Nỗi lòng mẹ chàng trai đạp xe 300km đi thi đại học
(Dân trí) - “Thuận ham học lắm. Nằm trong bệnh viện hắn chỉ sợ nghỉ lâu quá trường không cho học nữa nên cứ năn nỉ mẹ lên xin bác sỹ cho xuất viện”, bà Ngô Thị Tuệ - mẹ của Ngô Văn Thuận cho biết.
Ngoài hông nhà, bà nội già nua mù lòa của Thuận đang lúi húi nấu cơm. Ông Quý ôm chiếc điếu cày nhìn ra phía cửa, bà Tuệ nén tiếng thở dài ngồi bó gối cạnh chiếc bàn nước con con. Căn nhà tối om om chẳng ai buồn bật điện. Nhận món quà của đồng nghiệp chúng tôi ở TP Hồ Chí Minh gửi tặng, bà áy náy: “Không biết thằng Thuận có được đi học nữa không? Nhận rồi, hắn không đi học nữa thì biết mần răng?”.
Quên cả rót nước mời khách, bà kể như thể để trút hết nỗi lòng của một người mẹ. Cách đây 2 tháng vợ chồng bà nhận được tin báo Thuận đã được nhập Bệnh viện Quân y 103. “Từ trước tới nay sức khoẻ Thuận bình thường, có biểu hiện chi lạ mô. Nghe tin, hoảng quá, vợ chồng tôi chỉ kịp vay hàng xóm mấy triệu bạc rồi bắt xe ra Hà Nội. Thuận vẫn nhận ra bố mẹ. Nghe nói Thuận nhảy qua bờ rào cao tới 3m rồi chạy khỏi trường, tui hỏi, hắn trả lời: “Đầu con đau lắm, mắt con hoa lên, nhìn mờ cả đi, con nóng ruột quá và nghĩ là phải trốn khỏi đó thôi”.
Điều trị được một thời gian thì bệnh tình của Thuận thuyên giảm thì hắn lại nằng nặc xin ra viện để về đi học. Hắn nói sợ nghỉ học lâu quá không theo kịp bạn bè, sợ nhà trường không cho học nữa. Các bác sỹ chưa cho xuất viện thì hắn lại chạy trốn. Bị bắt trở lại, lần này các bác sỹ, y tá canh chừng Thuận kỹ hơn. Tui vô thăm thì hắn lại bảo mẹ lên xin bác sỹ cho con xuất viện, con khoẻ rồi.
Thương con, tui đánh liều lên gặp bác sỹ. Bác ấy bảo bệnh tình của Thuận đã đỡ nhưng cần phải theo dõi thêm, chưa thể cho xuất viện bây giờ. Ở trong viện, Thuận khó chịu lắm nhưng ngày mô cũng luyện tập mấy thế võ vừa được học. Thuận bảo phải luyện tập kẻo hôm nào đi học lại không theo kịp các bạn”, bà Tuệ cho biết.
Trầm ngâm ôm chiếc điều cày rít một hơi dài, ông Quý tiếp lời vợ: “Tui nghĩ hắn phát bệnh là do căng thẳng thần kinh quá nhưng có tờ báo viết là Thuận bị tâm thần do di truyền. Nhà tui có ai bị tâm thần mô mà bảo là Thuận bị di truyền được. Thuận là đứa hay lo. Ra đó, hắn sợ không theo kịp bạn bè, không được như mọi người kỳ vọng nên căng thẳng quá mà phát bệnh cũng nên”.
Sau hai tháng thay nhau ra Hà Nội chăm con, số lúa trong nhà cũng đã bị bán kiệt. Hai vợ chồng bà Tuệ phải vay mượn hàng xóm thêm 10 triệu đồng nữa để làm lộ phí đi lại, chi phí ăn ở. Tiền hết, ông bà đành gửi con lại cho các bác sỹ rồi dắt díu nhau về quê. Ông Quý theo người ta đi phụ lắp dàn mái tôn còn bà Tuệ lại ra đồng tiếp tục nghề thả trúm lươn của mình.
“Bác sỹ nói bệnh tình của Thuận đã đỡ nhưng tui không biết khi mô hắn mới được ra viện. Nghỉ học lâu rứa liệu nhà trường có cho hắn học tiếp không? Tui sợ nếu không cho học nữa hắn phát điên mất. Mà nếu nhà trường có tiếp tục cho học thì sợ nghỉ lâu quá, Thuận khó mà theo kịp bạn bè, hắn lại sinh tư tưởng chán nản nữa”, bà nói mà như khóc.
Chiều ngày 12/11, chúng tôi nhiều lần liên lạc qua điện thoại di động của Thuận, máy vẫn đổ chuông nhưng không có ai trả lời. Nhắn tin cũng không có hồi âm.
Hoàng Lam