Nỗi đau đạo đức học đường

Những cái tát từ cánh tay người thầy liên tục giáng xuống mặt em học sinh. Đó là hình ảnh "sốc" nhất trong clip lan truyền trên mạng về thầy trò đánh nhau tại Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Bình Định. <br><a href='http://dantri.com.vn/event-2478/Thay-danh-tro-tro-danh-tra-lai-thay.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Thầy đánh trò, trò đánh trả lại thầy</b></a>

Em học sinh cúi đầu chịu trận và chịu nhục. Có lẽ, đòn của thầy giáo giáng xuống mặt rất đau, nhưng không khủng khiếp bằng cái đau vì sự nhục nhã trước mặt bạn bè, trong đó có các bạn nữ. Đối với lứa tuổi của em, sự tổn thương này thật quá sức chịu đựng. Cho nên, khi thầy giáo tiếp tục đánh, cậu học trò nhẫn nhục cúi đầu trước đó đã bất ngờ phản kháng bằng cách tấn công lại thầy. Điều tồi tệ nhất, thảm hại nhất đã xảy ra. Và ai cũng thấy rõ, nguyên nhân trước tiên là do hành động phi sự phạm của người thầy!
 
Khoa học sư phạm hiện đại đề cao giá trị cá nhân, tôn trọng nhân phẩm con người, cho nên không chấp nhận việc dùng đòn roi trong giáo dục. Hành động bạo lực là đi ngược lại với quan điểm giáo dục của thế giới văn minh, vi phạm quyền con người.
 
Thầy đánh trò, trò đánh thầy đã không còn là chuyện hiếm nữa.
 
Truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngàn đời đến nay đã bị mai một, không phải chỉ từ phía học trò, mà ngay chính người thầy cũng tự hủy hoại hình ảnh của mình, để không còn nhận được sự tôn trọng từ xã hội. Còn đó hình ảnh đau lòng về hai nữ sinh ra tòa trong nước mắt. Các em là nạn nhân của chính thầy hiệu trưởng "đáng kính" của mình. Còn đó những câu chuyện "lấy tình đổi điểm" trong các giảng đường; những cô giáo, bảo mẫu hành hạ trẻ em trong cơ sở mầm non...
 
Nỗi đau về đạo đức học đường không chỉ là của những người làm giáo dục, mà còn là niềm đau chung của toàn xã hội. Đạo đức mà suy đồi ngay trong môi trường "trồng người" thì thật không có hiểm họa nào bằng! Các bài học đạo đức đầy trên sách giáo khoa liệu còn có ý nghĩa, trước những thực tế suy đồi mà học sinh đang phải đối diện? Nền giáo dục Việt Nam đang có một phần thất bại trong việc giáo dục nhân cách con người. Có khi, sự thất bại đó vượt qua khỏi phạm vi trách nhiệm của một ngành.
 
Đã đến lúc cần phải có thái độ dũng cảm và khoa học để phân tích quá trình tuột dốc về đạo đức học đường và đưa ra giải pháp trị liệu. Những điều xấu xa, tha hóa trong cộng đồng đang ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Ngược lại, một môi trường trường giáo dục mà đạo đức bị tha hóa có tác động đến đối tượng giáo dục, đối tượng đó lại là những chủ thể khác nhau trong xã hội sau này.
 
Cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam chỉ có thể thành công một khi chỉnh đổn được đạo đức ngay trong môi trường giáo dục. Đất nước Việt Nam chỉ có thể phát triển một khi đạo đức xã hội được tôn trọng, được đề cao.
 
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động