cụ thể nên khi mô hình hoạt động tạo nên cảnh sinh hoạt, lao động.
Chị Vương Thị Lê (mẹ của Tiến Hưng) cho biết, Hưng rất hiếu động, thích mò mẫm làm ra những sản phẩm đồ chơi mới. “Trong quá trình làm sản phẩm, phần lớn những dụng cụ mà Tiến Hưng sử dụng đều được cháu tận dụng.Thấy cháu ham quá nên vợ chồng tôi cũng ủng hộ, chứ ban đầu cũng có ý phản đối để cháu tập trung vào việc học. Bản thân vợ chồng tôi đầu tắt mặt tối, suốt ngày ngoài rẫy nên cũng không tưởng tượng được cháu làm gì, chỉ đến khi món đồ chơi thành hình và hoạt động thì mới ngỡ ra”, chị Lê cho hay.
Được biết, mô hình “Đồ chơi và sức gió” của Hưng đã đoạt 2 giải nhì trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Nông (không có giải nhất) và cấp quốc gia. Sản phẩm không chỉ có tác dụng giải trí mà còn được dùng để trưng bày, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Nùng tại Đắk Nông.
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm đồng thời là người hướng dẫn Tiến Hưng thực hiện mô hình này cho biết: “Phần lớn do Hưng chủ động làm, những gì khó quá em mới hỏi tôi. Hai cô trò bán bạc, tìm hiểu cuộc sống đồng bào Nùng rồi cùng nhau thực hiện, nhưng công sức chủ yếu vẫn là của Hưng”.
Ông Trần Mạnh Đương, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Đắk Nông cho biết, thông qua Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do tỉnh tổ chức đã phát hiện ra các tư duy sáng tạo phong phú của học sinh.
Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế tạo thêm động lực, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo trong thanh, thiếu niên, nhi đồng như khen thưởng, khuyến khích cộng điểm ưu tiên trong các kỳ thi chuyển cấp. Sau cuộc thi, những sản phẩm nào có tính ứng dụng cao sẽ được hỗ trợ đăng ký bản quyền và giới thiệu cho các nhà tài trợ lập dự án sản xuất thử.
Dương Phong