Nữ giảng viên 9X nhận 11 học bổng thạc sĩ từ 7 đại học danh tiếng Anh Quốc

Lệ Thu

(Dân trí) - Trần Mỹ Ngọc, nữ giảng viên 22 tuổi đến từ Hải Phòng xuất sắc giành 11 học bổng Thạc sĩ từ 7 trường Đại học Anh Quốc, trong đó có Đại học Oxford – ngôi trường danh tiếng số 1 thế giới.

Sinh năm 1998, Trần Mỹ Ngọc với tài năng, nghị lực tràn đầy luôn cháy hết mình với đam mê và con đường chinh phục tri thức.

Nữ giảng viên 9X nhận 11 học bổng thạc sĩ từ 7 đại học danh tiếng Anh Quốc - 1
Trần Mỹ Ngọc, cô gái Hải Phòng giành học bổng thạc sĩ của Đại học Oxford, Anh.

Thành quả đáng nể khi ứng tuyển thành công 11 học bổng từ 7 đại học tại Vương Quốc Anh, trong đó có Đại học Oxford danh tiếng thế giới là minh chứng cho nội lực mạnh mẽ của cô gái đất Cảng.

Cụ thể, Ngọc giành 11 học bổng thạc sĩ từ 7 đại học của Vương quốc Anh, trong đó có các trường top đầu như Đại học Oxford, York, Bristol, Sheffield...

Sau khi cân nhắc, cô lựa chọn học bổng của Đại học Oxford, trường top 1 thế giới theo bảng xếp hạng Time Higher Education 2020, hỗ trợ 25% học phí, trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Ngôn ngữ Anh và miễn 4.000 bảng Anh (khoảng 121 triệu đồng) phí đầu vào. 

Trước đó, Ngọc tốt nghiệp bằng xuất sắc từ trường Monash College, nhận học bổng 30% theo học hai ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng và Truyền thông tại Đại học Melbourne - đại học số 1 nước Úc. Năm 2016-2017, Ngọc lấy điểm IELTS 8.0 và trở thành thực tập sinh ở toà soạn báo Herald Sun - tờ báo lớn thứ hai nước Úc.

Tại trường đại học, Ngọc tham gia điều phối viên chương trình ESL (English as a Second Language) cho VCE Summer School - trại học hè lớn nhất bang Victoria, tổ chức bởi trường Đại học Melbourne dành cho gần 6000 học sinh lớp 12 tham dự; tổ chức và sắp xếp 40 lớp học ESL trong hai tuần. Đồng thời, 9X giữ vị trí Phó chủ tịch hội Ngôn Ngữ Học và Thư ký câu lạc bộ Truyền thông - Đại học Melbourne.

Cô xuất bản bài viết đầu tiên trên tạp chí Ngôn ngữ học - Đại học Melbourne, chủ đề: Moving Verbs - tiếng Hindi (Ấn độ) - cuối năm 2020 được xuất bản trên tạp chí quốc tế của Đại học Melbourne (trang 119).

Với thành tích học tập ấn tượng, cô gái Việt được đề cử vào top 5% học sinh có điểm trung bình năm 3 cao nhất khoa Nghệ thuật, Đại học Melbourne.

Sau những năm tháng học tập, rèn luyện hết mình, Ngọc xuất sắc tốt nghiệp loại giỏi tại The University of Melbourne. Cô trở về Việt Nam vào tháng 8, trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất tại trường Đại học FPT, đồng thời làm giáo viên Tiếng Anh tại một Trung tâm Anh ngữ chuyên về IELTS.

Mỹ Ngọc đại diện cho trường Đại học Melbourne tham dự và thuyết trình tại hội thảo “English in Southest Asian Conference” tại trường Đại học quốc gia Singapore và trở thành thành viên chủ chốt trong Mạng lưới nhà Nghiên cứu Ngôn ngữ học Việt Nam (VietSLE).

Nữ giảng viên 9X nhận 11 học bổng thạc sĩ từ 7 đại học danh tiếng Anh Quốc - 2
Ngọc trong lễ tốt nghiệp với bạn bè tại Đại học số 1 nước Úc.

Tháng 6/2020, Mỹ Ngọc bắt đầu làm việc tại trường trung học liên cấp Vinschool The Harmony với vai trò là giáo viên tiếng Anh, cũng là một trong những giáo viên chủ nhiệm trẻ nhất trong toàn hệ thống. 

Gần đây nhất, cô giáo trẻ nhận 11 học bổng Thạc sĩ từ 7 trường đại học Anh Quốc, trong đó Đại học Oxford danh tiếng với học bổng của St Cross College.

Trở thành sinh viên của Đại học Oxford luôn là mong ước của Mỹ Ngọc từ rất lâu, tuy nhiên có lúc Ngọc chưa thực sự nghĩ cánh cửa đó sẽ mở ra với mình.

Trao đổi với PV Dân trí, Mỹ Ngọc chia sẻ: “Theo những gì tìm hiểu và được tư vấn, mỗi năm Oxford chỉ có khoảng 5-10 sinh viên Việt Nam nhập học, gồm cả theo dạng học bổng và tự túc, nhưng hiếm ai được trường tài trợ 100% học phí.

Oxford là ngôi trường dành cho hoàng gia và quý tộc, em đã nghĩ như vậy nên tìm kiếm cơ hội tại các trường khác của Vương quốc Anh”.

Gửi đơn ứng tuyển đến 7 trường đại học, Mỹ Ngọc đều lần lượt nhận học bổng xuất sắc 40% của Đại học York, 50% học phí và hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt của Đại học Northampton, 100% học phí của Đại học East Anglia và học bổng Think Big của trường Bristol cùng hỗ trợ của 3 trường khác nữa… Lúc này, cô gái nghĩ nên thử lần cuối với Đại học Oxford và bắt tay chuẩn bị vào đầu tháng 3.

Mỹ Ngọc tâm sự, vì đã dành hơn 4 năm theo học tại Úc, cô về Việt Nam với một tâm thế mong muốn có nhiều trải nghiệm với vai trò giáo viên nhất có thể.

Vì vậy nên khi nhận được học bổng lớn tại những trường đại học top cao của Anh, đặc biệt là từ Đại học Oxford – một trong hai trường đại học lâu đời nhất ở xứ sở sương mù, ngôi trường đã 4 năm đạt vị trí số 1 thế giới theo bảng xếp hạng THE, thật sự cảm giác của cô bây giờ vừa vui mừng, vừa tiếc nuối.

“Tiếc vì em vẫn còn muốn được trải nghiệm thêm nhiều môi trường giáo dục tại Việt Nam, để có thể chuẩn bị cho bản thân những kinh nghiệm thực tế trước khi lựa chọn con đường nghiên cứu về giáo dục ngôn ngữ. Vui mừng vì thực sự đối với em đây là giấc mơ có thật.

Được học trong một môi trường giáo dục hàng đầu thế giới vừa là sự vinh dự, cũng cảm thấy tự hào là người Việt Nam nữa.

Tuy nhiên, nghe theo lời khuyên của gia đình và bạn bè, em đã quyết định đi học và dự định sẽ làm việc tại Anh 3 năm trước khi quay trở lại Việt Nam với mong muốn cống hiến cho giáo dục ngôn ngữ tại Việt Nam”.

Nữ giảng viên 9X nhận 11 học bổng thạc sĩ từ 7 đại học danh tiếng Anh Quốc - 3
Mỹ Ngọc trong chuyến du lịch cùng bạn bè ở Edinburgh, Scotland (2018).

Suốt quá trình ứng tuyển bậc thạc sĩ, từ ngày đặt bút xuống viết từ đầu tiên trong bài luận, thực sự đã có nhiều lúc Mỹ Ngọc đã muốn bỏ cuộc.

“Từ khi đặt chân về Việt Nam, đã có những lúc em làm một lúc 5 công việc. Thời gian nghỉ dịch đỡ hơn một chút, em có làm cho trường đại học, một trung tâm tiếng anh và đồng thời giúp đỡ giáo sư viết bài xuất bản.

Công việc bận rộn như vậy nên việc viết luận học bổng đã khiến một ngày của em đáng ra chỉ là 12 giờ làm việc, nay kéo dài tới 15 tiếng.

Tuy nhiên, em nhận ra được tầm quan trọng của việc sắp xếp công việc hợp lý. Em đã tranh thủ những lúc di chuyển trên đường để nghe về những chia sẻ của cựu học sinh, về thông tin của trường, về nội dung khoá học qua Youtube, từ đó xây dựng cái nhìn khái quát của em về những trường em muốn nộp vào. Xác định được định hướng của mình rồi, em hoàn thành bản nháp bài luận của mình khá nhanh”.

Từ tháng 4 tới tháng 5, Mỹ Ngọc vừa xin thư giới thiệu từ thầy cô, chỉnh sửa CV, vừa nhờ người quen đọc bài luận cho mình, đồng thời đọc thêm tài liệu về khoá học em lựa chọn để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.

Khoảng thời gian này quả thật rất căng thẳng, nên cuối tuần nào em cũng về thăm gia đình rồi ngồi làm việc trên phòng để bớt cảm giác một mình đối mặt với hàng tá công việc. Huy động 200% năng lượng để hoàn thành mục tiêu, Mỹ Ngọc đạt kết quả mỹ mãn.

Khi được hỏi về bí quyết chinh phục Đại học Oxford và các đại học lớn Anh Quốc, Mỹ Ngọc “bật mí”: “Em đã cố gắng là chính mình trong bài luận của mình.

Em không phải là người đạt GPA cao nhất, không phải là người có nhiều thành tích hoạt động nhiều nhất, tích cực nhất, nhưng em có thể là một trong những người quyết tâm nhất khi mong muốn được đóng góp cho quê hương, thành phố của chính mình.

Em nghĩ đó là điều đã thuyết phục ban giám khảo về tiềm năng của em trong việc đạt được những giấc mơ của mình trong tương lai”.

Nữ giảng viên 9X nhận 11 học bổng thạc sĩ từ 7 đại học danh tiếng Anh Quốc - 4
Cô gái Việt tham quan viện bảo tàng Anh Quốc (The British Museum).

Trong bài luận của mình, cô gái đất Cảng đề cập tới mong muốn của mình khi muốn được quay trở về quê hương và tạo ra những cải cách hiện đại với các phần mềm học tiếng, chủ đề Ngọc muốn nghiên cứu là: Educational Technology (Công nghệ giáo dục Ngôn ngữ).

Từ chính những kinh nghiệm của mình, Mỹ Ngọc muốn nhắn nhủ tới những bạn trẻ hiện nay rằng, các bạn/các em hãy tập trung định hướng bản thân sớm nhất có thể.

Việc định hướng bản thân nghe thì rất khó, nhưng thực ra lại chính là việc các em hãy nên thử sức với các lĩnh vực khác nhau để tìm ra được ít nhất 3 lĩnh vực quan trọng mà mình có thể cân nhắc sẽ theo đuổi trong tương lai.

Việc đi du học thì không có gì khó, nhưng việc xin học bổng có nghĩa là chúng ta đang “thương lượng” với trường về tiềm năng của mình.

Tiềm năng một người được thể hiện qua 3 điểm: Tiềm năng trong lĩnh vực bạn chọn - Tiềm năng về sự đóng góp của bạn cho trường - Tiềm năng về sự phát triển cá nhân để trở thành người có ích cho xã hội.

“Nếu ngay cả việc ngành học gì, sau này ra mình muốn làm gì, làm thế nào để trở thành một cá thể giỏi giang có nhiều đóng góp lớn mà chính mình cũng không chắc chắn, tại sao người ta phải lựa chọn trao học bổng cho mình?”, Ngọc nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm