Nữ sinh 9x Hà thành và những tấm huy chương kỳ thi quốc gia Anh
(Dân trí) - Sau hai năm sinh sống và học tập ở Anh, Đinh Hồng Châu đã giành được nhiều giải thưởng cao môn Toán, Hóa học trong kỳ thi quốc gia, đồng thời có những trải nghiệm thú vị, đáng quý.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Đinh Hồng Châu
Năm sinh: 1997
Hoạt động và thành tích nổi bật:
- Giải vàng Toán học UKMT 2015
- HCB kỳ thi Hóa học Cambridge (2015)
- HCĐ Olympiad Hóa học Anh 2015
- HCB Olympiad Hóa học Anh 2016
- Lọt top 100 thí sinh xuất sắc giải thưởng Bill Bryson (giải thưởng trao cho các thí sinh có cách trình bày khoa học giản dị và dễ hiểu do Cộng đồng Hóa học Anh tổ chức).
- Giải điểm cao nhất trường môn Toán
- Giải cống hiến toàn diện về cả học tập và hoạt động ngoại khóa ở trường
Chuỗi huy chương trong kỳ thi quốc gia Anh
Học xong lớp 11 tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội), Châu sang Anh học thêm 2 năm ở Ruthin School (hệ thống giáo dục của Anh có 13 năm học, từ 5 – 18 tuổi).
Khi sang Anh, Châu đã lựa chọn đồng đều các môn tự nhiên và xã hội: Toán, Hóa học, Văn học và Kinh tế. Việc Châu lựa chọn các môn tự nhiên bắt nguồn từ niềm đam mê với khoa học, và mong muốn đạt thành tích tốt.
“Em thích các môn tự nhiên từ lâu, nhưng trước giờ chưa bao giờ cho khoa học một cơ hội, mà luôn tự nghĩ mình là con gái, sẽ kém khoa học hơn. Sau đó, em biết đến “chủ nghĩa nữ quyền” và nhận ra mình đã tự áp đặt suy nghĩ này với bản thân. Em tự nhủ mình cần cho khoa học một cơ hội, để chứng tỏ rằng con gái cũng có thể giỏi khoa học”.
Châu thích khoa học vì đây là lĩnh vực gần gũi, liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày, chứ không phải chỉ có những vấn đề phức tạp như tên lửa, vũ trụ, hạt nhân, nguyên tử... Khi học Hóa ở trường, Châu được học về những thứ rất đơn giản như dầu xả tóc, nước xả vải, lọc nước bể bơi, túi ny lông…
Với tâm thế đó, khi tham gia các kỳ thi quốc gia môn Toán – Hóa, Châu đã giành được nhiều giải thưởng ấn tượng: Giải vàng Toán học UKMT 2015, HCB kỳ thi Hóa học Cambridge (2015), HCĐ Olympiad Hóa học Anh 2015 và HCB kỳ thi này năm 2016.
Châu và những người bạn học lớp Văn
Các kỳ thi Quốc gia môn Toán, Hóa ở Anh, Châu đăng ký vì được một người bạn động viên tham gia. Châu không nghĩ bản thân sẽ được giải vì đề thi rất khó, trong khi những môn học này không phải là thế mạnh của mình khi còn trong nước.
“Ở cuộc thi này, ai cũng có thể tham gia – cơ hội đồng đều cho tất cả học sinh, nhưng những người giỏi nhất mới được giải. Điều này cũng có nghĩa rằng, kết quả ấy đã có sự nỗ lực của mình nên em cũng cảm thấy rất tự hào về bản thân”, Châu chia sẻ.
Theo Châu, đề thi Hóa có tính ứng dụng rất cao. Đề thi bao gồm một vài bài báo về thông tin khoa học và họ đặt các câu hỏi liên quan đến bài báo đó (chủ đề có thể nói về màn hình cảm ứng điện thoại, thuốc chữa ung thư…)
Châu cho rằng cô bạn làm được bài không chỉ nhờ kiến thức hóa học vững, mà còn có kĩ năng đọc hiểu tốt. “Kĩ năng này em có được nhờ thầy cô dạy Hóa ở trường. Các thầy cô thỉnh thoảng giao bài tập đọc báo chí khoa học và tóm tắt lại thông tin”.
Châu rất thích đề thi mang tính thực tế như vậy, và nếu không được giải, cô bạn cũng học được nhiều kiến thức khoa học mới. “Ngoài ra, thi học sinh giỏi ở Anh không áp lực nhiều. Không ai đề cao giải thưởng, chỉ đề cao nỗ lực cố gắng, việc thử sức ở những lĩnh vực nhiều thử thách hơn. Nên các bạn đi thi, và kể cả chính em, vào phòng thi không thấy áp lực. Có lẽ vì tâm lý thoải mái nên em làm bài khá tốt”.
Cô nữ sinh Việt trong lần đi tham quan SVĐ Old Trafford cùng một số người bạn
Rẽ ngang với ngành Tâm lý học
Khi còn học lớp 10, Châu đã bắt đầu tìm hiểu ngành tâm lý học. Ngành này ở Việt Nam chưa phát triển, nên Châu nghĩ du học cũng là lựa chọn phù hợp hơn với mục tiêu tương lai cô bạn muốn theo đuổi.
“Các trường đại học em có ý định theo học có sự đầu tư phòng thí nghiệm và các quỹ nghiên cứu lớn. Em nghĩ, đó là cơ hội cho mình theo đuổi ngành này”, Châu nói.
Điều khiến Châu thích Tâm lý học còn nằm ở việc rất nhiều hiện tượng trong cuộc sống hằng ngày có thể giải thích, vận dụng bằng tâm lý, chẳng hạn cách ghi nhớ thông tin, số liệu…Hơn nữa, cô bạn cho rằng, những vấn đề nhỏ nhất trong tâm lý học luôn cần được chú trọng giải quyết.
“Ví dụ, đối với nỗi sợ, nếu không được giải quyết từ sớm, sẽ để lại những hậu quả, ám ảnh sau này, thậm chí còn gây ra những tác hại lớn hơn. Những vấn đề tâm lý không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới cũng chưa được quan tâm nhiều”, Châu giải thích.
Cô nữ sinh 9X này nhận thấy, việc học sinh trước kỳ thi thường lo lắng, áp lực, cũng là một vấn đề về tâm lý. Mọi người hoặc là coi nhẹ nó, hoặc là quy chụp bằng những suy nghĩ không thiện chí và bao dung cho người đang gặp phải.
Mới đây, Châu nộp hồ sơ vào 5 trường ĐH tại Anh và đều được đón nhận. Hiện tại cô đang chờ bảng điểm tốt nghiệp để hoàn thiện hồ sơ và quyết định trường theo học.
Châu muốn học xong đại học sẽ tiếp tục hệ thạc sĩ, tiến sĩ để có sự đào sâu nghiên cứu về ngành tâm lý. Ngoài ra, nhằm theo đuổi sở thích cá nhân, Châu cũng đang làm những đoạn phim ngắn về cuộc sống hàng ngày trên kênh YouTube của mình mang tên ‘Penny! At the Disco’.
Ở trường, Châu nằm trong dàn Thủ lĩnh học sinh nên được nhiều các em khóa dưới biết đến và những sản phẩm của cô đã được những người bạn nhỏ tuổi này đón nhận rất nhiệt tình. Sắp tới, khi vào đại học, Châu đang nung nấu ý định sẽ làm chuỗi video có chủ đề xoay quanh ngành Tâm lý học, để những ai quan tâm tới ngành này có thể tham khảo.
Hoài Thư