Nữ sinh 16 tuổi là trụ cột gia đình

(Dân trí) - Từ khi cha mẹ chia tay, em Trần Thị Trang trở thành trụ cột gia đình ở tuổi 16. Mỗi ngày, Trang thức dậy từ 4 giờ sáng chở bà nội ra chợ bán rau, sau đó về nhà chuẩn bị bữa ăn cho ông nội bị tai biến và em trai 4 tuổi rồi mới đến trường...

Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Trần Thị Trang. Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Trang để độc giá có thể chia sẻ với em: 0996 160 454 (địa chỉ: Ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ)

Chúng tôi đến nhà cô học trò 16 tuổi một thân “gánh” cả gia đình nghèo khó, bệnh tật là em Trần Thị Trang - học sinh lớp 12B1 Trường cấp 2, 3 Trường Xuân (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) lúc Trang cùng bà nội nhổ rau ngoài vườn, chuẩn bị cho buổi chợ sáng mai.

Ngồi bên lếp rau muống xanh mướt, bà Nguyễn Thị Canh (75 tuổi) nói: “Tội nghiệp cháu Trang lắm, cha mẹ nó chia tay nhau 2 năm rồi, mỗi người đi mỗi hướng, bỏ lại đứa con trai 4 tuổi cho bà cháu tôi chăm sóc. Còn vợ chồng tôi thì già yếu, ông nội cháu bị liệt nửa thân người… nên mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, cháu nó gánh lấy hết chú ơi”.

Nữ sinh 16 tuổi là trụ cột gia đình
Mỗi ngày, Trang thức dậy từ 4 giờ sáng chở bà Canh ra chợ bán rau rồi về nhà lo bữa ăn cho ông nội và em trai rồi mới đi học.

Nói xong, bà cặm cụi nhổ rau, đôi mắt buồn hiu. Trong nhà, ông Trần Văn Họt (76 tuổi) - ông nội em Trang ho sù sụ, chốc chốc lại khóc rào lên như một đứa trẻ. Thấy vậy, Trang vội vàng đứng dậy chạy vào nhà dỗ dành, an ủi ông nội: “Có gì đâu ông nội khóc, con và bà nội ở đây mà. Ông nội nín đi, con và bà nội nhổ rau sáng mai mang ra chợ bán, có tiền con mua bánh cho ông nội ăn nghe!”.

Ông Lê Văn Huyện - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trường Xuân cho biết: “Gia đình cụ Canh thuộc hộ nghèo, thấy cuộc sống khó khăn nên bà con trong xóm cho bà phát cỏ trên các nền đất trống để trồng rau. Chính những lếp rau “sống bám” vào cụm dân cư này là nguồn thu nhập chính của gia đình cụ Canh mấy năm qua. Mỗi buổi chợ, cụ Canh chỉ bán được mấy chục ngàn đồng từ những bó rau muống, rau thơm… chẳng đủ đâu vào đâu nên địa phương vận động bà con hỗ trợ thêm cho gia đình cụ những suất gạo, thang thuốc cho cụ Họt ... vào những lúc gia đình túng bấn nhất”.

Ngoài ra, Trang còn phải chăm sóc ông nội bị tai biến
Ngoài ra, Trang còn phải chăm sóc ông nội bị tai biến.

Bà Canh chia sẻ: “Ý thức gia đình khó khăn, cháu Trang chịu thương chịu khó lắm. Từ lúc đi học đến giờ, cháu chẳng hề biết ăn quà sáng là gì, chỉ ăn những bán cơm rang, cơm chiên hay gói mì gì đó rồi cháu nó đi học. Nhiều lần thấy cháu học hành vất vả, thiếu thốn, thua kém bạn bè… tôi định khuyên cháu nghỉ học nhưng thấy cháu ham học quá nên tôi không nở.”

Hàng ngày, Trang thức dậy từ rất sớm, Trang chở bà Canh ra chợ bán rau sau đó về nhà chuẩn bị bữa ăn cho ông Họt và đứa em trai 4 tuổi rồi mới lên xe đạp vượt quãng đường hơn 7km đến trường. Tổng kết các năm học qua, Trang xếp loại Khá, trong đó năm lớp 10, 11 Trang đủ khả năng đạt loại Giỏi nhưng vì hơi đuối môn Ngoại ngữ nên điểm tổng kết chung, em ở mức Học sinh Khá. Tuy nhiên, các môn học xã hội, như Văn, Sử, Địa… là những môn sở trường của em, đặc biệt là môn Sử, điểm trung bình luôn đạt 8,0 - 9,0.
 
Trang đặt quyết tâm thi vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, trở thành một nữ cảnh sát phục vụ người dân
Trang đặt quyết tâm thi vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, trở thành một nữ cảnh sát phục vụ người dân.

Nói về ước mơ của mình, Trang chia sẻ: “Dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào em vẫn không bao giờ nghỉ học. Vì em thấy rằng chỉ có con đường học hành mới giúp em thay đổi số phận, học hành mới giúp em có điều kiện lo cho ông bà và đứa em của em… Vì thế nếu năm nay em không thi đỗ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân thì em sẽ đi làm thêm tự ôn lại để năm sau thi tiếp.”

Dù không phải là cô học sinh có bảng thành tích học tập xuất sắc, nhưng với một hoàn cảnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình phải chạy ăn từng bữa, cha mẹ chia tay nhau, một buổi đi học, một buổi giúp bà, chăm ông, chăm em… như Trang thì không phải mấy ai làm được.

Nguyễn Hành

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm