Nữ giảng viên ĐH Kinh tế quốc dân "cực phẩm" với loạt thành tích ngưỡng mộ
(Dân trí) - Nguyễn Phương Mai là giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trái ngược với bề ngoài nhỏ nhắn, Phương Mai sở hữu những thành tích "đồ sộ".
Đối với các sinh viên của Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD) Hà Nội, giảng viên Nguyễn Phương Mai không còn là cái tên xa lạ. Cô là một giảng viên nhiệt tình, xinh đẹp, không kém phần nghiêm khắc và sở hữu bảng thành tích đáng nể.
Cô từng giành giải Nhì học sinh giỏi (HSG) quốc gia môn tiếng Anh, tốt nghiệp cử nhân Đại học Colorado State University loại ưu (Magna Cumme Laude), từng có mặt trong Dean's list. Nữ giảng viên từng trúng tuyển học thạc sĩ của Đại học Northestern, Boston, USA nhưng sau đó quyết định sang UK để học Thạc sĩ vì muốn khám phá một đất nước, một nền văn hóa mới.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, Phương Mai có thời gian cho phòng marketing của tập đoàn BMW, London, UK và sau đó trở về Việt Nam.
Chia sẻ lý do lựa chọn theo đuổi nghề giảng viên, Phương Mai gói gọn trong một chữ "duyên". "Với mình, nghề giảng viên là một chữ duyên. Vì có "duyên" nên cảm thấy rất "hợp".
Chữ "duyên" này bắt đầu 6 năm trước, khi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đăng tuyển giảng viên và bố chính là người đề nghị mình thử sức với công việc này.
Phương Mai tâm sự: "Bố rất yêu giáo dục, nên ông mong con gái có thể cùng chia sẻ tình yêu đó. Lúc đó, với bản tính là người trẻ nhiệt tình và thích thử thách, mình đã thử mặc dù trước đó, mình chỉ làm trong môi trường doanh nghiệp mà thôi" - nữ giảng viên cho biết".
Dù đã có 6 năm công tác tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở cương vị là giảng viên, nhưng Phương Mai vẫn nhớ rõ lần đầu tiên đứng lớp. Đó là một trải nghiệm không hề suôn sẻ, khi các bạn sinh viên lúc đó ... không thích môn của cô dạy.
Cùng với việc khi đó Phương Mai chưa có nhiều kinh nghiệm sư phạm, lại là một giảng viên tay ngang, nên có thể nói đó là vấp ngã đầu tiên trong sự nghiệp.
"Mình của hiện tại, là người đã trưởng thành hơn sau khá nhiều lần vấp ngã và mắc sai lầm trong nhiều công việc khác nhau. Lần thất bại đó là "học phí" để mình làm tốt hơn và vững vàng hơn như bây giờ.
Nói chung, mình coi những lần vấp ngã đấy như những người bạn, thỉnh thoảng ghé thăm, để mình bước chậm lại, củng cố tinh thần rồi bước tiếp vững vàng hơn. Nếu được tự nhận xét, mình thấy bản thân là một giảng viên yêu nghề và còn phải học hỏi nhiều" - Mai bộc bạch.
Mới đây, những hình ảnh và bảng thành tích của Phương Mai được một bạn trẻ đăng tải trong group dành cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, thu hút gần 7.000 lượt tương tác và bình luận.
Hầu hết, các bạn sinh viên của trường đều bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho ngoại hình và thành tích của nữ giảng viên trẻ. Cô bộc bạch: "Mình thấy vui vì được các em sinh viên so sánh với những người phụ nữ xinh đẹp như diễn viên Hàn Kim Tae-hee, hay Song Hye Kyo....
Nhưng vui nhất là khi thấy các em sinh viên cảm thấy thích thú khi học những lớp mình giảng. Với mình, trẻ trung là một ưu thế. Các em sinh viên hay gọi mình là "chị giáo". Đôi khi mua trà sữa tặng mình, rủ đi ăn vỉa hè cùng. Mình cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết giữcô-trò khi giảng dạy tại trường".
Từng có thời gian dài học tập và làm việc ở nước ngoài, Phương Mai cũng có những nhận định riêng về sự khác biệt giữa giới trẻ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cô cho rằng ranh giới Việt Nam - quốc tế đang dần được xóa nhòa so với trước kia.
"Mình đã chứng kiến nhiều người đi du học về nhưng chật vật để tìm được một công việc đúng sở trường, đúng mong muốn. Ngược lại, có rất nhiều sinh viên của mình chỉ học ở Việt Nam thôi mà hiện giờ đang làm ở những công ty, tập đoàn đa quốc gia rất nổi tiếng.
Điều này một phần do môi trường giáo dục ở Việt Nam ngày càng hiện đại, theo chuẩn quốc tế hơn. Một phần là do các em đều rất năng động và học hỏi nhanh. Vì vậy, mình không thấy sự khác biệt quá lớn về kĩ năng và kiến thức giữa giới trẻ Việt Nam và quốc tế.
Tuy nhiên, có một điều mình thấy nhiều em còn thiếu tính kiên trì và làm mọi việc đến cùng. Một trong những điều mình học được khi làm việc ở nước ngoài đó là, khi nhận làm việc gì, mình phải làm đến nơi đến chốn. Đấy chính là sự chuyên nghiệp. Có thể nói, thái độ làm việc tích cực sẽ chiếm 30% sự thành công của một người, bên cạnh kĩ năng và kiến thức" - nữ giảng viên cho biết.
Ngoài giờ lên lớp, Phương Mai dành nhiều thời gian đọc sách và tập thiền. Mục tiêu trong tương lai gần của nữ giảng viên là nhận tấm bằng tiến sĩ của Đại học AIE Paris và đi du lịch Thụy Sĩ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định hơn.