Nữ giảng viên “Đông trùng hạ thảo”
Thạc sĩ Trịnh Thị Xuân, 33 tuổi, ở Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất Đông trùng hạ thảo.
Kết quả hai năm miệt mài nghiên cứu và quy trình sản xuất Đông trùng hạ thảo của chị được cấp chứng nhận bản quyền tác giả vào tháng 10/2014. Nay nhiều người biết, gọi Thạc sĩ Trịnh Thị Xuân với biệt danh trìu mến, nữ giảng viên “Đông trùng hạ thảo”.
Sinh ra trong gia đình cha là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, bà kể: “Lúc nhỏ xem báo thấy các nhà khoa học Việt Nam làm việc cho Nhật tìm ra nhiều giống lúa có năng suất cao, cải thiện đời sống nông dân, tôi cũng ước mơ nghiên cứu được điều có lợi cho người nghèo quê tôi”. Năm 2006, chị tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường công tác và làm việc cho một dự án của Nhật Bản nghiên cứu vi sinh vật có ích tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án, tìm những loài vi sinh vật có ích để quản lý sâu bệnh gây hại cây trồng bằng biện pháp thân thiện với môi trường. Chị biết đến nấm ký sinh trên côn trùng. Cùng thời gian đó, chị chứng kiến cảnh cha mình bị bệnh gan hành hạ đến kiệt sức.
“Bác sỹ khuyên cha tôi sử dụng thường xuyên đông trùng hạ thảo vì có chất chống lại tế bào gây ung thư gan nhưng vì quá đắt, gia đình tôi chỉ đủ tiền mua được vài lần rồi nghỉ”, chị rơm rớm nước mắt. Từ đó, chị quyết thực hiện ước mơ hồi nhỏ của mình.
Năm 2012, chị bắt đầu nghiên cứu đông trùng hạ thảo và chịu nhiều thất bại vì thời tiết ở ĐBSCL không thích hợp. Đông trùng hạ thảo chỉ phát triển ở nhiệt độ dưới 20oC. Chị tâm sự, khó quá, nhiều lúc cũng nản nhưng mỗi lần như thế, nghĩ đến cha và nhiều người nghèo bị bệnh thì lại cố gắng. “Nhờ tư vấn của hai chuyên gia người Hàn Quốc, Nhật Bản, thử nghiệm dần dần mới thành công”, chị nói.
Theo chị, đông trùng hạ thảo tự nhiên chủ yếu ở Trung Quốc, rất hiếm nên đắt, giá trên 1 tỷ đồng/kg. Còn sản phẩm trên thị trường hầu hết không rõ nguồn gốc. Ở Việt Nam đã có mấy người nghiên cứu thành công sản xuất đông trùng hạ thảo, chủ yếu ở phía Bắc và TPHCM, chị là người đầu tiên nghiên cứu thành công ở ĐBSCL.
Cuối tháng 3 vừa qua, chị mang sản phẩm đông trùng hạ thảo của mình trưng bày tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại tỉnh An Giang. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với chị đề nghị chuyển giao công nghệ như: đại diện khu công nghệ cao TPHCM, Công ty Nấm Việt…
Mơ ước của chị, giúp được nhiều nông dân có năng lực, tham gia sản xuất đông trùng hạ thảo. Quy trình sản xuất của chị, hạt ngũ cốc hấp cách thủy, cho nấm vào nuôi trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, hơn 60 ngày sẽ thu hoạch. Để có chục ký đông trùng hạ thảo tươi, cần vốn ban đầu cả trăm triệu đồng. Chị Xuân kể ở Thái Lan, gần 10 năm nay, có một trung tâm đào tạo nghề cho nông dân, sau đó nông dân đầu tư sản xuất, bán sản phẩm cho trung tâm. “Nhiều nông dân đã khá giả, còn thị trường có sản phẩm phong phú, giá cả phải chăng”, chị mơ ước.
Đông trùng hạ thảo là loại nấm Cordyceps có giá trị dược liệu cao, gồm 2 loài là Cordyceps sinesis (tự nhiên) và Cordyceps militaris (nhân tạo), có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.
“Lúc nhỏ xem báo thấy các nhà khoa học Việt Nam làm việc cho Nhật tìm ra nhiều giống lúa có năng suất cao, cải thiện đời sống nông dân, tôi cũng ước mơ nghiên cứu được điều có lợi cho người nghèo quê tôi”. Thạc sĩ Trịnh Thị Xuân |
Theo Tiền Phong