Nữ sinh bị cưa chân thay đổi nguyện vọng chọn trường đại học

Nữ sinh bị cưa chân ở Đắk Lắk Lê Thị Hà Vi đã quyết định không chọn ngành công an hay vào ngành Y dược mà sẽ trở thành một luật sư...

Sau hơn 1 năm bị cưa mất chân do sự tắc trách của các y bác sĩ bệnh viện huyện, Lê Thị Hà Vi – nữ sinh trường THCS & THPT Đông Du, tỉnh Đắk Lắk vừa được lắp chân giả để tiện cho việc đi lại, sinh hoạt và học tập.

Năm nay, Hà Vi lên lớp 12 nên vấn đề hướng nghiệp cho tương lai rất quan trọng. Ước mơ ban đầu của em là trở thành chiến sĩ công an, nhưng sau khi mất chân phải, giấc mơ này cũng không còn. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu học hè tại trường từ tháng 7 năm nay, gia đình đã định hướng cho em theo đuổi khối C thay vì chọn khối B để thi vào các ngành Y – Dược và sau này sẽ được bố trí việc làm như lời hứa của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nữ sinh Lê Thị Hà Vi với chiếc chân giả bên phải (ảnh: Ban truyền thông của trường THCS &THPT Đông Du cung cấp)
Nữ sinh Lê Thị Hà Vi với chiếc chân giả bên phải (ảnh: Ban truyền thông của trường THCS &THPT Đông Du cung cấp)

Nguyên nhân là vì Hà Vi không học tốt các môn Khoa học tự nhiên và em không đảm bảo để theo đuổi ngành Y – Dược vốn đòi hỏi có sức khỏe tốt và di chuyển nhiều. Định hướng trước mắt của Hà Vi là theo học khối C và mong muốn của em là thi vào ngành Luật của trường Đại học Luật TP HCM trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Chia sẻ về tình trạng sức khỏe và sự thay đổi nguyện vọng nghề nghiệp của mình, nữ sinh Hà Vi bày tỏ: “Hiện nay, sức khỏe của em tương đối ổn định, không còn đau ốm thường xuyên như trước đây do ảnh hưởng của vết thương. Việc đi lại cũng không phải chống nạng nhưng em vẫn còn gặp khó khăn do chưa quen với chân giả.

Em cảm thấy theo học khối C là phù hợp với sở trường của mình. Vì khối C có môn Địa lý – môn học mà em yêu thích, đã tham gia thi học sinh giỏi từ năm lớp 10 và tháng 3/2017, em đã đạt Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic tỉnh Đắk Lắk".

Không còn cơ hội trở thành một chiến sĩ công an nhưng Hà Vi vẫn có ước mơ khác là sau này sẽ trở thành một luật sư giỏi để đem lại sự công bằng cho mọi người dân.

Nghị lực vươn lên không ngừng nghỉ...

Hơn 1 năm sau khi bị cưa mất chân bên phải, cô học sinh nghèo Lê Thị Hà Vi được trường THCS & THPT Đông Du, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận và tạo điều kiện cho em được học nội trú.

Ban đầu, khi mới bị cưa chân, sức khỏe của Hà Vi rất yếu nên phải đi bằng nạng nhưng em luôn vượt qua khó khăn để dành thời gian học tập một cách hiệu quả nhất.

Thầy Nguyễn Phú, Tổ trưởng Tổ khoa học xã hội, là giáo viên dạy môn Địa lý cho Hà Vi cho biết, có những hôm thời tiết thay đổi, nữ sinh Lê Thị Hà Vi thường xuyên bị đau nhức chân nên không thể học hết một tiết học.

Nữ sinh Lê Thị Hà Vi đã quyết định thay đổi nguyện vọng sẽ vào ngành Luật của Đại học Luật TP HCM (ảnh: Ban truyền thông của trường THCS &THPT Đông Du cung cấp)
Nữ sinh Lê Thị Hà Vi đã quyết định thay đổi nguyện vọng sẽ vào ngành Luật của Đại học Luật TP HCM (ảnh: Ban truyền thông của trường THCS &THPT Đông Du cung cấp)

Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm vượt khó, không ngại thức khuya, cô học trò nghèo đã cố gắng hoàn thành chương trình học tập ở trên lớp và học tăng cường để nâng cao kiến thức tham dự đội tuyển dự thi kỳ thi Olympic môn Địa lý tỉnh Đắk Lắk lần thứ II.

Trong kỳ thi này, Hà Vi chỉ còn thiếu 0,25 điểm nữa là đoạt Huy chương Vàng nên trong ngày trao giải, em đã khóc nức nở vì tiếc không đạt được giải cao nhất.

Dự định của em là thi vào ngành Luật của trường Đại học Luật TP HCM trong năm tới nên nhà trường và các thầy cô giáo sẽ giúp đỡ tận tình để em đạt được mong ước.

Chia sẻ bí quyết học tập, cô học trò nghèo Hà Vi cho biết, ngoài nắm chắc kiến thức trên lớp, Hà Vi còn tham gia học tập theo nhóm nhằm bổ sung thêm trình độ. Để có được kết quả cao trong kỳ thi, việc học tập chủ yếu vẫn là do bản thân Vi tự giác mầy mò tìm hiểu. Nếu có điều gì chưa biết thì em tiếp tục hỏi thầy cô giáo để không bị trống kiến thức.

Sở dĩ Hà Vi rất yêu thích môn Địa lý vì em thích việc tìm hiểu đất nước Việt Nam và nhiều nước trên thế giới có địa hình, khí hậu, tài nguyên phong phú, giàu đẹp như thế nào. Không những vậy, Hà Vi còn yêu thích Văn học vì môn học này đã giúp em có thể bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội.

Ngoài sự thông minh, siêng năng và gương mẫu trong học tập và rèn luyện đạo đức, điều đặc biệt khiến nhiều người cảm phục Hà Vi có tính tự lập và biết thương yêu người khác. Em thương yêu cha mẹ nghèo quanh năm làm nông nghiệp để lo cho ba chị em Vi ăn học. Nay chân của em bị thương tật thì nỗi vất vả ấy lại tăng gấp bội phần...

Vì thương con nên bố mẹ luôn động viên tinh thần và tạo mọi điều kiện tốt nhất để em yên tâm học tập khi xa nhà.

Thương cha mẹ vất vả, mỗi khi cuối tuần được về thăm nhà là Hà Vi lại tranh thủ giúp gia đình một số việc dù là những việc nhỏ nhặt nhất. Bởi như vậy, em cảm thấy mình luôn là người có ích dù bị thương tật và những khát khao, ước mơ vẫn đang rực cháy trong tâm hồn của cô nữ sinh nghèo giàu nghị lực...

Theo Bích Lan

VOV